11/10/2012 - 20:01

Những điều cần biết về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Trong chương trình Thầy thuốc gia đình do BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long phối hợp với VTV2 Cần Thơ phát sóng vào 20 giờ Chủ nhật 30-9-2012, chuyên đề "Những điều cần biết về Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính" (BPTNMT), có những câu hỏi của bà con chưa được 2 diễn giả là ThS. BS. Nguyễn Hồng Đức, Trưởng khoa Khám và Điều trị Ngoại trú - Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TP HCM và ThS. BS. Huỳnh Anh Tuấn, Trưởng khoa Bệnh phổi không lao - Bệnh viện Lao & bệnh Phổi TP Cần Thơ trả lời trực tiếp. Chuyên trang sức khỏe của Báo Cần Thơ xin giới thiệu những câu hỏi và trả lời điển hình.

Lê Văn Hiền, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, SĐT: 0984.270.405

Hỏi: Tôi 39 tuổi, bị BPTNMT cách nay 1 năm, nhưng điều trị mới được 4 tháng. Tôi đang rất lo lắng, không biết bệnh này có thể điều trị hết hẳn không? Cần thời gian bao lâu? Chi phí khoảng bao nhiêu?

Trả lời: BPTNMT thường xảy ra ở người trên 40 tuổi, có tiền căn hút thuốc lá. Anh được chẩn đoán BPTNMT ở tuổi 38. Chúng tôi cũng không biết anh có hút thuốc lá hay có tiếp xúc yếu tố nguy cơ khác không. Vì vậy anh nên đến khám chuyên khoa hô hấp nhằm xác định rõ có bị BPTNMT không; nếu có thì BPTNMT ở mức độ nào; có biến chứng hay bệnh lý đồng mắc (bệnh lý kèm theo)? Nếu anh mắc BPTNMT, bác sĩ sẽ kê toa thuốc phù hợp theo bậc của bệnh và hướng dẫn một số trị liệu không dùng thuốc. Việc điều trị gần như suốt đời, mục đích điều trị nhằm giảm sự tiến triển của bệnh, giảm triệu chứng khó thở, nâng cao chất lượng cuộc sống… Điều đáng mừng là các thuốc điều trị BPTNMT đều có trong danh mục Bảo hiểm y tế nên anh nên mua BHYT để hưởng được giá thành thuốc phù hợp. Trước mắt anh không nên lo lắng quá nhiều (làm bệnh nặng thêm) mà cần phải được chẩn đoán chính xác và được tư vấn phù hợp.

Lê Tố Uyên, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, SĐT: 01267.410.036

Hỏi: Ông xã tôi năm nay 26 tuổi, đã hút thuốc hơn 10 năm, mỗi ngày hút từ 1,5 đến 2 gói. Xin hỏi bác sĩ khả năng mắc bệnh của chồng tôi bao nhiêu phần trăm? Phương pháp cai nghiện thuốc nào hiệu quả nhất?

Trả lời: Độc tính thuốc lá lên sức khỏe con người ngoài việc phụ thuộc vào số lượng, thời gian hút, còn phụ thuộc vào thời điểm bắt đầu hút. Thông thường khi hút 20 gói/năm, thì tỷ lệ bị BPTNMT từ 20-30%. Theo như bạn kể, chồng bạn bắt đầu hút thuốc rất sớm (16 tuổi). Bạn cần phải nhớ rằng thuốc lá có nguy cơ gây ung thư phổi, tai mũi họng, bệnh lý tim mạch, dạ dày ….Việc chồng bạn cai thuốc lá là hết sức thiết thực.

Để cai thuốc lá có hiệu quả, trước hết chồng bạn cần được thăm khám bác sĩ chuyên khoa hô hấp để được đánh giá động lực bỏ thuốc lá cũng như mức độ nghiện thuốc. (Động lực càng cao, độ nghiện càng ít thì càng dễ cai thuốc). Cần thêm sự hỗ trợ về tinh thần: tư vấn bác sĩ và sự động viên giúp đỡ từ gia đình.

Mai Thanh Nga, tỉnh Vĩnh Long, SĐT: 0947.060.755

Hỏi: Do buôn bán, tôi phải sử dụng than đá. Khói than có gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của gia đình tôi hay không, vì tôi nghe nói khói than đá có thể gây BPTNMT?

Trả lời: Khói thuốc lá là nguy cơ chủ yếu gây BPTNMT. Ngoài ra, các loại khí đốt: than, củi, bếp dầu hay khói bụi hóa chất cũng là yếu tố độc hại có thể gây BPTNMT. Trong trường hợp của chị, cần lưu ý mang khẩu trang và khi đứng nấu nên ở vị trí trên gió để tránh hít phải khói than thường xuyên. Nếu chị có khó thở, ho, khạc đàm cần đến BV khám chuyên khoa để đo chức năng hô hấp, xác định có bị BPTNMT hay không. Cần nhớ nếu hàng ngày hít khói than củi nhiều mà lại nghiện thuốc lá thì nguy cơ bị BPTNMT lại càng cao hơn nữa.

Một bệnh nhân ở TP Cần Thơ

Hỏi: Bệnh suyễn là do biến chứng của viêm phế quản, xin hỏi bệnh suyễn và cơn suyễn như thế nào? Hai lá phổi có 1 lá bị lép, như vậy có bị BPTNMT hay không?

Trả lời: Bệnh suyễn là một bệnh mạn tính, triệu chứng khó thở, khò khè, nặng ngực và ho. Khi những triệu chứng này xuất hiện đột ngột, nặng lên, rồi giảm đi hoặc hết hẳn thì ta gọi đó là một cơn suyễn. Như vậy suyễn là tên của bệnh, còn cơn suyễn là chỉ một cách thể hiện của bệnh.

Hai lá phổi, vì lý do nào đó lép một bên thì coi như 2 lá phổi bị giảm đi một nửa. Trường hợp này ta gọi là bị hạn chế, khác với tắc nghẽn là bị nghẹt đường lưu thông của không khí do phế quản bị tắc. Có nhiều nguyên nhân làm phế quản bị tắc, thí dụ: bệnh suyễn, khối u bít phế quản, bệnh lao làm hẹp phế quản, bệnh xơ nang,… nhưng chỉ có chít hẹp do hút thuốc lá, do hít khói than củi lâu ngày, mới gọi là BPTNMT.

Nguyên nhân viêm phế quản mạn thường do các yếu tố nguy cơ như thuốc lá, khói bụi…Viêm phế quản mạn là một thể của BPTNMT. Bệnh diễn tiến từ từ, ngày càng nặng dần lên với các triệu chứng khó thở tăng dần, khạc đàm, ho… và khi đo chức năng hô hấp giúp xác định bệnh. Tuy nhiên, một số trường hợp một bệnh nhân bị 2 bệnh hen và viêm phế quản mạn cùng lúc. Anh, chị cần đến khám bác sĩ chuyên khoa để xác định nguyên nhân xẹp phổi.

Nguồn: BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long

Chia sẻ bài viết