12/04/2008 - 11:08

Nới lỏng và khắc khổ - hai "phương thuốc" chống khủng hoảng kinh tế của IMF

(TTXVN)- Mười năm sau khi đưa ra phương thuốc “thắt lưng buộc bụng” để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đang đưa ra “phương thuốc” ngược lại cho các nước giàu đang vật lộn với suy thoái, đó là đổ tiền mặt vào hệ thống tài chính.

Những biện pháp như hạ lãi suất, cắt giảm thuế và thậm chí sử dụng các quỹ của nhà nước để góp phần làm lắng dịu tình hình có thể được thực hiện khi cuộc khủng hoảng tài chính lan từ Mỹ ra khắp thế giới. Simon Johnson, nhà kinh tế hàng đầu của IMF, phát biểu: “Các ngân hàng trung ương ở một số nền kinh tế phát triển, đặc biệt là Mỹ, đã nới lỏng chính sách một cách hợp lý. Các ngân hàng này có thể cần tiếp tục nới lỏng chính sách cho tới khi nền kinh tế hồi phục”. Ông cho rằng biện pháp kích thích tài chính cả gói với số tiền lên tới 168 tỉ USD “hình như mang lại sự hỗ trợ kịp thời” cho nền kinh tế đang suy thoái của Mỹ. Theo ông, nên cắt giảm thuế bất cứ khi nào có thể và việc sử dụng tiền của nhà nước để cứu các ngân hàng không phải là điều cấm kỵ, có thể được sử dụng và đang được sử dụng một cách hợp lý, nhắc tới vụ chính quyền Mỹ cứu trợ ngân hàng đầu tư Bear Stearns.

Tuy nhiên, khi tư vấn các nước đang nổi lên ở châu Á và Mỹ La-tinh đối phó với cuộc khủng hoảng trước đây, IMF đã đưa ra một phương thuốc khác. IMF đã chủ trương thắt chặt các tài khoản công, xóa bỏ trợ cấp, và để thị trường quyết định. Phá sản là một phần trong “toa thuốc” này.

Giải thích cho sự trái chiều này, Giám đốc điều hành mới của IMF, ông Dominique Strauss-Kahn cho rằng “cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang đối mặt hiện nay không giống cuộc khủng hoảng tiền tệ trước. Với các cuộc khủng hoảng không giống nhau, IMF đã đưa ra các phương thuốc khác nhau”.

Quan điểm này của IMF cũng nhận được sự ủng hộ của các chuyên gia kinh tế. Ông Domenico Lombardi, Viện trưởng Viện Chính sách kinh tế Oxford cho rằng bối cảnh xảy ra khủng hoảng là khác nhau và cuộc khủng hoảng hiện nay không bắt nguồn từ các chính sách kinh tế vĩ mô của nhà nước mà từ các tổ chức tài chính. Theo ông, đây không phải là vấn đề về nguyên tắc kinh tế cơ bản, nên phương thuốc “thắt lưng buộc bụng’’ là không hiệu quả.

Chia sẻ bài viết