28/06/2009 - 08:49

Ở trại tị nạn lớn nhất thế giới

X ung đột đẫm máu không có chiều hướng thuyên giảm tại Somalie đã “khai sinh” trại tị nạn lớn nhất thế giới ở nước láng giềng Kenya. Phát ngôn viên William Spindler của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) hôm 26-6 cho biết hiện nay mỗi ngày trung bình có khoảng 500 người tị nạn đói lã đến kiệt sức kéo đến tá túc ở trại tị nạn Dadaab nằm cách biên giới Somalie hơn 80 km. Với sức chứa chỉ khoảng 90.000 người, Dadaab đang phải gồng mình che chở cho hơn 280.000 sinh mạng. Theo ông Spindler, từ đầu năm tới nay, UNHCR đã tiếp nhận thêm gần 38.000 người tị nạn mới vào ngụ trong những căn chòi, lều tranh lộng gió, chật cứng như nêm nằm san sát nhau ở Dadaab.

Dân Somalie xếp hàng đợi để được đăng ký vào trại tị nạn Dadaab ở Kenya hôm 25-6. Ảnh: AP 

Đa phần những người này tìm đến Dadaab để chạy trốn nạn bạo lực và nghèo đói triền miên ở đất nước vùng Sừng châu Phi trước tình hình phiến quân Hồi giáo cực đoan liên tục đẩy mạnh các cuộc tấn công hòng lật đổ chính phủ Tổng thống Sharif Ahmed. “Đói kém và thiếu thốn đã đẩy chúng tôi rời xa quê hương”, Abdullah Abdi Dahir, tâm sự với phóng viên hãng tin AP (Mỹ) hôm đầu tuần. Người đàn ông 50 tuổi này đã dắt díu vợ và 5 con nhỏ, trong đó đứa nhỏ nhất vừa tròn 3 tháng tuổi, vượt biên tới Dadaab. “Hiện nay, chúng tôi chỉ cần có cái gì đó lót dạ và một chỗ để tá túc qua ngày”, Dahir nói tiếp.

Cũng cùng đường như gia đình Dahir, Zamzam Hussein Farrah đành đùm túm các con “bỏ của chạy lấy người”. Hết quá giang xe rồi cuốc bộ ròng rã suốt 1 tháng trời, cuối cùng năm mẹ con Farrah cũng đặt chân tới Dadaab vào trung tuần tháng 6 vừa qua. “Trong lúc chồng tôi ra chợ thì giao tranh nổ ra, cả nhà tôi chạy tứ tán”, Farrah giãi bày với phóng viên AP trong lúc đứng đợi đăng ký với UNHCR. Từ đó tới nay, chồng chị vẫn bặt vô âm tín trong khi mẹ già và đứa con út cũng “bóng chim tăm cá”.

Từ hôm 7-5 tới nay, các cuộc đụng độ giữa lực lượng chống đối với quân đội Somalie đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 225 người và buộc gần 170.000 người ở Thủ đô Mogadishu phải tha hương. “Làn sóng người tị nạn mới đang tạo thêm áp lực lên cơ sở hạ tầng vốn đã cũ kỹ ở Dadaab”, Anne Campbell, trưởng văn phòng đại diện của UNHCR tại Dadaab, cho biết. “Chúng tôi đang kêu gọi chính phủ Kenya cấp thêm đất để ổn định chỗ ở cho họ (dân tị nạn mới đến), và kêu gọi các nhà tài trợ góp thêm quỹ để xây dựng trại tị nạn mới và sửa chữa những trại cũ”.

Theo AP, UNHCR cũng đang cần tiền để xây mới 39.000 nhà xí phục vụ số người tị nạn mới tới. “Tình trạng thiếu hệ thống nước sạch sinh hoạt và nhà xí hợp vệ sinh có thể sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường”, Daniel Dickinson - phát ngôn viên Văn phòng Viện trợ Nhân đạo thuộc Ủy ban châu Âu - cảnh báo. Cơ quan này đang bỏ ra 4 triệu USD sửa chữa hệ thống cung cấp nước xuống cấp ở Dadaab và cho biết sẽ xây thêm hơn 5.000 nhà xí mới cho dân tị nạn trong năm nay. Theo Dickinson, một thảm họa nhân đạo ở Dadaab khó có thể tránh khỏi nếu những người ở đây không có đủ phương tiện sinh hoạt tối thiểu.

Trong khi đó, nhiều dân tị nạn cố cựu ở Dadaab - được thành lập năm 1991 sau khi chính quyền độc tài Siad Barre ở Somalie sụp đổ và gồm 3 trại tị nạn gộp lại - kêu ca tình trạng bị “bó chân” trong mái nhà chung này. Họ muốn thoát ra ngoài kiếm sống như dân Kenya. Theo chính phủ Kenya, việc cho dân tị nạn hòa nhập vào xã hội nước này không phải là “giải pháp bền vững” cho vấn đề người tị nạn Somalie. Kenya đóng cửa biên giới với Somalie hồi tháng Giêng 2007 nhằm ngăn chặn tình trạng các tay súng Hồi giáo cực đoan Somalie len lỏi vào đất nước này. Nhưng biện pháp đó vẫn không ngăn được dòng người tị nạn lẻn qua biên giới lánh nạn bằng đường rừng mỗi ngày.

18 năm sống ở Dadaab, Sahraro Sheikh Mohamed chưa một lần bước chân ra khỏi trại tị nạn. Ước mơ của người phụ nữ này là “được đặt chân đến một nơi mà chúng tôi có thể sống yên bình”. Song ước mơ bình dị ấy chưa biết đến bao giờ sẽ trở thành hiện thực!

QUỐC CHÂU (Theo AP, Csmonitor)

Chia sẻ bài viết