11/09/2019 - 09:12

Nước Anh rối với Brexit 

Chính trường Anh tiếp tục hỗn loạn sau màn kịch chiến giữa Thủ tướng Boris Johnson và các nhà lập pháp xung quanh Brexit.

Biểu tình phản đối đình chỉ quốc hội ở thủ đô Luân Đôn. Ảnh: AFP

Sáng 10-9, Thủ tướng Johnson một lần nữa tuyên bố dù có hay không đạt được thỏa thuận với Liên minh châu Âu (EU), ông cũng sẽ đưa Anh rời “mái nhà chung” đúng hạn 31-10, chứ nhất định không gia hạn Brexit. Phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh dự luật buộc chính phủ của ông Johnson phải đề nghị trì hoãn Brexit thêm 3 tháng nếu Anh và EU không đạt được thỏa thuận “chia tay” vừa được ký ban hành thành luật trước đó vài giờ. Thêm vào đó, Hạ viện Anh cũng vừa công bố kết quả cuộc bỏ phiếu vòng cuối, qua đó bác đề xuất tổ chức bầu cử sớm của Thủ tướng Johnson.

Trong nỗ lực cản bước thủ tướng, Quốc hội Anh tuần rồi cũng đã bỏ phiếu thông qua dự luật ngăn “Brexit cứng” đồng thời bác đề xuất của người đứng đầu chính phủ tổ chức tổng tuyển cử sớm vào ngày 15-10. Sở dĩ lãnh đạo đảng Bảo thủ muốn bầu cử sớm là vì ông tin có thể giành lại thế đa số tại quốc hội, giúp thúc đẩy lộ trình rời châu Âu như đã định.

Trước sự cứng rắn của giới lập pháp, ông Johnson đã quyết định đình chỉ quốc hội trong 5 tuần, cho đến ngày 14-10, tức chỉ hai tuần trước hạn chót Brexit. Lãnh đạo Anh tin rằng động thái này là cần thiết để chính phủ lên lịch cho chương trình nghị sự trong nước. Song, phe phản đối cáo buộc ông Johnson thực tế muốn ngăn quốc hội tranh luận Brexit, một số người thậm chí coi đây là hành vi “đảo chính”.

Nhậm chức vào cuối tháng 7, Thủ tướng Johnson bị cho là đã “cạn kiệt” ý tưởng về Brexit khi kế hoạch của ông liên tục chịu thất bại trước quốc hội. Tình thế trở nên rối ren với việc chính phủ mất thế đa số mong manh tại hạ viện (một nghị sĩ bỏ theo đảng khác), rồi sau đó là quyết định của chủ nhân nhà số 10 phố Downing khai trừ 21 nghị sĩ Bảo thủ vì tội đứng về phe đối lập trong các cuộc bỏ phiếu. Chưa hết, chính em trai ông là quốc vụ khanh Jo Johnson cũng rời khỏi nội các và từ bỏ đảng. Ngay sau đó là sự ra đi của Bộ trưởng Việc làm và Hưu trí Amber Rudd và thông báo mới đây từ Chủ tịch Hạ viện John Bercow cho biết sẽ từ chức trong vài tuần tới. Ông Bercow tỏ ra không hài lòng trước việc quốc hội bị đình chỉ hoạt động “một cách bất thường”.

Kịch bản nào cho Thủ tướng Johnson?

Ba ngày sau khi Quốc hội Anh làm việc trở lại, ông Johnson sẽ dự hội nghị thượng đỉnh EU với cam kết đem về một thỏa thuận vì lợi ích quốc gia. Nếu khối này nhất trí, lãnh đạo Anh chỉ có chưa đầy hai tuần để thuyết phục quốc hội phê chuẩn thỏa thuận mới. Nhưng điều đó rất khó xảy ra khi quan điểm của ông Johnson muốn hủy bỏ “điều khoản rào chắn” (cho phép duy trì đường biên giới mở giữa Bắc Ireland thuộc Anh và CH Ireland thuộc EU), đi ngược lại ý chí của Brussels. Hiện các nhà phân tích đưa ra 3 kịch bản.

Thứ nhất, Thủ tướng Anh có thể theo ý quốc hội yêu cầu EU trì hoãn Brexit và khối này sẽ chấp thuận để tránh một cuộc “chia ly” hỗn loạn.

Trường hợp Brussels từ chối, ông Johnson sẽ trở lại Anh và đối mặt hai lựa chọn: hồi sinh thỏa thuận của người tiền nhiệm Theresa May hoặc Brexit bất chấp quốc hội. Quyết định này sẽ dẫn đến hỗn loạn khi phe đối lập có thể kêu gọi bỏ phiếu bất tín nhiệm và hạ bệ chính phủ, mở đường cho một cuộc tổng tuyển cử. Nhiều người suy đoán với tính cách của mình, Thủ tướng Johnson sẽ chấp nhận mất chức hơn là trì hoãn Brexit.

MAI QUYÊN (Theo AP, CNN)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
AnhBrexit