30/04/2012 - 21:35

Những công nhân đam mê sáng tạo

Hưởng ứng phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật” của Liên đoàn Lao động TP Cần Thơ, năm 2011, công nhân viên chức lao động toàn thành phố đã đăng ký thực hiện trên 2.200 công trình, sản phẩm thi đua, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật với tổng giá trị gần 43 tỉ đồng, làm lợi cho Nhà nước và doanh nghiệp trên 800 triệu đồng. Trong những ngày thành phố đang náo nức chuẩn bị các hoạt động chào mừng Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30-4), Ngày Quốc tế Lao động (1-5) thì nhiều cá nhân vẫn đêm ngày hoàn thiện các sáng kiến, cải tiến phục vụ sản xuất, góp phần vào công cuộc CNH,HĐH thành phố. Chúng tôi xin giới thiệu 3 gương mặt trong nhiều công nhân tiêu biểu đó...

1. Anh Nguyễn Ngọc Khải, Tổ trưởng Tổ Cơ điện Công ty Cổ phần Bia-Nước giải khát Cần Thơ vừa được Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Cần Thơ đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Huy hiệu Lao động sáng tạo năm 2012 cho sáng kiến “Chuyển đổi chế độ làm việc máy súc rửa chiết chai 450ml sang súc rửa chiết chai 200ml”.

Anh Khải cho biết: “Trước đây, do chưa có máy móc nên công nhân chủ yếu rửa chai bằng tay khiến sản lượng rất ít. Trước nhu cầu cấp thiết có máy để rửa chiết chai, giảm nhân công trong hai công đoạn này tôi đã có ý tưởng về sáng kiến chuyển máy súc rửa chiết từ chai 450ml sang 200ml”. Thời điểm 2008, công ty anh Khải có máy rửa chiết chai 450 ml nhưng không sử dụng được vì khi đưa vào rửa chai 200ml, tỷ lệ bể, vỡ miệng khá cao, có khi chiếm đến 60% số chai đưa vào máy. Từ thực tế đó, anh Khải đã nghiên cứu và cải tiến để máy này có thể rửa chiết chai 200ml. Anh Khải nhớ lại: “Suốt một tháng rưỡi ròng rã từ sáng đến tối, tôi và mấy anh em phải hàn từng khuôn nhỏ rồi lắp vào máy chạy thử. Để đảm bảo thời gian đúng kế hoạch, chúng tôi mua sẵn mì gói để khi đói là ăn, không cần đợi tới buổi. Sau khi hoàn thành xong phần làm khuôn, chai vẫn bể nhiều khi súc rửa vì thế chúng tôi phải thực hiện tiếp khâu nâng sàn máy để hoàn thiện sáng kiến”. Anh Khải cho biết, nếu mua một máy rửa chiết chai đúng kiểu, ít nhất cũng tốn 1 tỉ đồng. Việc cải tiến đã phát huy hết công suất của thiết bị, giảm chi phí sản xuất. Theo anh Khải, tỷ lệ chai bị mẻ hiện nay chỉ còn 1,5%, sản phẩm làm ra đạt năng suất 40.800 chai/8 tiếng trong khi thiết bị cũ chỉ đạt khoảng 16.800 chai/8 giờ, làm lợi cho đơn vị trên 62 triệu đồng.

Từ khi vào công ty đến nay, anh Khải đã có hàng chục sáng kiến được đưa vào áp dụng trong dây chuyền sản xuất. Tiêu biểu trong năm 2011, anh Khải có 2 sáng kiến là “Lắp đặt hệ thống thu hồi nước giải nhiệt si rô cung cấp cho lò hơi” và “Sử dụng nước thải đã xử lý cấp cho lò hơi, giải nhiệt, vệ sinh nhà xưởng”. Đối với sáng kiến thứ nhất, anh Khải đã tận thu lượng nhiệt từ việc giải nhiệt si rô để nâng cao nhiệt độ lò hơi. Với sáng kiến này anh làm lợi cho đơn vị gần 330 ngàn đồng/ngày. Còn đối với sáng kiến “Sử dụng nước thải đã xử lý cấp cho lò hơi, giải nhiệt, vệ sinh nhà xưởng”, anh đã giúp công ty tiết kiệm được 50m3 nước/ngày. Anh Khải bộc bạch: “Tôi nghĩ bất cứ sáng kiến của cá nhân nào cũng phải trải qua quá trình trực tiếp sản xuất, thử nghiệm và chấp nhận thất bại. Sau 19 năm làm việc tại công ty, tôi đúc kết kinh nghiệm rằng trước mỗi sáng kiến của bản thân, chúng ta phải chịu trách nhiệm, dám phản biện trước lãnh đạo công ty. Và những bạn trẻ hãy mạnh dạn trình bày ý tưởng của bản thân với lãnh đạo. Sẽ có những giải pháp giúp các bạn khi một mình bạn không tự thực hiện”.

2. Trong 2 gương điển hình lao động trực tiếp sản xuất được LĐLĐ thành phố đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam khen thưởng Huy hiệu Lao động sáng tạo năm 2012 còn có anh Trần Văn Phúc, nhân viên Phòng Cơ điện Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang.

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh năm 2005, Trần Văn Phúc vào công ty với vai trò kỹ sư điện. “Không ngừng học hỏi, tìm tòi, sáng tạo” là phương châm anh Phúc đặt ra từ ngày bước vào công ty, nhờ vậy anh Phúc đã có nhiều đóng góp cho công ty thông qua những sáng kiến. Tiêu biểu trong số đó là sáng kiến “Kiểm tra viên thiếu trên vỉ nhôm-nhôm”. Anh Phúc cho biết, năm 2009, thấy anh em công nhân khá vất vả trong việc kiểm tra sản phẩm bằng phương pháp thủ công anh đã nảy sinh ra sáng kiến này. Những ngày đầu, anh Phúc cũng gặp một số khó khăn như khâu thiết kế, chạy ứng dụng. Tuy nhiên, với quyết tâm và sự hỗ trợ nhiệt tình từ anh em trong Phòng Cơ điện, sau gần 3 năm mày mò chế tạo, năm 2011, sáng kiến này đã được áp dụng vào quá trình sản xuất tại công ty. Hiện nay, các sản phẩm của Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang có vỉ nhôm đều sử dụng thiết bị kiểm viên thiếu này. Anh Phúc cho biết nếu nhập các thiết bị này từ nước ngoài thì tốn khoảng 178 triệu đồng. Trong khi đó thực hiện tại xưởng chỉ tốn chi phí 57 triệu đồng. Tổng chi phí và hiệu quả làm lợi cho công ty trên 145 triệu đồng. Anh Phúc bộc bạch: “Tôi chỉ muốn giúp anh em hoàn thành sớm công việc. Đồng thời góp phần cùng anh em cải tạo, nâng cao hiệu quả công việc, góp phần khẳng định uy tín của công ty”. Anh Phúc cũng cho biết đang chuẩn bị hoàn thiện công trình “Gắn dây chuyền sản phẩm”. Theo anh Phúc, việc áp dụng sáng kiến này sẽ giúp làm giảm nhân công tại mỗi dây chuyền sản suất, góp phần giảm chi phí sản xuất cho công ty.

3. 26 tuổi, Huỳnh Vĩnh Niên, nhân viên Phòng Vật tư Công ty Nhiệt điện Cần Thơ đã có hơn 5 năm kinh nghiệm trong nghề. Niên đã khiến nhiều đồng nghiệp trong công ty khâm phục bởi sáng kiến “Rút dầu tại hố phân ly”.

Thông thường, nước thải ở nhà máy sẽ qua một khâu xử lý trước khi thải ra môi trường đúng theo tiêu chuẩn quy định. Tuy nhiên, vì một số nguyên nhân dầu cặn vẫn vượt qua khâu xử lý, chảy vào hố phân ly. Niên nhớ lại: “Năm 2010, nhà máy hoạt động hết công suất nên xử lý dầu cặn không kịp, rất nhiều dầu đã vượt ra tới hố phân ly (nơi cuối cùng chuẩn bị thải ra sông). Lãnh đạo công ty đã thuê nhân công bên ngoài vớt lên với tiền công 120 ngàn đồng/người. Tuy nhiên, công việc diễn ra rất chậm, không đạt hiệu quả. Trước tình hình đó, tôi đã tận dụng một máy bơm cũ của công ty, mang đi gia công thêm bộ phận hút và lắp đặt thêm bồn chứa”. Nhờ sản phẩm này, hơn 30m3 khối váng dầu đã được vớt lên trong thời gian ngắn, tiết kiệm cho công ty hơn 10 triệu đồng tiền công thuê lao động. Niên cho biết nhờ sáng kiến này mà việc vớt váng dầu tại hố phân ly không còn vất vả nữa. Bởi sau khi hút dầu vào bồn (thể tích 5m3), chỉ cần dùng xe cẩu đưa đến nơi xử lý, rất nhẹ nhàng. Trong khi đó, bằng phương pháp thủ công, việc vớt dầu rất vất vả và quá trình vận chuyển cũng thường rơi vãi, gây ô nhiễm môi trường trong nhà máy. Khi chúng tôi hỏi: “Động lực nào giúp anh có thể hoàn thành sáng kiến?”. Niên chia sẻ: “Tôi chỉ muốn công việc của mình và anh em được nhẹ nhàng hơn”.

Ngoài công trình kể trên, Niên còn thiết kế ra cầu thang xuống tàu chở dầu tại cảng của công ty. Nguyên nhân là cầu thang dùng xuống tàu không phù hợp (chỉ dành cho tàu trên 10.000 tấn), nhưng thực tế hiện nay chủ yếu là tàu từ 1.000-3.000 tấn. Do chênh lệch trọng tải nên mỗi khi nhân viên các Phòng Hóa nghiệm muốn lấy mẫu kiểm tra phải lên xuống tàu rất nguy hiểm. Từ đó, Niên đã thiết kế một cầu thang có thể tháo rời để việc đi lại của anh em dễ dàng. Niên bộc bạch: “Do không phải là dân cơ khí chính hiệu nên tôi chưa tự tay làm ra sản phẩm. Tuy nhiên, trước ý tưởng và bản phác họa của tôi, anh em trong công ty đã hỗ trợ hết mình. Tất cả đều có công sức của anh em đóng góp”. Niên cũng cho biết, hiện anh vừa hoàn thành xong thiết kế sản phẩm “Thùng chứa dầu xả gió”. Sản phẩm này được hoàn thành sẽ giúp quá trình vận chuyển dầu từ tàu lên kho lưu trữ được an toàn cũng như tạo sự an tâm với đối tác. Mới đây, Niên đã được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tuyên dương là một trong 81 gương “Người thợ trẻ giỏi” của cả nước. Niên là một trong 3 gương thợ trẻ của TP Cần Thơ được tuyên dương trong đợt này.

Qua trao đổi với chúng tôi, các anh đều khẳng định nguyên nhân mà mình có thể hoàn thành những sáng kiến, cải tiến chính là nhờ sự quan tâm của cấp ủy Đảng, Ban Giám đốc công ty cũng như sự quan tâm của tổ chức Công đoàn. Và một nguyên nhân khác chứa chan tình người mà các anh đều đề cập: Đó là sự thấu hiểu nỗi gian lao của đồng nghiệp trước công việc thường nhật. Tất cả đều muốn đóng góp khả năng của mình để công việc của đồng nghiệp nhẹ nhàng hơn. Chính điều đó đã thôi thúc các anh vẫn ngày đêm tìm tòi phương pháp cải tiến máy móc để làm nhẹ bớt nỗi nhọc nhằn cho những anh em công nhân đang trực tiếp đứng máy sản xuất.

Bài, ảnh: PHẠM TRUNG

Chia sẻ bài viết