10/02/2010 - 09:30

Pháp bán tàu chiến cho Nga

Tàu Mistral của Pháp. Ảnh: RIA Novosti

Giám đốc phát triển quốc tế thuộc Cơ quan Vũ khí và Quốc phòng DGA của Chính phủ Pháp, ông Jacques de Lajugie, hôm 8-2 thông báo Paris đã đồng ý bán một tàu hải quân BPC (tàu tấn công và chỉ huy) lớp Mistral cho Nga. Đài phát thanh quốc tế Pháp (RFI) cùng ngày cho biết thêm là ngoài chiếc tàu nói trên, Pháp còn dự tính nhận đơn đặt hàng thêm 3 chiếc nữa. Như vậy, đây là lần đầu tiên một thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cung cấp phương tiện quân sự hiện đại cho “kình địch” Nga, bất chấp sự phản đối của Mỹ.

Theo giải thích của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Hervé Morin khi tiếp ông chủ Lầu Năm Góc Robert Gates ngày 8-2 thì Pháp muốn phát triển “mối quan hệ mới và tin cậy” với Nga, một đất nước đã thay đổi đáng kể từ năm 1989 (khi Liên Xô bắt đầu tan rã), vì sự sống còn của nền hòa bình và an ninh tại châu Âu. Mặt khác, theo ông Morin, nếu Pháp không bán tàu Mistral thì Nga có thể chọn nhiều quốc gia châu Âu khác để mua, và điều đó ảnh hưởng đến ngành công nghiệp xuất khẩu trang thiết bị quân sự của nước này. Năm 2009, doanh thu xuất khẩu vũ khí của Pháp đã vươn lên đứng hàng thứ ba thế giới với giá trị 7,95 tỉ euro, tăng 21% so với năm trước đó. Tại Điện Élysée, Tổng thống Nicolas Sarkozy cũng trấn an Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Gates rằng sự hợp tác quân sự giữa Pháp và Nga là điều bình thường, bởi “người ta không thể trông chờ Nga tỏ thái độ của một đối tác, mà ngược lại nên chủ động đối xử với Nga như là một đối tác”.

Về phần mình, ông Gates đã bày tỏ lo ngại và nói rằng có lý do chính đáng để các nước Đông Âu và Baltic phản đối thương vụ này. Tháng 12-2009, 6 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đã lên tiếng cảnh báo dự tính bán vũ khí của Pháp như một thông điệp “ủng hộ Mát-xcơ-va gia tăng những hành động hiếu chiến và vô luật pháp” (ám chỉ cuộc xung đột Nga-Gruzia cách đây gần 2 năm). Ngoại trưởng Gruzia Gregol Vachadze trong chuyến thăm Paris tháng 11-2009 cũng nói rằng Nga có thể sử dụng loại tàu chiến này để chống Gruzia và Ukraina khi xảy ra xung đột mới. Theo tư lệnh Hải quân Nga, đô đốc Vladimir Vysotsky, nếu nước này có một chiếc Mistral trong cuộc chiến với Gruzia tháng 8-2008 thì Hạm đội Biển Đen đã có thể hoàn thành sứ mạng của mình trong vòng 40 phút, thay vì 26 giờ.

Được biết, Mistral nặng 21.300 tấn, có khả năng vận chuyển và triển khai 16 máy bay lên thẳng, 4 tàu tiếp đất loại lớn, 70 xe quân sự các loại, trong đó có 13 xe tăng, cùng 450 binh sĩ. Mistral còn được trang bị một bệnh viện 69 giường và có thể sử dụng như là trung tâm chỉ huy trên biển lẫn đất liền. Giá của mỗi chiếc khoảng 500 triệu euro.

Có thể nói, cường quốc quân sự Nga, mà trước đây là Liên Xô, ít khi bỏ tiền ra mua phương tiện quân sự của nước ngoài. Theo các nhà phân tích, mục tiêu lớn nhất của Nga là thuyết phục Pháp chấp nhận cho xưởng đóng tàu DCNS của nước này hợp tác với Nga phát triển thêm từ 3-4 chiếc cùng loại như Mistral nữa. Nói cách khác, Mát-xcơ-va muốn Paris chuyển giao công nghệ đóng tàu Mistral, chứ không đơn thuần là bán trực tiếp. Đây là vấn đề mà Mỹ lo lắng nhiều nhất, khiến Pháp phải do dự khi tuyên bố sẽ tiếp tục “nghiên cứu” đơn đặt hàng của Nga.

KIẾN HÒA
(Theo Reuters, RIA Novosti, IANS, AP)

Tàu Mistral của Pháp. Ảnh: RIA Novosti

Chia sẻ bài viết