11/12/2023 - 09:04

Nỗi lo đằng sau sự tăng trưởng dân số đô thị tại Ấn Độ 

Hơn nửa thế kỷ trước, Thủ tướng Ấn Độ lúc bấy giờ - bà Indira Gandhi - đã nói về một thách thức lớn mà các nước đang phát triển phải đối mặt: công nghiệp hóa mà không tổn hại môi trường. Ngày nay, nỗi lo của bà về sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường đã trở thành tâm điểm các cuộc thảo luận toàn cầu về biến đổi khí hậu. Riêng tại Ấn Độ, nơi mà dân số đô thị đang bùng nổ kéo theo nhu cầu năng lượng gia tăng, giới lãnh đạo đang nỗ lực tìm cách chuyển đổi năng lượng “xanh”.

Quang cảnh đông đúc ở một khu phố cổ tại New Delhi, Ấn Độ.

​Theo Liên Hiệp Quốc (LHQ), bất chấp việc Trái đất đang nóng lên đến mức nguy hiểm, nhiều quốc gia vẫn coi than đá, dầu mỏ và khí đốt là nguồn lực phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh năng lượng và sức mạnh địa chính trị.

Báo cáo của Chương trình Môi trường LHQ gần đây cho biết, sản lượng nhiên liệu hóa thạch của thế giới vào năm 2030 dự kiến sẽ cao hơn gấp đôi mức cần thiết để giữ cho nhiệt độ Trái đất tăng không quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, theo mục tiêu của Thỏa thuận khí hậu Paris. Và một trong những quốc gia góp phần chủ chốt tạo ra sản lượng nhiên liệu hóa thạch ở mức “thảm họa” nói trên là Ấn Độ - nước đang tiếp tục sử dụng than đá và dầu mỏ để cung cấp năng lượng cho 1,4 tỉ dân của mình. Quốc gia đông dân nhất thế giới còn dự định tăng gấp đôi sản lượng than đá trong nước vào năm 2030.

Dữ liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho thấy Ấn Độ là nước tiêu thụ năng lượng lớn thứ 3 thế giới, mặc dù mức sử dụng năng lượng và lượng khí thải bình quân đầu người của nước này thấp hơn một nửa mức trung bình thế giới. Song, điều đó có thể thay đổi nhanh chóng. IEA cho biết trong 30 năm tới, quốc gia Nam Á này sẽ có mức tăng trưởng nhu cầu năng lượng lớn nhất so với bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.

Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên vì Ấn Độ được dự báo sẽ đạt được một số cột mốc phát triển kinh tế ấn tượng. Các nhà phân tích cho rằng nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới có đủ điều kiện để tăng trưởng với tốc độ hàng năm ít nhất 6% trong vài năm tới và trở thành quốc gia thứ ba có GDP hàng năm trên 10.000 tỉ USD vào năm 2035.

Và khi đất nước phát triển và hiện đại hóa, nhóm thị dân của Ấn Độ sẽ tăng lên, kéo theo sự gia tăng lớn trong xây dựng nhà ở, văn phòng, cửa hàng và các tòa nhà khác. Thủ tướng đương nhiệm Narendra Modi dự đoán mỗi năm, dân số thành thị của Ấn Độ sẽ tăng tương đương dân số của thành phố Luân Đôn (Anh).

Ngoài ra, việc chính phủ của Thủ tướng Modi đang cố gắng thúc đẩy sản xuất trong nước còn tạo ra sự bùng nổ trong ngành xây dựng, với nhiều công trình như đường bộ, cầu cống, cảng và đường sắt mọc lên khắp đất nước. Cơ sở hạ tầng rộng lớn như thế sẽ dẫn đến nhu cầu tăng vọt về than và thép, những nguồn phát thải carbon khổng lồ.

Nhu cầu điện của Ấn Độ cũng được dự đoán tăng vọt trong những năm tới do nhiều yếu tố, từ mức sống được cải thiện cho đến biến đổi khí hậu. Trong đó, biến đổi khí hậu gây ra những đợt nắng nóng chết người trên khắp Ấn Độ và sẽ khiến số lượng người sở hữu máy điều hòa không khí tại nước này tăng đột biến trong thời gian tới. IEA cho biết vào năm 2050, tổng nhu cầu dùng điện từ máy điều hòa của Ấn Độ sẽ vượt quá tổng mức tiêu thụ điện năng trên toàn châu Phi hiện nay. Hiện than đá chiếm gần 70% sản lượng điện của Ấn Độ và khó có khả năng thay đổi trong thời gian tới.

Những mục tiêu “xanh” to lớn

Để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, chính phủ của Thủ tướng Modi đã đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng về năng lượng “xanh”. Giới chức Ấn Độ cam kết rằng năng lượng tái tạo sẽ đáp ứng 50% nhu cầu năng lượng của quốc gia vào cuối thập kỷ này. Cùng thời điểm đó, New Delhi cũng đặt mục tiêu đạt 500GW công suất phát điện từ nhiên liệu không hóa thạch - tăng từ mức 173GW hồi năm ngoái.

Ấn Độ cũng phát động một chương trình khuyến khích nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước trong các lĩnh vực quan trọng - gồm tấm pin năng lượng Mặt trời và pin tế bào hóa học tiên tiến. Trong một báo cáo năm 2023, IEA cho rằng nếu chương trình này thành công thì Ấn Độ có thể tự khẳng định mình là “nhà xuất khẩu đáng tin cậy” về tấm pin năng lượng Mặt trời.

Trước nỗ lực “xanh hóa” nhu cầu năng lượng của Chính phủ Ấn Độ, nhiều tập đoàn lớn đang mong muốn nắm bắt cơ hội đó. Những người giàu nhất đất nước - bao gồm hai tỉ phú Mukesh Ambani và Gautam Adani - đang đầu tư hàng tỉ USD vào lĩnh vực năng lượng sạch, dù họ xây dựng tài sản cá nhân dựa trên nhiên liệu hóa thạch.

NGUYỆT CÁT (Theo CNN)

Chia sẻ bài viết