24/01/2009 - 10:16

Kỷ niệm 36 năm Ngày ký Hiệp định Paris về Việt Nam (27/1/1973 - 27/1/2009)

Những bài học từ cuộc đàm phán Paris

Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (Trung tâm Hội nghị quốc tế - Paris, 27-1-1973). Ảnh: T.L

Ngày 27-1-1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được Bộ trưởng Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nguyễn Duy Trinh, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ William P. Rogers, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình và Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Việt Nam Cộng hòa Trần Văn Lắm chính thức ký kết tại Trung tâm hội nghị quốc tế, khách sạn Hoàng gia, đường Kléber- Paris (Pháp). Hiệp định được ký kết sau gần 5 năm đàm phán, với 201 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn, hàng trăm cuộc mít-tinh ủng hộ Việt Nam...

Sự kiện này được toàn thế giới hoan nghênh, các nhà đàm phán chủ chốt là Lê Đức Thọ và Henry Kissinger được trao tặng Giải thưởng Nobel về hòa bình.

Hiệp định Paris đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, là một thắng lợi rất to lớn trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

Từ cuộc đàm phán Paris, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử đã tổng kết được 4 bài học lớn dưới đây:

Một là, nắm vững những mục tiêu chiến lược của ta trong đàm phán, không nhân nhượng những vấn đề thuộc về nguyên tắc như: đòi Mỹ phải tôn trọng độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền của ta (Điều 1 của Hiệp định). Đối phương phải cam kết rút hết quân Mỹ và quân của các nước ngoài thuộc phe Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam.

Hai là, có chiến lược và sách lược ngoại giao uyển chuyển, linh hoạt: Việc tạm thời không gắn chặt hai yêu cầu cơ bản “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” trong đợt đàm phán tháng 10- 1972 và trong các đợt đàm phán sau đó, đã có tác dụng làm cho Hội nghị Paris thoát ra khỏi bế tắc.

Vận dụng sách lược mềm dẻo kết hợp với nắm vững thời cơ, tiến công kịp thời, nhân nhượng có mức độ nhằm thúc đẩy đàm phán tiến lên.

Hiệp định Paris là sự nhân nhượng lẫn nhau giữa hai bên tham chiến. Ta nhân nhượng Mỹ về việc chấp nhận trên thực tế sự tồn tại của chính quyền Sài Gòn. Mỹ nhân nhượng ta về lực lượng vũ trang cách mạng đóng nguyên ở miền Nam. Nhưng sự nhân nhượng của ta là sự nhân nhượng có nguyên tắc vì nó bảo đảm lợi ích căn bản của nhân dân ta.

Ba là, biết kết hợp chặt chẽ đấu tranh ở chiến trường với đấu tranh ở bàn đàm phán. Trong gần 5 năm, ta ra sức tăng thế và lực của ta ở chiến trường, bởi lẽ, không thể giành được ở bàn hội nghị những gì không giành được ở chiến trường.

Xuân hè năm 1972, quân và dân ta trên đà đánh thắng kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, đã mở chiến dịch lớn tấn công trên mấy hướng Đông Hà, Quảng Trị, Đắc Tô, Tân Cảnh, An Lộc, khu 5... và đã giành được những thắng lợi to lớn.

Ngày 18- 12-1972, Tổng thống Mỹ Nixon ra lệnh ném bom miền Bắc bằng B52, kể cả Hà Nội, Hải Phòng trong 12 ngày đêm liền. Cuộc tập kích chiến lược với quy mô lớn này đã bị quân và dân ta đánh bại hoàn toàn làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không” buộc Mỹ phải ngồi lại vào bàn đàm phán. Và ngày 23-1-1973, vào hồi 12 giờ 45 phút, cố vấn Lê Đức Thọ và đại diện Mỹ Henry Kissinger ký tắt Hiệp định Paris.

Bốn là, kết hợp đấu tranh ngoại giao ở bàn hội nghị với tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân Mỹ, nhân dân Pháp và nhân dân thế giới. Quá trình đấu tranh đàm phán của ta là quá trình tranh thủ sự ủng hộ, sự phối hợp đấu tranh ngoại giao của ta với các lực lượng hòa bình, dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội, đòi Mỹ phải rút khỏi Việt Nam, tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam.

Bằng khoảng 1.500 cuộc họp báo, thông báo tình hình, trả lời các phỏng vấn của các hãng thông tấn, các hãng vô tuyến, các báo Mỹ và phương Tây, các cơ quan thông tin đại chúng của các nước xã hội chủ nghĩa, ta đã tạo nên công luận rất mạnh mẽ ủng hộ ta và đòi Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược.

Mặt trận nhân dân thế giới đoàn kết với Việt Nam là một nhân tố hàng đầu đưa cuộc đàm phán Paris đạt kết quả.

Bài học kinh nghiệm bao trùm nhất của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước nói chung và thắng lợi của Hội nghị Paris nói riêng là Đảng ta có đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo và phương pháp cách mạng khoa học, có dân tộc Việt Nam anh hùng đoàn kết, tin tưởng ở sự lãnh đạo của Đảng. Với đường lối đó, Đảng ta đã tập hợp được lực lượng lớn nhất ở trong nước và tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ ngày càng rộng lớn của nhân dân thế giới; tổ chức, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh tổng hợp chiến thắng kẻ thù mạnh hơn mình gấp bội, có kinh nghiệm và thủ đoạn ngoại giao trên trường quốc tế.

Thắng lợi của Hội nghị Paris trước hết là thắng lợi của đường lối chính trị, quân sự và ngoại giao độc lập, tự chủ, đúng đắn và sáng tạo của Đảng ta, là sự kết hợp chặt chẽ độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại. Đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam Việt Nam là nhân tố chủ yếu quyết định thắng lợi trên chiến trường, làm cơ sở cho thắng lợi trên mặt trận ngoại giao. Chúng ta chỉ có thể giành được trên bàn đàm phán những cái mà chúng ta giành được trên chiến trường. Và cuộc đấu tranh ngoại giao không chỉ đơn thuần phản ánh cuộc đấu tranh trên chiến trường mà còn giữ một vai trò có ý nghĩa chiến lược.

Cuộc đấu tranh ngoại giao ở Hội nghị Paris về Việt Nam là sự vận dụng Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh. Hiệp định Paris về Việt Nam là đỉnh cao của nghệ thuật đàm phán ngoại giao Việt Nam. Bài học từ Hội nghị Paris và Hiệp định Paris về Việt Nam là bài học về tổ chức cuộc đấu tranh ngoại giao, tập hợp lực lượng đấu tranh dư luận và nghệ thuật đàm phán ngoại giao. Kỷ niệm ngày ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam, chúng ta suy tôn các nhà ngoại giao lớn của đất nước: các đồng chí Lê Đức Thọ, Nguyễn Duy Trinh, Xuân Thủy, Nguyễn Cơ Thạch. Chúng ta tôn vinh đồng chí Nguyễn Thị Bình, một ngôi sao sáng của nền ngoại giao cách mạng nước ta. Kỷ niệm Ngày ký Hiệp định Paris, chúng ta tự hào về thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, thắng lợi của cuộc đấu tranh ngoại giao lớn nhất, gây go phức tạp và lâu dài nhất trong lịch sử dân tộc.

NGUYỄN XUYẾN

Chia sẻ bài viết