12/03/2016 - 20:01

NHỘN NHỊP THỊ TRƯỜNG UAV TẠI CHÂU Á

Khi sức cạnh tranh tại Mỹ - thị trường thiết bị bay không người lái (UAV) lớn nhất thế giới tiếp tục tăng mạnh, một số công ty sản xuất UAV bắt đầu mở rộng chiến dịch thu hút khách hàng tiềm năng từ khu vực châu Á – tờ Nhật báo Phố Wall (WSJ) cho biết.

Tại thành phố Tây An của Trung Quốc, Han Luyi, 22 tuổi, cho biết cô vừa mở một cửa hàng nhỏ bán UAV bên trong một trung tâm mua sắm. Cửa hàng của Han là một trong những đối tác phân phối của hãng công nghệ Trung Quốc nổi tiếng SZ DJI Technology Co. Tuy nhiên, theo lời cô Han thì phần lớn người Trung Quốc hiện nay không biết gì về loại thiết bị mới này. "Họ thường dừng lại trước cửa hàng và đặt các câu hỏi chẳng hạn như: Tại sao loại đồ chơi này rất mắc tiền? Chúng có thể khiến tôi bay lên không" – cô Han nói thêm.

Một thiết bị bay không người lái. Ảnh: WSJ

Mặc dù dữ liệu thị trường UAV tương đối khan hiếm, nhưng hãng nghiên cứu IDC tiết lộ thị trường UAV được trang bị máy quay ở Trung Quốc vẫn chưa phát triển mạnh. Số liệu quý III năm 2015 cho thấy chỉ khoảng 40.000 UAV được bán ra tại Trung Quốc, trong khi Hiệp hội Điện tử tiêu dùng ước tính con số này tại Mỹ là khoảng 700.000 chiếc. Tuy nhiên, IDC cho biết số lượng UAV bán ra ở Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tăng mạnh lên 3,1 triệu chiếc vào năm 2019 khi mạng lưới phân phối được mở rộng và sự "lấn sân" của UAV trong các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp.

Hiện tại, DJI là một trong những hãng công nghệ dẫn đầu trong sản xuất UAV khi chiếm khoảng 2/3 thị trường thiết bị bay không người lái trên toàn thế giới với doanh thu năm 2015 đạt khoảng 1 tỉ USD. Trong đó, lợi nhuận từ thị trường Mỹ chiếm đến hơn 40% so với 20% tại khu vực châu Á. Cách đây vài năm, DJI xây dựng mạng lưới kinh doanh chủ yếu ở Mỹ bởi những thị trường khác có rất ít nhu cầu và ứng dụng dành cho máy bay do thám. Nhưng với sức cạnh tranh hiện nay tại Mỹ, công ty DJI hy vọng có thể là doanh nghiệp đi tiên phong thu hút sức tiêu dùng tiềm năng ở châu Á. Nhà sáng lập đồng thời CEO DJI Frank Wang cũng thừa nhận Mỹ là thị trường lớn nhất của công ty. Tuy nhiên, DJI đang bắt đầu gia tăng tiếp cận người tiêu dùng châu Á – đặc biệt là Trung Quốc với một cửa hàng chủ lực vừa được khai trương tại Thâm Quyến. Hãng công nghệ này cũng chuẩn bị mở cửa hàng tương tự tại Hàn Quốc vào tháng này.

Theo các nhà phân tích, tuy UAV chưa thật sự phát triển tại châu Á nhưng các hãng công nghệ như DJI cũng phải có chiến lược tăng tốc chiếm lĩnh thị trường trước khi các đối thủ cạnh tranh cũng mở rộng phạm vi của họ. Hồi đầu tháng 1-2016, "đại gia" công nghệ Intel đã bước vào lĩnh vực UAV sau khi mua lại công ty sản xuất UAV Ascending Technologies của Đức nhằm mở rộng công nghệ vượt ra khỏi thị trường máy tính lâu nay. Trước đó, Intel cũng đã đầu tư hơn 60 triệu USD vào dự án phát triển UAV của doanh nghiệp Hồng Công Yuneec. Một phát ngôn viên Yuneec cho biết, công ty có kế hoạch sớm mở một văn phòng mới tại Nhật Bản, ngoài những cửa hàng hiện ở Trung Quốc, Hồng Công và Thái Lan. Một số đối thủ cạnh tranh đáng chú ý khác còn bao gồm 3-D Robotics của Mỹ và Parrot trụ sở tại Paris.

Theo giới phân tích, DJI vẫn là doanh nghiệp dẫn đầu so với các đối thủ nhưng bối cảnh công nghiệp có thể thay đổi nhanh chóng trong vài năm tới. So với sản phẩm đắt tiền thu hút khách hàng chuyên nghiệp của DJI, các thiết bị UAV của những doanh nghiệp khác, chẳng hạn hãng công nghệ chuyên sản xuất UAV của Trung Quốc Ehang lại đang tập trung vào phân khúc bình dân bằng cách cung cấp các ứng dụng đơn giản và tính năng thú vị. Hiện Ehang vẫn tiếp tục mở rộng kinh doanh thị trường nội địa thông qua các lớp dạy sử dụng UAV ở hệ thống trường đại học hay cho khách du lịch thuê sản phẩm từ các cơ quan du lịch địa phương.

MAI QUYÊN (Theo Wall Street Journal)

Chia sẻ bài viết