Quá trình nuôi dạy trẻ luôn mang đến nhiều thách thức, đặc biệt trong việc rèn cho con thói quen ăn uống có lợi sức khỏe. Khi trẻ lớn dần, bữa ăn không chỉ để thỏa mãn cơn đói mà còn giúp trẻ thể hiện sự độc lập và cách tương tác với người khác. Để giúp con xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh từ bé, phụ huynh cần kiên nhẫn và hành xử phù hợp.
Cùng con nấu ăn giúp khơi gợi hứng thú khám phá lợi ích dinh dưỡng và hương vị của thực phẩm lành mạnh.
+ Kiên nhẫn là “chìa khóa”. Theo nghiên cứu, kén ăn là tình trạng phổ biến ở trẻ nhỏ, đỉnh điểm là lúc được 20 tháng tuổi và dần biến mất ở giai đoạn 5-8 tuổi. Hơn nữa, để bắt đầu thích một thực phẩm mới, trẻ cần tiếp xúc với nó từ 8-10 lần nên phụ huynh cần kiên nhẫn mới thành công. Mỗi khi giới thiệu món mới, bạn nên chia nhỏ phần ăn để bé khỏi bị “choáng”, cũng như luôn chuẩn bị sẵn một món khoái khẩu của con. Cách làm này giúp tăng khả năng trẻ chịu ăn món mới.
+ Điều chỉnh thái độ. Nếu cứ một mực cho rằng con mình chỉ thích ăn món này hơn món khác, thì điều này dễ trở thành hiện thực. Bạn có thể sẽ ngạc nhiên khi thấy con thích thú với món cà rốt tươi ngon trong phần cơm của bạn, hoặc thèm khi thấy người khác ăn rau trên tivi. Do vậy, phụ huynh nên điều chỉnh quan điểm cá nhân về sở thích ăn uống của trẻ.
+ Khuyến khích thay vì thỏa hiệp. Những lời nói mang tính chất thỏa hiệp tuy vô hại, nhưng có thể làm giảm giá trị của các thực phẩm bổ dưỡng, lại dễ tập cho trẻ có thói mè nheo để được theo ý mình thay vì hiểu rằng món ăn nào tốt hơn cho sức khỏe. Thế nên, tránh thỏa hiệp mà hãy giải thích và khuyến khích trẻ ăn uống lành mạnh. Ví dụ, thay vì ra lệnh cho con rằng: “Ăn hết rau rồi mới được ăn kem”, phụ huynh nên nói rõ rằng mọi người sẽ được dùng kem sau bữa cơm. Việc biết trước có thể thưởng thức món tráng miệng ưa thích sẽ khuyến khích bé ăn nhanh hơn, thay vì “trả giá” với cha mẹ.
+ Không để con ăn riêng. Chuẩn bị thức ăn riêng cho con không chỉ gây tốn thời gian, mà còn phá hoại nỗ lực xây dựng thói quen ăn uống tốt của trẻ. Cũng giống như thỏa hiệp, nhượng bộ trước sở thích kén ăn của con là một cách hành xử không có lợi. Tương tự, việc cho trẻ ăn vặt sau bữa cơm sẽ khiến con bạn nghĩ rằng luôn có món ngon hơn sau bữa ăn chính, dẫn tới việc không đụng tới thức ăn bổ dưỡng trên bàn.
+ Không lén “thay hình đổi dạng” cho thực phẩm. Trẻ nhỏ được khuyến nghị nên ăn tối thiểu 200g rau quả/ngày, nhưng hơn 3/4 các bé lại không ăn đủ mức này. Vì thế, một số bà mẹ lén đưa các loại thực phẩm vào thức ăn của trẻ - như xay rau khi chế biến món ăn, thêm trái cây vào sinh tố. Song, các chuyên gia cảnh báo hành động đó dễ khiến trẻ có tâm lý nghi ngờ trước món ăn được dọn ra. Tốt hơn là hãy để trẻ tham gia nấu ăn. Việc này không chỉ giúp trẻ khơi dậy cảm giác muốn khám phá mùi vị và kết cấu của thực phẩm, mà còn tự nhiên phát triển sở thích ăn các món bổ dưỡng.
+ Làm gương cho con. Khả năng trẻ chấp nhận món mới chịu ảnh hưởng rất lớn từ các thành viên trong gia đình. Hãy làm gương bằng cách để trẻ thấy bạn thử dùng một món ăn mới. Lần sau, khuyến khích trẻ tự chọn một loại thực phẩm mới để con cảm nhận mình có quyền tự quyết định và có nhiều khả năng trẻ sẽ ăn món đó hơn. Nếu không muốn con ăn những món kém lành mạnh, người lớn cũng không nên mang về nhà hoặc ăn chúng trước mặt trẻ.
HƯƠNG THẢO (Theo Health24)