02/02/2008 - 21:29

Những chuyện tình của các văn nghệ sĩ nổi tiếng cầm tinh con chuột

1. Lê Hữu Trác - Kiếp sau xin được đẹp duyên vợ chồng

Lê Hữu Trác sinh năm Canh Tý (1720), là một văn sĩ nổi danh và là một y sư kiệt xuất của dân tộc ta. Năm 1781, ông ra kinh đô để chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán và chúa Trịnh Sâm. Trong chuyến đi này, ông đã viết tác phẩm xuất sắc “Thượng kinh kí sự”. Đặc biệt, ông đã dành riêng một chương để viết lại mối tình đầu của mình, nhân “Tình cờ gặp lại người cũ”.

Chuyện rằng, lúc ông ra kinh đô, một hôm có hai bà sư già ở chùa Huê Cầu đến quyên tiền đúc chuông. Ông giật mình khi biết một người từng là con gái quan Tả thừa tư ở Sơn Nam, làng Huê Cầu. Hình bóng cũ quay về... Ông nhớ rằng, lúc còn nhỏ, nhà có dạm cô con gái quan Thừa tư tham chánh ở Sơn Nam. Đã làm lễ vấn danh và ăn hỏi rồi. Nhưng có việc trở ngại, ông phải từ hôn để trở về Hương Sơn. Sau đó ông nghe tin quan Thừa tư tham chánh qua đời. Và cô gái ấy nguyện ở vậy suốt đời không lấy ai. Lúc đó, ông có giận mình là người bạc hạnh. Nay gặp lại ở chốn kinh đô, ông canh cánh một nỗi niềm là tìm cách nuôi dưỡng cho bà trọn đời để mong chuộc cái tội ngày xưa. Và ông cho người giúp việc của mình đến chùa Liên Tôn (nơi hai sư bà nghỉ chân) để thưa chuyện. Sư bà sụt sùi cảm ơn và bảo rằng đó là do số mệnh chứ sư bà không trách ai. Sau đó, hai người qua lại thăm hỏi lẫn nhau. Tình cảm của những người bạn già nồng thắm và cảm động vô cùng. Những ngày tháng gặp lại người tình cũ, ông đã làm một bài thơ để bày tỏ nỗi lòng mình. Và có lẽ đây là bài thơ tình duy nhất của ông mà chúng ta biết được: “Hại người cũng bởi vô tâm/ Nay nhìn nhau chỉ âm thầm thở than/ Nụ cười, giọt lệ chứa chan/ Mùa xuân trong mắt đã tàn bóng đêm/ Kiếp này kết nghĩa anh em/ Kiếp sau xin được đẹp duyên vợ chồng”.

2. Tản Đà – Nặng lắm ai ơi một gánh tình

Tản Đà thi sĩ sinh năm Mậu Tý (1888), là người tài hoa những cũng rất đa tình. Mới lên 5 tuổi, ông đã thích hai câu : “Hoa cù hồng phấn nữ, tranh khán lục y lang”. 19 tuổi ông bị người con gái họ Đỗ (Đỗ Thị Chính) “hớp hồn”. Đến nỗi ông đã tự cho rằng : “... không biết có phải là tuyệt sắc hay không mà tự con mắt mình lúc bấy giờ thời như ngoài người ấy không có ai là con gái”. Rồi ông mạnh dạn ngỏ lời muốn cưới cô gái ấy làm vợ. Nhiều người vun vào cho ông. Còn bố cô gái ra điều kiện: “Nếu có ấn tri huyện sẽ cưới được giai nhân”. Thế là ông quyết chí học để lấy ấn phong hầu. Thật tiếc là khoa thi Nhâm Tý ấy ông không đỗ và đành phải chứng kiến người mình yêu bước lên xe hoa. Ông gần như điên loạn và bỏ vào dãy Hương Sơn để ngao du cho quên sầu muộn. Nhưng cho đến khi đã nổi tiếng mà ông vẫn không sao quên được mối tình đầu của mình. Ông đã từng thốt lên : “Vì ai cho tớ phải lênh đênh/ Nặng lắm ai ơi, một gánh tình!”. Con trai thi sĩ cho biết : Có lần ông về chùa Hương, như kẻ thất tình tìm hồ ly nữ và ma quỷ ở núi rừng, đêm đêm đi lang thang với bầu rượu. Rồi một hôm ông lập đàn tế chiêu quân : “Cô ơi cô đẹp nhất đời/ Mà cô bạc mệnh thợ trời cũng thua/ Một đi từ biệt cung vua/ Có về đâu nữa đất Hồ ngàn năm”. Đâu phải là khóc Vương Tường “biệt Hán quy Hồ” mà là khóc cho một tài sắc đã bước ra khỏi cuộc đời của mình. Rồi những vần thơ sầu thảm : “Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi !/ Trần thế em nay chán nữa rồi” cũng ra đời trong những cơn thác loạn tâm thần thời này. Mối tình đầu chỉ thoáng qua, nhưng nó sâu sắc biết chừng nào.

3. Hàn Mặc Tử với người tình trong mộng và nguồn thơ bất tuyệt

Hàn Mặc tử sinh năm Nhâm Tý (1912), quê Quảng Bình, làm thơ từ năm 16 tuổi, một thiên tài độc đáo xuất sắc trong các nhà thơ hiện đại Việt Nam. Thơ Hàn Mặc tử là những cảm xúc của những ảo giác, của đức tin thánh thiện vào tình yêu và tôn giáo. Tác phẩm chính : Đau thương (thơ điên, di cảo), Xuân như ý (di cảo), Gái quê (1936), Chơi giữa mùa trăng (di cảo), Quần tiên hội (di cảo), Duyên kì ngộ (di cảo) ... Đọc thơ Hàn Mặc tử ta thấy nhiều lần xuất hiện “nàng Thương Thương” với những tình cảm rất đặc biệt : “Chiều nay tàn tạ hồn hoa/ Nhớ Thương Thương quá xót xa tâm bào”, hoặc “Thương Thương em, trời cho ta kì ngộ/ Nói cho ra thần diệu của vàng bay”, và có lúc nói rõ cả họ của nàng : “Em là Trần Thương Thương/ Anh là Hàn Mặc Tử” ... Vậy, Thương Thương là ai và mối tình của thi sĩ tuổi Tý này với nàng Thương Thương như thế nào ?

Thương Thương tên thật là Trần Thị Thương Thương, cháu nội của Thừa Biện Bộ Binh Trần Nhã, là con thứ bảy của Tham tá tòa Khâm sứ Trung Kỳ Trần Thanh Đạt. Các nhà văn Trần Thanh Mại và Trần Thanh Địch là chú ruột của Thương Thương. Thi sĩ họ Hàn biết cái tên Thương Thương là do bạn ông, Trần Thanh Địch giới thiệu. Đấy là giai đoạn mà Hàn ốm nặng, lại bị thất tình. Trần Thanh Địch muốn “cứu bạn” khỏi cơn khủng hoảng nên đã thêu dệt những bức thư của Thương Thương mê thơ Hàn. Và quả thực, những lá thư “của cô” và cái tên Thương Thương đã khiến thi sĩ xúc động viết nên tập thơ “Cẩm Châu Duyên” và hai vở kịch “Duyên Kì Ngộ” và “Quần Tiên Hội” mà nhân vật chính là Thương Thương (Quỳnh Tiên) và Hàn Mặc Tử. Cuối kịch thơ Duyên Kì Ngộ, Hàn thi sĩ có ghi một dòng : “Tặng Thương Thương, người lụa bến sông Hương”. Thi sĩ viết cho Thương Thương rất nhiều thư (nhưng không bao giờ đến tay nàng), có những đoạn thật xúc động : “Thương Thương, cái tên thi vị quá chừng. Thương Thương là một bài thơ, hơn nữa, một nguồn thơ bất tuyệt ... Ở lòng anh có Thương Thương nghĩa là có thơ, có nguồn thơ vĩnh viễn đấy ...”. Sau biết rõ sự thực, Hàn thi sĩ tưởng trời đất sụp đổ. Rồi ông bị đau nặng, vào trại phong Qui Hòa, và mất đau đớn ở đấy (ngày 11-11-1940), đúng như câu thơ ông viết trước cho Thương Thương: “Một mai kia ở bên khe nước ngọc/ Với sao sương anh nằm chết như trăng/ Không nhìn thấy nàng tiên mô đến khóc/ Đến hôn anh và rửa vết thương tâm”.

4. Nguyễn Huy Tưởng -mối tình đầu nặng tình, nhiều nghĩa

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng sinh năm Nhâm Tý (1912). Nhà văn có mối tình mặn nồng, sâu sắc với người đẹp Trịnh Thị Uyên- nhỏ thua ông gần 10 tuổi. Năm 27 tuổi, ông đang làm việc cho sở Đoan (tức thuế quan) và viết cho báo Notre Voix. Do gia đình mai mối, một hôm ông cùng người cháu đến chơi nhà cô gái họ Trịnh. Ngay lần gặp mặt đầu tiên, cô gái rất có cảm tình với ông và “đã đặt cả lòng tin vào cái nụ cười vừa chợt lóe lên của anh ấy”(lời tâm sự của vợ ông sau này). Cưới nhau chưa đầy 1 tháng, hai người phải xa nhau. Thời gian này ông viết nhiều truyện ngắn và đều ký tên Uyên. Có lần giận nhau, vợ khóc, ông lấy khăn lau nước mắt cho vợ và “giữ nguyên cái khăn mùi soa có in vết môi của vợ bị nước mắt làm nhòe, coi đó như là một sự nhắc nhở mình. Tháng 10-1943, ông bí mật tham gia nhóm văn hóa cứu quốc do Đảng lãnh đạo. Ông khuyên vợ đưa con về Thái Bình sơ tán cùng gia đình. Ông ở lại tích cực tham gia hoạt động cách mạng, rồi lên chiến khu dự Hội nghị quốc dân ở Tân Trào. Mãi sau Cách mạng Tháng Tám 1945, hai vợ chồng mới có điều kiện chung sống với nhau. Một hôm ông dẫn vợ đi xem vở kịch Bắc Sơn của ông vừa được công diễn ở Nhà hát lớn thành phố. Lúc xem xong, ông khẽ rỉ tai vợ : “Uyên này, em biết không, Cụ Hồ cũng đến xem đấy”. Bà Uyên nhớ lại : “Nhìn ánh mắt anh ấy sáng lên trong đêm tối, tôi biết anh ấy xúc động ghê lắm”. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, hai vợ chồng lại xa nhau. Những lúc nhớ chồng, bà Uyên “chọn lấy mấy cái áo ngắn của anh ấy mặc bên trong, nhất là chiếc áo trấn thủ sờn rách và thấy ấm áp lạ”. Năm 1951, bà Uyên được tổ chức đưa lên Việt Bắc sum họp cùng chồng. Thời gian sau, ông được trao giải thưởng của Hội văn nghệ 1951-1952 cho “Kí sự Cao Lạng” nổi tiếng. Năm 1954, trở về Hà Nội, được sự giúp đỡ của vợ, ông đã hoàn thành nhiều tác phẩm đầy dấu ấn như “Sống mãi với thủ đô”, “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”, “Lũy hoa” ... Những lúc ông say sưa viết, bà Uyên lại dành thời gian quạt cho ông. Rồi một ngày cuối tháng 5-1960 định mệnh, ông phải vào điều trị ở Bệnh viện Việt Xô. Hai tháng sau ông qua đời (25-7-1960) vì căn bệnh ung thư trong nỗi đau khôn tả của người vợ thủy chung và mọi người.

5. Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn - mối tình “Gửi gió cho mây ngàn bay”

Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn sinh năm Giáp Tý (1924) tại Cát Hải (Hải Phòng) được biết đến như một nhạc sĩ có số lượng sáng tác ít ỏi nhưng đều trở thành những giai điệu thuộc nằm lòng của nhiều thế hệ. Có thể nói, nhạc của ông trữ tình lãng mạn đến nao lòng. “...Gửi gió cho mây ngàn bay/Gửi phím tơ đồng tìm duyên/Gửi thêm lá thư màu xanh ái ân/Về đôi mắt như hồ thu...”. Tin chắc rằng lời ca diệu vợi trên là gửi cho một người đẹp đã có chồng. Bởi lời ca tiếp theo là : “... Thấy hối tiếc nhiều/Thuyền đã sang bờ/ Đường về không lối/Dòng đời trôi đã về chiều/ Mà lòng mến còn nhiều/Đập gương xưa tìm bóng/ Nhưng thôi tiếc mà chi/ Chim rồi bay, anh rồi đi/ Đường trần quên lối cũ/ Người đời xa cách mãi/ Tình trần khôn hàn gắn thương lòng ...” (Gửi gió cho mây ngàn bay).

Theo nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, chính nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã kể lại với ông rằng, vào khoảng năm 1950, có một nữ ca sĩ người Huế ra biểu diễn ở Nhà hát lớn Hà Nội. Lần đó, ông nghe bài “Đi chùa Hương” của Trần Văn Khê phổ thơ Nguyễn Nhược Pháp và ông đã đem lòng thầm yêu trộm nhớ. Biểu diễn xong, nữ ca sĩ gốc Huế ấy trở lại Sài Gòn. Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn liền đáp máy bay vào chơi Sài Gòn hy vọng làm quen với nữ ca sĩ (vì biết nữ ca sĩ đã chia tay với người chồng cũng là nhạc sĩ). Hồi đó Đoàn Chuẩn là một tay tỉ phú ở Hải Phòng, là chủ hãng nước mắm Vạn Xuân, từng có xe hơi riêng hiệu Buick Hoa Kỳ mà cả miền Bắc chỉ có hai chiếc. Vào Sài Gòn, nhạc sĩ tìm được địa chỉ của nữ ca sĩ trên đường Espagne (nay là đường Lý Chính Thắng, Tân Định). Tuy nhiên, nhạc sĩ không trực tiếp “yết kiến”, mà chỉ nhờ chủ nhân một tiệm bán hoa tươi cho người mang hoa đến tặng nữ ca sĩ mỗi sáng sớm. Đúng 1 tháng như thế, ông trở về Hải Phòng và để lại địa chỉ liên lạc của mình. 1 tháng trời nhận hoa, nữ ca sĩ hoa khôi không cầm được lòng, đề nghị cho biết tên người tặng hoa. Được sự đồng ý của Đoàn Chuẩn, chủ hàng hoa tươi đã thông báo cho nữ ca sĩ biết, người tặng hoa chính là nhạc sĩ Đoàn Chuẩn cùng với địa chỉ kèm theo. Sau đó, nhạc sĩ nhận được thư của người đẹp với lời cảm ơn và hy vọng có ngày được hội ngộ. Thế là Đoàn Chuẩn lại gửi tiền để chủ hàng hoa tươi tiếp tục tặng hoa người đẹp liền hai tháng nữa. Nhận tiếp thư của nữ ca sĩ, nhạc sĩ rất xúc động và biến cảm xúc trào dâng của mình thành bản nhạc “Gửi gió cho mây ngàn bay”. Cho đến bây giờ ca khúc vẫn còn đó, diệu vợi đến vô cùng “Gửi gió cho mây ngàn bay/ Gửi bướm đa tình về hoa/ Gửi thêm ánh trăng màu xanh lá thư/ Về đây với thu trần gian”.

Như Ý

Chia sẻ bài viết