28/09/2021 - 07:40

Nhiều nước châu Phi hủy hợp đồng đầu tư với Trung Quốc 

Một loạt quốc gia châu Phi như Kenya, Ghana hay Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) ngày càng trở nên cảnh giác đối với các khoản đầu tư của Trung Quốc vì cho rằng các thỏa thuận đã ký mang tính bóc lột, không công bằng hoặc kém chất lượng.

Cảng Kampala (Uganda), nơi Trung Quốc rót vốn đầu tư xây dựng. Ảnh: Orissapost

Cảng Kampala (Uganda), nơi Trung Quốc rót vốn đầu tư xây dựng. Ảnh: Orissapost

Đáng chú ý là các dự án đầu tư trên nằm trong sáng kiến “Vành đai, Con đường” đầy tham vọng được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng hồi năm 2013 nhằm kết nối châu Á với châu Phi, khiến Bắc Kinh “đứng ngồi không yên”.

Những điều kiện “chỉ một kẻ say xỉn” mới chấp nhận

Theo tờ IANS, mọi chuyện bắt đầu khi Tòa án Tối cao Kenya hồi tháng 7 năm ngoái ra lệnh hủy bỏ hợp đồng trị giá 3,2 tỉ USD mà Kenya ký kết với Trung Quốc để xây dựng tuyến đường sắt nối thành phố cảng Mombasa với thủ đô Nairobi. Cơ quan này cho rằng toàn bộ dự án là “bất hợp pháp”, qua đó cho biết Tập đoàn Đường sắt Kenya không tuân thủ luật pháp nước này khi ký kết hợp đồng xây dựng đường sắt với Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc.

Mới đây, DRC cũng đã kêu gọi xem xét lại các hợp đồng khai thác đã được ký kết với Trung Quốc. Tổng thống DRC Felix Tshisekedi xem các hợp đồng này là những thỏa thuận không công bằng, qua đó bày tỏ mong muốn có được những thỏa thuận công bằng hơn. Cựu Tổng thống DRC Joseph Kabila (giai đoạn 2001-2019) hồi năm 2008 đã ký hợp đồng với các công ty được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn. Theo đó, các công ty Trung Quốc sẽ xây dựng bệnh viện và cầu đường ở đất nước bị chiến tranh tàn phá này để đổi lấy 68% cổ phần trong liên doanh. Thỏa thuận cũng trao cho phía Trung Quốc quyền khai thác hàng triệu tấn đồng và coban, đổi lại Bắc Kinh đầu tư cải tạo cơ sở hạ tầng khai thác cũ kỹ của DRC. Tuy nhiên, những thỏa thuận này bị cáo buộc là thiếu minh bạch, có lợi cho Trung Quốc. “Những ai đã ký kết các hợp đồng ngày càng giàu trong khi người dân nước tôi vẫn nghèo” - Tổng thống Tshisekedi bức xúc nói.

Ngoài ra, Ghana cũng đã hủy bỏ thỏa thuận đầu tư phát triển hệ thống quản lý giao thông thông minh ở thủ đô Accra với Trung Quốc, do nhận thấy công ty Công nghệ chiếu sáng và giao thông Bắc Kinh hoạt động kém hiệu quả. Được biết, sau khi bị phía Ghana hủy hợp đồng, công ty này đã yêu cầu Accra đền bù hợp đồng lên tới 55 triệu USD. Còn hồi tháng 4 năm ngoái, Tổng thống Tanzania khi đó là John Magufuli được cho là đã đe dọa hủy bỏ một dự án trị giá 10 tỉ USD với Trung Quốc vì nguồn tài trợ của Bắc Kinh đi kèm với các điều kiện mà giới quan sát mô tả là “chỉ một kẻ say xỉn” mới chấp nhận. Theo đó, so với các ngân hàng phát triển đa phương, các nhà băng Trung Quốc đưa ra các điều kiện vay khó khăn hơn, chẳng hạn như lãi suất cao hơn, kỳ hạn vay ngắn hơn.

Cầm cố tài nguyên và khoản nợ “không kham nổi”

Thời gian qua, Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào châu Phi để khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Để đảm bảo các khoản vay từ Trung Quốc, một số nước tại khu vực đã thế chấp tài nguyên thiên nhiên và trong một số trường hợp rơi vào “bẫy nợ” của Bắc Kinh.

Theo nghiên cứu của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), Angola, DRC, Ghana, Guinea, Sudan và Nam Sudan nằm trong số nhiều quốc gia châu Phi đã sử dụng mỏ dầu và mỏ đồng làm tài sản đảm bảo các khoản vay từ Trung Quốc. Trong đó, Angola và DRC đã trở thành nạn nhân của tình trạng nguồn tài nguyên mất giá, buộc họ phải thương lượng với Trung Quốc để giảm nợ.

CARI tiết lộ, Trung Quốc và các công ty tài chính thuộc sở hữu nhà nước trong giai đoạn 2000-2019 đã ký 1.141 cam kết cho vay trị giá 153 tỉ USD đối với các nhà đầu tư khu vực công châu Phi. Trong giai đoạn 2010-2018, Angola, Ethiopia, Zambia, Kenya và Nigeria là những nước nợ Trung Quốc nhiều nhất với khoản vay tổng cộng 71 tỉ USD. 

CARI cho rằng những khoản vay khổng lồ như vậy đã trở nên “không kham nổi” đối với các nước nghèo ở châu Phi. Hơn nữa, do đại dịch COVID-19 và tác động của nó đối với nền kinh tế, một số quốc gia châu Phi gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản vay từ Trung Quốc. Do đó, các quốc gia châu Phi đã ưu tiên đình chỉ các dự án gây tranh cãi hoặc cắt giảm các dự án không mang lại hiệu quả. 

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết