MAI QUYÊN
Sau quyết định của Mỹ cung cấp bom chùm cho Ukraine và tuyên bố từ Nga về hành động đáp trả tương tự, dư luận thế giới lo ngại về những hậu quả thảm khốc mới mang tên bom chùm mà lịch sử đã bao lần chứng kiến.
Máy bay ném bom Rockwell B-1 Lancer của Mỹ thả bom chùm trong cuộc tập trận năm 2020. Ảnh: AFP
Theo CNN, bom chùm có dạng giống bom thông thường nhưng bên trong chứa hàng chục đến hàng trăm quả đạn nhỏ. Trong khi bom chùm có thể thả từ máy bay, thì đạn chùm được phóng từ pháo, súng hải quân hoặc các giàn phóng tên lửa. Ở độ cao nhất định, quả bom lớn sẽ tách ra và rải đạn con bên trong lên một khu vực rộng.
Ðạn con được thiết kế với ngòi hẹn giờ, tùy khu vực mà chúng sẽ phát nổ khi đến gần mục tiêu hoặc chạm đất, bắn ra nhiều mảnh đạn nhỏ tiêu diệt lực lượng bộ binh đối thủ hoặc phá hủy các phương tiện bọc thép như xe tăng.
Nỗi đau bom chùm
Theo tờ Independent, bom chùm có lịch sử khá lâu đời với những đợt triển khai đầu tiên được ghi nhận trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Một số cuộc xung đột giai đoạn này có sự xuất hiện của bom chùm là mặt trận Kursk năm 1943 khi Hồng quân Liên Xô phóng bom chùm nhắm vào phát xít Ðức. Cùng năm, quân Ðức rải 1.000 quả bom SD-2 (phiên bản đời đầu của bom chùm hay còn gọi là bom bươm bướm) xuống Grimsby, thành phố cảng phía Ðông Bắc nước Anh.
Với lực sát thương trên diện rộng hiệu quả hơn đạn pháo riêng lẻ, những quả bom chùm sau đó được sử dụng xuyên suốt trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Mỹ đã thả 413.130 tấn bom hoặc đạn chùm xuống Việt Nam từ năm 1965 đến năm 1973. Trong chiến tranh Việt Nam, Mỹ cũng thả khoảng 270 triệu quả bom bi xuống Lào, trong đó có tới 30% không phát nổ. Lào bị ô nhiễm bởi khoảng 80 triệu quả bom hoặc đạn con, ảnh hưởng trên tất cả 17 tỉnh và gây ra 300 thương vong mỗi năm. Khi tiến hành chiến dịch quân sự ở Afghanistan vào năm 2001, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho biết Lầu Năm Góc coi bom chùm là một phần không thể thiếu và trong 3 năm đầu tiên của cuộc xung đột, HRW ước tính liên minh do Mỹ lãnh đạo đã thả hơn 1.500 quả bom chùm xuống quốc gia Trung Á. Lần cuối cùng Mỹ sử dụng bom chùm là trong chiến dịch ở Iraq vào năm 2003. Tính đến nay, đã có hơn 20 quốc gia sử dụng bom chùm trong các cuộc xung đột vũ trang, chiến tranh ở hơn 35 nước khác.
Liên Xô trong giai đoạn 1979-1989 cũng từng sử dụng rất nhiều bom chùm trong cuộc chiến ở Afghanistan, sau đó là Nga trong chiến tranh Chechnya lần thứ nhất (1994-1996). Một số đợt tấn công quân sự khác có sử dụng bom chùm trên thế giới bao gồm chiến tranh Ðông Dương giữa Ấn Ðộ và Trung Quốc, cuộc chiến ở các đảo Falkland giữa Anh và Argentina, chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, cuộc xung đột Eritrea - Ethiopia hay xung đột Kosovo. Trong cuộc chiến kéo dài một tháng hồi năm 2006 với Hezbollah, HRW và Liên Hiệp Quốc (LHQ) cáo buộc Israel bắn tới 4 triệu quả bom chùm vào Lebanon, đe dọa dân thường quốc gia Trung Ðông này cho đến ngày nay. Liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu ở Yemen cũng bị chỉ trích vì sử dụng bom chùm trong chiến dịch quân sự nhắm vào phiến quân Houthi. Năm 2017, LHQ cho biết Yemen là quốc gia có nguy cơ tử vong cao thứ 2 do bom chùm sau Syria - quốc gia vẫn đang trong cuộc nội chiến kéo dài từ năm 2011.
Hậu quả kéo dài
Theo các chuyên gia vũ khí, bom chùm có khả năng gây sát thương cao trên phạm vi rộng nhưng tỷ lệ rơi ngoài mục tiêu và không phát nổ khi va chạm cũng không thấp (40%). Ðiều này đồng nghĩa hàng ngàn quả bom nhỏ chưa nổ vẫn tiếp tục tồn lại, gây thương tích hoặc khiến dân thường thiệt mạng trong nhiều thập kỷ sau chiến tranh. "Di sản của bom chùm là sự đau khổ, chết chóc và tốn kém cho các thế hệ để dọn dẹp sau khi sử dụng chúng" - Hạ nghị sĩ Mỹ Betty McCollum cho biết trong một tuyên bố phản đối Nhà Trắng cung cấp bom chùm cho Ukraine.
Dẫn một nghiên cứu năm 2006 của tổ chức Handicap International, tờ Washington Post cho biết 98% tỷ lệ thương vong do bom chùm được ghi nhận là thường dân. Ước tính, loại vũ khí này đã gây ra ít nhất 55.000 thương vong cho những người không tham chiến kể từ những năm 1960. Bên cạnh thiệt hại về người, Hạ nghị sĩ Joaquin Castro của Ủy ban Ðối ngoại Hạ viện Mỹ cho biết việc phải chi hàng triệu USD để thu dọn những thiệt hại trong hàng chục năm sau đó là một bài học đủ để thế giới từ bỏ bom chùm. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, nước này đã chi hơn 4,6 tỉ USD để giúp các quốc gia khác rà phá bom mìn và các vật liệu chưa nổ khác kể từ năm 1993. Chỉ riêng trong năm tài chính 2022, Washington đã hỗ trợ trên 376 triệu USD cho các hoạt động phá hủy vũ khí thông thường ở hơn 65 quốc gia và khu vực.
Bản thân việc sử dụng bom chùm không vi phạm luật pháp quốc tế, nhưng dùng chúng để chống lại thường dân có thể là một hành vi vi phạm. Trước những tàn dư nguy hiểm, một công ước cấm sử dụng bom chùm đã ra đời và được thống nhất vào tháng 5-2008 tại Ireland. Công ước nhanh chóng được ký kết vào tháng 12 cùng năm tại Na Uy và bắt đầu có hiệu lực từ tháng 8-2010. Theo công ước, các quốc gia không sử dụng, phát triển, sản xuất, tàng trữ, mua hoặc chuyển giao bom chùm cho nước khác; đồng thời cam kết thu dọn tàn dư sau khi đã sử dụng.
Ðến nay có 122 quốc gia phê chuẩn công ước trên, nhưng 3 nước trong tâm điểm tranh cãi hiện giờ là Mỹ, Nga và Ukraine chưa ký kết. Ðiều đáng lo ngại là tới nay, có 16 quốc gia vẫn sản xuất bom, đạn chùm và chưa cam kết không sản xuất chúng trong tương lai, trong đó có Mỹ, Nga và Ukraine.
Theo Hãng tin Reuters, Mỹ đã bắt đầu gửi cho Ukraine loại Ðạn pháo cải tiến có chức năng kép (DPICM) hay còn gọi là bom chùm bắn từ lựu pháo 155mm. Tùy phiên bản mà một quả DPICM sẽ chứa khoảng 72 đến 88 đạn con bên trong, có khả năng xuyên giáp và đặc biệt hiệu quả khi đối đầu với bộ binh trên phạm vi 30.000m2, tùy vào độ cao các quả đạn nhỏ được rải ra.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu khẳng định quân đội nước này sẽ sử dụng vũ khí tương tự trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Thậm chí, ông Shoigu cho biết lượng lớn bom chùm sẵn sàng hoạt động của Nga còn hiệu quả hơn nhiều so với loại bom Lầu Năm Góc cấp cho Kiev.
Nguy cơ trận chiến bom chùm
Trong các cuộc chiến tranh trước đây, các cường quốc quân sự thường sử dụng bom chùm hòng sớm hủy diệt trận địa đối phương. Tuy nhiên, chiến trường tại Ukraine đang có nguy cơ trở thành trận chiến bom chùm từ kho vũ khí dự trữ của hai siêu cường quân sự hàng đầu thế giới Nga - Mỹ.
Hiện Ukraine đã nhận được những quả bom chùm đầu tiên do Mỹ viện trợ, đánh dấu giai đoạn leo thang mới trong cuộc chiến với Nga. Loại bom chùm mà Mỹ cung cấp cho Ukraine là Ðạn pháo cải tiến có chức năng kép (DPICM). Hiện Mỹ được cho còn tồn kho đến 3 triệu đạn DPICM.
Loại bom chùm này sẽ giúp quân đội Ukraine nâng cao hiệu quả các cuộc phản công hiện tại, bởi nó được cho phù hợp để hỗ trợ quân đội Ukraine tăng cường cả năng lực tấn công lẫn phòng thủ.
Về phương diện phòng thủ, bom chùm cũng giúp phía Ukraine chống lại các cuộc tấn công bộ binh liên hoàn với số lượng áp đảo mà lực lượng Nga đã từng sử dụng ở trận địa khốc liệt Bakhmut.
Một lượt bắn đạn DPICM với tầm bao phủ rộng gia tăng sát thương đáng kể. Do đó, việc cung cấp đạn DPICM đồng nghĩa với lực lượng pháo binh Ukraine sẽ bắn một số đạn ít hơn nhằm vào nhóm mục tiêu cụ thể, cho phép nước này duy trì dự trữ đạn pháo và tuổi thọ nòng súng của hệ thống lựu pháo 155mm lâu hơn.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng Mỹ cung cấp bom chùm cho Ukraine do nước này thiếu đạn pháo. “Quân đội Ukraine đang tiêu tốn tới 5.000-6.000 quả đạn cỡ 155mm mỗi ngày, trong khi Mỹ sản xuất 15.000 quả mỗi tháng. Châu Âu thì không có đủ đạn. Vì vậy, họ không tìm thấy điều gì tốt hơn là đề xuất sử dụng bom, đạn chùm”, ông Putin cho biết, đồng thời nhấn mạnh Nga có đủ lượng dự trữ các loại đạn, bom chùm riêng và có quyền sử dụng chúng cho “hành động ăn miếng trả miếng”. Năm 2011, Nga thừa nhận nước này có lượng dự trữ bom chùm tương đương Mỹ, tức khoảng 5,5 triệu quả các loại.
ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)
|