01/12/2016 - 21:21

OPEC và Nga “bắt tay” cắt giảm sản lượng dầu

Giới lãnh đạo của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) hôm 30-11 đã thống nhất cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng dầu thô/ngày trong 6 tháng, bắt đầu từ tháng 1-2017 và lần này sẽ có sự tham gia của các nước bên ngoài, nhất là Nga. Giá dầu mỏ thế giới ngay lập tức đã tăng mạnh.

Đây là sự kiện lịch sử bởi lần đầu tiên kể từ năm 2008, OPEC đạt được sự đồng thuận cắt giảm sản lượng trong bối cảnh giá dầu thế giới giảm nhanh và mạnh. Cam kết mới cao hơn mức 1,1 triệu thùng mà các nhà lãnh đạo dầu mỏ OPEC tạm thời nhất trí hồi tháng 9 tại Diễn đàn năng lượng quốc tế cùng diễn ra tại Vienna, Áo. Trong đó, Saudi Arabia, nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất, cắt giảm 480.000 thùng xuống còn 10,1 triệu thùng dầu/ngày. Iraq giảm 0,21 triệu thùng, còn Các Tiểu Vương quốc A-rập Thống nhất (UAE), Kuwait lần lượt cắt giảm 130.000 và 131.000 thùng/ngày. Trong khi đó, Iran được phép tăng sản lượng ở mức 90.000 thùng/ngày do nước này vừa trở lại sau lệnh nới lỏng cấm vận của phương Tây. Riêng Libya và Nigeria thì được miễn cam kết cắt giảm bởi nguồn cung thường xuyên bị gián đoạn do tình hình bất ổn an ninh.

Các nhà lãnh đạo OPEC tại cuộc họp báo hôm 30-11 ở Vienna. Ảnh: Bloomberg

Theo hãng tin Anh Reuters, kết quả trên là một sự thỏa hiệp quan trọng của Saudi Arabia, quốc gia được coi là nhà hoạch định chiến lược của OPEC, đối với Iran và Iraq, hai nước đã tăng mạnh sản lượng dầu sau thời gian bị cấm vận và chiến tranh. Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid al-Falih nói: "Tôi nghĩ rằng đây là ngày tốt đẹp cho thị trường dầu mỏ, cho ngành công nghiệp và kinh tế toàn cầu". Nhà quan sát năng lượng Amrita Sen bình luận: "OPEC đã chứng minh với những người bi quan rằng tổ chức này không chết. Động thái này sẽ thúc đẩy cân bằng thị trường và làm giảm sự dư thừa sản lượng dầu toàn cầu". Tổ chức được thành lập năm 1960 (nhằm kiểm soát giá dầu thế giới) hiện chiếm 40% sản lượng dầu toàn cầu.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo OPEC cũng hiểu rằng họ cần nhận được sự "tiếp tay" của các nước sản xuất dầu mỏ bên ngoài mới có tác động lớn và lâu dài. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố sẵn sàng hợp tác với OPEC. Hôm 30-11 tại Mát-xcơ-va, Bộ trưởng Năng lượng Alexander Novak khẳng định Nga sẽ cắt giảm 300.000 thùng dầu thô/ngày. Đây là lần đầu tiên từ năm 2001, Nga hợp tác với OPEC cắt giảm sản lượng dầu. Theo OPEC, các nước khác cũng đã cam kết sẽ cắt giảm thêm khoảng 300.000 ngày thùng/ngày.

Giá dầu sẽ còn "nhảy múa"

Quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra tại cuộc họp giữa OPEC và các nước bên ngoài vào ngày 9-12 tới. Như vậy, tổng sản lượng cắt giảm của OPEC và các nước bên ngoài sẽ là 1,8 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 2% sản lượng dầu toàn cầu. Tuy nhiên, thỏa thuận của OPEC hay giữa tổ chức này và các nước sản xuất dầu bên ngoài đều không mang tính bắt buộc trên thực tế. Dù giá dầu giảm mạnh, nhưng nhiều nước vẫn phải cố gắng duy trì sản lượng khai khác do ngân sách thiếu hụt.

Trước mắt, ngay sau quyết định của OPEC, giá dầu thô Brent giao tháng 1-2017 tăng tới 13%, đạt 52,54 USD/thùng. Giá dầu thô U.S. West Texas Intermediate tăng 9%, lên 50,11 USD/thùng. Tập đoàn Goldman Sachs dự báo giá dầu sẽ tăng lên mức trung bình 55 USD/thùng trong 6 tháng đầu năm 2017. Trước cuộc họp của OPEC, Bộ Năng lượng Mỹ dự báo giá dầu thô có thể tăng lên trung bình 50 hoặc 51 USD/thùng trong năm 2017. Cơ quan này cho biết sản lượng dầu của Mỹ sẽ giảm từ 8,8 triệu thùng năm nay xuống còn 8,7 triệu thùng/ngày năm tới. Giá dầu có thể tiếp tục tăng nếu như OPEC và các nước bên ngoài thống nhất thỏa thuận chung vào ngày 9-12. Ngoài ra, OPEC còn tuyên bố sẽ xem xét kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng thêm 6 tháng. Hồi giữa năm 2014, giá dầu thế giới ở mức 115 USD/thùng.

Tuy vậy, nếu giá dầu tăng cao hơn mức 60 USD/thùng, nhiều khả năng các nhà sản xuất dầu đá phiến thế giới, đặc biệt ở Mỹ, sẽ tăng cường khai thác và qua đó có thể tác động ngược đến giá dầu thô truyền thống. Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã từng tuyên bố sẽ tăng cường đầu tư khai thác nguồn năng lượng và mở rộng hệ thống vận chuyển nhằm đáp ứng nhu cầu nội địa và xuất khẩu. Tương lai giá dầu giới sẽ còn "nhảy múa" trong tương lai.

ĐỨC TRUNG (Theo Reuters, WSJ, AP, AFP)

Chia sẻ bài viết