18/04/2023 - 08:33

Nợ xấu bủa vây “Vành đai, Con đường” 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Vào thời đỉnh cao, sáng kiến “Vành đai, Con đường (BRI)” được coi là trung tâm trong chiến lược can dự thế giới của Trung Quốc. Giờ đây, sau gần một thập niên được triển khai, chương trình phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỉ USD này đã bị các khoản nợ khó đòi ảnh hưởng.

Một công trình xây dựng ở Sri Lanka do Trung Quốc tài trợ. Ảnh: NYT

Theo số liệu do tổ chức nghiên cứu Rhodium (Mỹ) tổng hợp, tổng cộng khoảng 78,5 tỉ USD khoản vay từ các tổ chức Trung Quốc để xây dựng đường bộ, đường sắt, cảng, sân bay cũng như các cơ sở hạ tầng khác trên khắp thế giới đã được tái đàm phán hoặc được Bắc Kinh xóa nợ trong giai đoạn từ năm 2020 đến cuối tháng 3 năm nay. Con số này cao gấp 4 lần so với con số 17 tỉ USD được tái đàm phán hoặc xóa nợ mà Rhodium ghi nhận trong giai đoạn 2017-2019.

Brad Parks, Giám đốc điều hành tổ chức chuyên theo dõi viện trợ phát triển quốc tế AidData, cho biết tuy không có số liệu chính thức về tổng quy mô cho vay của BRI trong thập niên qua nhưng số tiền này được cho tổng cộng khoảng 1.000 tỉ USD. “Bắc Kinh đã cho vay rất nhiều và phát hành hàng ngàn khoản cho vay trị giá gần 1.000 tỉ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng trải rộng trên 150 quốc gia trong thập niên qua. Giờ đây, rất nhiều nước đi vay đang gặp khó trong việc trả các khoản nợ phát triển cơ sở hạ tầng cho Bắc Kinh. Trong năm 2010, chỉ có 5% danh mục cho vay ở nước ngoài của Trung Quốc hỗ trợ những nước cho vay gặp khó về tài chính. Ngày nay, con số đó là 60%”  - ông Parks nói với Kênh truyền hình CNBC.

Theo ông Parks, Trung Quốc đang phải đối mặt với thách thức lớn về thu hồi nợ và phản ứng bằng một chiến lược “xoay trục”. Theo đó, Bắc Kinh đang giảm dần cho vay phát triển các dự án cơ sở hạ tầng và tăng cường “cho vay cứu trợ khẩn cấp” nhằm ngăn chặn tình trạng vỡ nợ của những “con nợ”. Theo một nghiên cứu do AidData, Ngân hàng Thế giới (WB), Trường Harvard Kennedy và Viện Kinh tế Thế giới Kiel phối hợp thực hiện, trong giai đoạn 2000-2021, Trung Quốc phát hành 128 “khoản vay cứu trợ khẩn cấp” trị giá 240 tỉ USD cho 22 nước như Pakistan, Sri Lanka và Thổ Nhĩ Kỳ với lãi suất lên tới 5%, “cao hơn đáng kể so với mức lãi suất trung bình của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), vốn vào khoảng 2% đối với hoạt động cho vay không ưu đãi.

Do nền kinh tế toàn cầu chậm lại, lãi suất tăng cùng với lạm phát cao, ngày càng có nhiều quốc gia tham gia BRI đang bị đẩy đến bờ vực, mất khả năng thanh toán. Riêng tại khu vực Nam Á, nợ Trung Quốc tăng từ mức 4,7 tỉ USD năm 2011 lên con số 36,3 tỉ USD năm 2020. Theo báo cáo của WB, Bắc Kinh hiện là chủ nợ song phương lớn nhất của Maldives, Pakistan và Sri Lanka, quốc gia tuyên bố vỡ nợ hồi năm ngoái. Năm 2017, Colombo cho Bắc Kinh thuê cảng chiến lược Hambantota với thời hạn 99 năm nhằm “khất” số nợ 1,1 tỉ USD, làm dấy lên hồi chuông cảnh báo về hoạt động cho vay của Trung Quốc.

Ngoài việc phát triển BRI nhằm tăng cường ảnh hưởng toàn cầu, Trung Quốc cũng đang mở rộng chiến lược “quyến rũ” chính trị và ngoại giao đối với các nước đang phát triển. Kể từ năm 2021, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra 3 sáng kiến chiến lược nhằm tái định hình cấu trúc quản trị toàn cầu và làm giảm ảnh hưởng của các thể chế do phương Tây khởi xướng nhằm xử lý các vấn đề quốc tế kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc. Trong bối cảnh Bắc Kinh tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế dành cho 2 trong số 3 sáng kiến đó, gồm Sáng kiến Phát triển Toàn cầu (GDI) và Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI), những quốc gia đăng ký trở thành “bạn” trong tầm nhìn của Trung Quốc hầu như là những “con nợ” theo khuôn khổ BRI.
Chia sẻ bài viết