30/04/2019 - 18:52

Nước Nhật chia tay triều đại Bình Thành 

Nhật hoàng Akihito đã chính thức thoái vị chiều 30-4 (giờ địa phương) ở tuổi 85, mở đường cho Thái tử Naruhito đăng cơ nối ngôi ngày 1-5. Nước Nhật đã chính thức chia tay triều đại Heisei (Bình Thành) và bắt đầu kỷ nguyên mới Reiwa (Lệnh Hòa).

Buổi lễ thoái vị của Nhật hoàng Akihito chiều 30-4. Ảnh: AP
Buổi lễ thoái vị của Nhật hoàng Akihito chiều 30-4. Ảnh: AP

Buổi sáng, theo hãng tin AP, Nhật hoàng bắt đầu tiến hành các nghi lễ thoái vị tại đền thờ Shinto (Thần đạo), nơi thờ nữ thần mặt trời Amaterasu trong khuôn viên Hoàng cung rộng 115 héc-ta. Nữ thần này được cho là tổ tiên của hoàng gia Nhật. Buổi chiều, theo hãng tin Reuters, lễ thoái vị được tổ chức đơn giản nhưng long trọng tại Cung điện ở Tokyo với sự tham dự của khoảng 300 khách mời đại diện cho 195 quốc gia và được truyền hình trực tiếp. Tại buổi lễ, Nhật hoàng có bài phát biểu ngắn cuối cùng gởi đến toàn thể quốc dân.  Nhật hoàng Akihito tuyên bố: “Hôm nay, tôi đã kết thúc bổn phận của một vị Hoàng đế…. Kể từ khi lên ngôi cách đây 30 năm, tôi đã thực hiện bổn phận của Hoàng đế với niềm tin và sự kính trọng dành cho người dân và tôi tự thấy mình là người may mắn nhất để có thể làm được như vậy. Tôi xin chân thành cám ơn người dân, những người đã công nhận và ủng hộ tôi trong vai trò là biểu tượng của quốc gia”.

Vị Nhật hoàng được yêu mến nhất

Dù thời tiết ở Tokyo rất lạnh nhưng nhiều người Nhật vẫn có mặt bên ngoài Hoàng cung để tỏ lòng thành với triều đại Heisei. Niên hiệu Heisei được bắt đầu năm 1989 của Nhật hoàng Akihito thể hiện mong muốn đất nước và thế giới cùng hòa bình, yên ổn để phát triển sau Thế chiến thứ 2 và trong giai đoạn Chiến tranh lạnh căng thẳng. Dù Nhật hoàng không có quyền lực chính trị nhưng được coi là hình ảnh của nhân dân, biểu tượng của hòa hợp dân tộc, hòa bình và dân chủ.

Sau khi lên ngôi, Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko thường xuyên tới thăm các khu vực trên khắp đất nước Nhật Bản để tìm hiểu về cuộc sống của người dân địa phương. Cho đến trước khi thoái vị, Nhật hoàng và Hoàng hậu Michiko đã tới thăm tất cả 47 tỉnh, thành ở Nhật Bản. Năm 2011, sau khi nước Nhật vừa trải qua thảm họa động đất, sóng thần, rò rỉ hạt nhân ở Fukushima làm hơn 20.000 người thiệt mạng và mất tích, Nhật hoàng Akihito có bài phát biểu chưa từng có trên truyền hình để khích lệ tinh thần nhân dân xứ mặt trời mọc. Theo hãng CNN, đây là lần đầu tiên trong lịch sử có một Nhật hoàng phát biểu với công chúng trên truyền hình. “Tôi chân thành hy vọng các nạn nhận của thảm họa đừng bao giờ từ bỏ hy vọng, tự chăm sóc mình và sống mạnh mẽ cho ngày mai” - Nhật hoàng bày tỏ. Thậm chí, đích thân Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko đến khu vực thảm họa để trực tiếp gặp các nạn nhân sống sót.  Với các nạn nhân sống sót sau thảm họa, đó là một giấc mơ có thật. Sự gần gũi và bình dị của Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu thật ra đã được người dân hiểu rõ khi hai người quyết định không thuê đội ngũ giúp việc mà tự chăm sóc 3 đứa con Naruhito, Fumihito và Sayako Kuroda. Hoàng hậu Michiko, người xuất thân từ thường dân, thậm chí còn chuẩn bị cơm trưa cho các con ở trường học. Với phong thái gần gũi với người dân mỗi khi có dịp xuất hiện, Nhật hoàng được nhiều người coi là vị Hoàng đế của nhân dân.

Là vị vua đầu tiên của nước Nhật hiện đại sống trong kỷ nguyên hòa bình, Nhật hoàng Akihito góp công lớn thúc đẩy ngoại giao hòa bình, giúp cải thiện hình ảnh của nước Nhật. Năm 1990, tức chỉ một năm sau khi lên ngôi, Nhật hoàng đã đón tiếp Tổng thống Hàn Quốc khi đó là ông Roh Tea-woo và đã thừa nhận trách nhiệm của quân phiệt Nhật trong chiến tranh. Năm 1992, Nhật hoàng Ahikito trở thành vị hoàng đế Nhật đầu tiên thăm Trung Quốc  và tỏ hối lỗi quá khứ chiến tranh. Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko cũng có chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên năm 2017. Theo Chính phủ Nhật Bản, trong 30 năm qua, Nhật hoàng và Hoàng hậu đã có các chuyến thăm chính thức tới 28 quốc gia trên thế giới. Đáng chú ý, ngày 15-8-2015, trong một bài phát biểu nhân lễ kỷ niệm 70 năm ngày kết thúc Thế chiến thứ 2, Nhật hoàng Akihito lần đầu tiên bày tỏ sự “hối hận sâu sắc” về vai trò của Nhật Bản trong cuộc chiến tranh tàn khốc này. Tuyên bố đó đã phần nào giúp làm dịu bớt nỗi đau của người dân ở nhiều nước châu Á từng bị Nhật Bản xâm chiếm trong chiến tranh. Trong nước, Nhật hoàng Akihito nhiều lần đến thăm đảo Okinama, nơi có khoảng 110.000 binh sĩ và 100.000 người dân Nhật thiệt trong triều đại Showa (Chiêu hòa) của Nhật hoàng Hirohito, phụ vương của Akihito.

Cho nên, bất chấp triều đại Heisei chứng kiến nhiều thiên tai, nền kinh tế suy yếu sau giai đoạn tăng trưởng bong bóng, nhưng Nhật hoàng Akihito vẫn nhận được sự yêu quý và kính trọng nhất của nhân dân xứ phù tang. Các cuộc thăm dò mới đây của báo giới Nhật cho thấy có 80% dân Nhật ủng hộ hoàng gia, mức cao nhất trong lịch sử Nhật hoàng.

Đón chào vị hoàng đế mới

Nhật hoàng Akihito là vị hoàng đế đầu tiên của Nhật Bản thoái vị  trong gần 200 năm qua. Vị vua Nhật gần nhất thoái vị là Kokaku (giai đoạn 1789-1817). Ngai vàng Chrysanthemum (Ngai vàng Hoa cúc), nền quân chủ kế thừa liên tục lâu đời nhất trên thế giới (từ năm 645), sẽ được Thái tử Naruhito lên thay ngày 1-5 với niên hiệu là Reiwa. Từ này có nghĩa là mệnh lệnh, trật tự, hài hòa, hòa bình. Bộ Ngoại giao Nhật khẳng định niên hiệu mới mang nghĩa là “sự hài hòa, tươi đẹp”. Vị vua 59 tuổi đời thứ 126 này được kỳ vọng sẽ kế tục chân dung gần gũi, yêu chuộng hòa bình của Nhật hoàng Akihito. Trong bài phát biểu tại lễ thoái vị, Nhật hoàng Akihito bày tỏ hy vọng triều đại Reiwa dưới sự trị vì của Thái tử Naruhito sẽ là thời kỳ ổn định và thành công, đồng thời mang lại ‘hòa bình và hạnh phúc” cho nước Nhật và toàn thế giới.

Giáo sư Ryo Ikebe của Đại học Senshu (Nhật Bản) khẳng định sự nối ngôi này sẽ góp phần kích thích tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới. Giáo sư Ryo Ikebe nhận định theo thông lệ ở Nhật Bản, Nhật hoàng băng hà thì Nhật hoàng mới sẽ lên ngôi. Tuy nhiên, lần này ở Nhật Bản, khi thời Heisei khép lại mà Nhật hoàng Akihito vẫn khỏe mạnh, người dân Nhật Bản vừa có thể hồi tưởng lại thời Heisei, vừa có thể đón triều đại mới với tâm trạng hân hoan. Giáo sư tin tưởng rằng việc đón triều đại mới sẽ giúp tỷ lệ kết hôn và sinh con của người dân Nhật Bản tăng lên. Tiêu dùng cá nhân sẽ tăng, đồng thời các doanh nghiệp cũng sẽ đưa ra những dịch vụ, sản phẩm chúc mừng niên hiệu mới, góp phần kích thích sự tăng trưởng của nền kinh tế. Trong các doanh nghiệp, triều đại mới Reiwa cũng làm không khí hoạt động kinh doanh được nâng cao.

Về chính sách đối ngoại của Nhật Bản, Giáo sư Ikebe nêu rõ Nhật hoàng là biểu tượng của người dân Nhật Bản, hoàn toàn tách biệt với chính trị. Do đó, dù Nhật hoàng mới lên ngôi, ngoại giao hay chính trị của Nhật Bản sẽ không có bất kỳ sự thay đổi nào.  Theo Hiến pháp Nhật Bản, Nhật hoàng là “biểu tượng của quốc gia và biểu tượng của hòa hợp dân tộc”. Do đó, Nhật hoàng mới lên ngôi chắc chắn sẽ không có bất kỳ ảnh hưởng nào đến chính trị, đồng thời sẽ có những hoạt động biểu tượng cho sự hòa hợp của người dân Nhật Bản. Đó là việc chào đón các vị khách nước ngoài, thăm các nước trên thế giới, dự các hoạt động văn hóa, thăm hỏi những khu vực bị thiên tai thảm họa.

NHỮNG DẤU MỐC QUAN TRỌNG TRONG CUỘC ĐỜI CỦA NHẬT HOÀNG

- Ngày 23-12-1933: Nhật hoàng Akihito chào đời, là con trai cả của Nhật hoàng Hirohito và Hoàng hậu Kojun.

- Ngày 10-11-1952: Trở thành Thái tử.

Ngày 10-4-1959: Kết hôn với bà Michiko Shoda, người sau đó trở thành Hoàng hậu Michiko.

- Ngày 23-2-1960: Sinh con thứ nhất, người sau này trở thành Thái tử Naruhito.

- Ngày 30-11-1965: Sinh con thứ hai, người sau này trở thành Hoàng tử Fumihito.

- Ngày 18-4-1969: Sinh con gái, người sau này trở thành Công chúa Sayako.

- Ngày 7-1-1989: Thừa kế ngai vàng sau khi vua cha băng hà.

- Tháng 7 và 8-1995: Thăm các khu tưởng niệm ở Nagasaki, Hiroshima, Okinawa và Tokyo nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày kết thúc Thế chiến thứ 2.

- Ngày 18-1-2003: Trải qua ca phẫu thuật ung thư tuyến tiền liệt.

- Ngày 18-2-2012: Trải qua ca phẫu thuật tim nhân tạo.

- Ngày 15-8-2015: Nhật hoàng Akihito đã lần đầu tiên tuyên bố bày tỏ sự “hối tiếc sâu sắc” về Thế chiến thứ 2 tại một lễ tưởng niệm những người đã ngã xuống trong chiến tranh.

- Ngày 8-8-2016: Công bố thông điệp bằng video bày tỏ nguyện vọng thoái vị và truyền ngôi cho con trai là Thái tử Naruhito.

- Ngày 9-6-2017: Quốc hội Nhật Bản thông qua dự luật đặc biệt cho phép Nhật hoàng Akihito thoái vị.

- Ngày 8-12-2017: Chính phủ Nhật Bản chính thức thông qua ngày thoái vị của Nhật hoàng Akihito là ngày 30-4-2019.

- Ngày 10-4-2019: Kỷ niệm 60 năm ngày kết hôn với Hoàng hậu Michiko.

- Chiều 30-4-2019: Nhật hoàng Akihito chính thức thoái vị để nhường ngôi cho con trai là Hoàng Thái tử Naruhito.

ĐÀO TÙNG

KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết