28/11/2021 - 20:15

Phát huy nguồn lực phụ nữ trong nền kinh tế 

Các chuyên gia cho rằng việc thiếu chính sách phù hợp đã hạn chế sự tham gia của phụ nữ trong nền kinh tế trực tiếp. Theo họ, đảm bảo sự tham gia của phụ nữ trong nền kinh tế trực tiếp có thể làm tăng tốc độ tăng trưởng GDP thêm 75%.

Nhiều điểm bất cập

Một phụ nữ châu Phi vừa địu con vừa lấy nước - công việc “không lương” mà rất nhiều phụ nữ trên thế giới phải làm. Ảnh: CIFOR

Một phụ nữ châu Phi vừa địu con vừa lấy nước - công việc “không lương” mà rất nhiều phụ nữ trên thế giới phải làm. Ảnh: CIFOR

Phụ nữ đi làm ít hơn nam giới và sự tham gia của họ vào lực lượng lao động bị hạn chế ở nhiều nền kinh tế đang phát triển. Phụ nữ chủ yếu tham gia lực lượng lao động phi chính thức vốn thiếu sự bảo vệ và mức lương không đủ sống. Năm 2018, có 18 nền kinh tế vẫn cho phép chồng không cho vợ đi làm. Hơn nữa, 104 quốc gia có ít nhất một luật cản trở cơ hội kinh tế của phụ nữ. 

Hiện phụ nữ có ít tài khoản ngân hàng và khả năng vay tiền hơn nam giới. Họ cũng thường thiếu khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính khác như tiết kiệm và bảo hiểm. Ở một số quốc gia, phụ nữ không được phép mở tài khoản ngân hàng mà không có sự cho phép của thành viên nam trong gia đình.

Phụ nữ còn ít được tiếp cận với các biện pháp bảo trợ xã hội như lương hưu, trợ cấp thất nghiệp, bảo vệ thai sản và được trả lương bình đẳng. Trung bình, phụ nữ chỉ kiếm được từ 60% đến 75% so với nam giới.

Công việc nhà không được trả lương bao gồm nấu ăn, dọn dẹp, chăm sóc trẻ em hoặc người già thường do phụ nữ đảm nhận. Theo Sayema Haque Bidisha, Giáo sư Đại học Dhaka (Bangladesh), tỷ lệ đóng góp vào công việc gia đình không được trả lương của nữ giới lên tới 81,4%, so với 18,6% của nam giới. Tổng giá trị của công việc gia đình không được trả lương ước tính chiếm từ 10% đến 39% GDP của Bangladesh.

Hiện có gần 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ ở các nước đang phát triển không được bảo đảm về mặt tài chính hoặc không được phục vụ. Phụ nữ cũng ít có khả năng trở thành doanh nhân hơn và gặp nhiều trở ngại khi cố gắng khởi nghiệp.

Gợi ý một số giải pháp

Từ những điểm bất cập trên, các chuyên gia đề xuất các chính sách và biện pháp phát huy tiềm năng to lớn của phụ nữ.

Thứ nhất, phụ nữ cần được tạo cơ hội tự do tiếp cận các nguồn lực như tín dụng và tài khoản ngân hàng để phát triển kinh tế; được tham gia các chương trình đào tạo về tài chính, kết nối hệ thống thanh toán kỹ thuật số.

Thứ hai, sắp xếp công việc linh hoạt cho người lao động có con không phân biệt giới tính để cân bằng gánh nặng lao động. 

Thứ ba, tính công việc chăm sóc không được trả lương trong thống kê, thừa nhận vị trí của nó trong nền kinh tế; đền bù cho những đóng góp của phụ nữ và đưa ra các chính sách có thể giảm bớt gánh nặng cho phụ nữ và trẻ em gái. 

Thứ tư, các hội phụ nữ cần thúc đẩy hỗ trợ các sáng kiến nhằm giảm bất bình đẳng và tăng cơ hội cho phụ nữ ở những nơi thiếu thốn nguồn vốn; đầu tư vào các hoạt động khởi nghiệp của phụ nữ nhằm phát triển tương lai con cái bởi phụ nữ có xu hướng dành 80% thu nhập cho hạnh phúc gia đình và giáo dục con cái.

Thứ năm, phụ nữ cần được tiếp cận bình đẳng với giáo dục, đào tạo, kỹ năng mới, công nghệ mới, vị trí quản lý...; nơi làm việc không có quấy rối và bạo lực tình dục, an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn sức khỏe và thúc đẩy trả lương bình đẳng. Khi phụ nữ giữ vai trò lãnh đạo nhiều hơn, các doanh nghiệp được chứng minh là phát triển và hiệu quả hơn. 

TRÍ VĂN Theo Globalcitizen, Euractiv)

Chia sẻ bài viết