29/07/2012 - 09:58

BẢO HIỂM Y TẾ CHO TRẺ DƯỚI 6 TUỔI

Nhiều bất cập cần tháo gỡ

Theo quy định, trẻ em dưới 6 tuổi được miễn hoàn toàn chi phí khi đến các cơ sở khám chữa bệnh. Nhưng do nhiều trẻ chưa có thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT), không chủ động được trong việc đi khám bệnh tại nơi đăng ký ban đầu nên vẫn phải nộp thêm tiền. Thậm chí nhiều cha mẹ không có đầy đủ thông tin về thẻ BHYT cũng như quyền lợi của con mình khi đưa con đến khám tại các cơ sở y tế.

Nhiều trẻ em chưa được cấp thẻ BHYT

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện có khoảng 2 triệu trẻ em chưa được cấp thẻ BHYT chủ yếu là trẻ em ở các vùng sâu, vùng xa, trẻ theo bố mẹ đi làm ăn xa khỏi nơi cư trú. Tuy nhiên đại đa số trẻ em đã được khám chữa bệnh theo chế độ BHYT dù không có thẻ.

Theo báo cáo kết quả điều tra “Kiến thức, thái độ, thực hành về việc có sử dụng thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi tại 4 tỉnh (thành phố Hồ Chí Minh, Kon Tum, Ninh Thuận và Điện Biên)” của một nhóm chuyên gia y tế độc lập vừa được công bố tại Hà Nội cho thấy: Hiện có khoảng 27% trẻ dưới 6 tuổi chưa có thẻ BHYT; tỷ lệ trẻ có thẻ BHYT thấp nhất ở 2 nhóm dân tộc là người H’Mông (Điện Biên) và dân Raglay (Ninh Thuận); gần một nửa (44%) trẻ có hộ khẩu tạm trú không có thẻ bảo hiểm y tế.

Cũng theo báo cáo trên cho thấy: 35% người được phỏng vấn cho biết mặc dù trẻ đã có thẻ BHYT nhưng họ chưa bao giờ sử dụng thẻ cho trẻ; như vậy chỉ có khoảng 1/5 trẻ đã sử dụng thẻ BHYT thường xuyên mỗi khi đi khám hữa bệnh; khoảng 2/3 cha mẹ có con dưới 6 tuổi đã từng nghe nói về BHYT cho trẻ và nguồn thông tin chủ yếu là qua y tế thôn bản, cộng tác viên dân số hay trưởng bản. Đặc biệt là khi nhận được thẻ BHYT thì chỉ có khoảng 1/2 trong số họ nhận được các thông tin tư vấn về cách dùng thẻ BHYT hay nơi khám chữa bệnh ban đầu. Bên cạnh đó, kết quả điều tra của nhóm chuyên gia cũng chỉ ra rằng: 88,5% số người được hỏi cho biết họ có sử dụng thẻ BHYT trong lần KCB gần đây nhất; trong đó có tới 61% trẻ được đưa đến KCB tại trạm y tế các xã, phường. Tỷ lệ đến khám chữa bệnh tại trạm y tế không đồng đều ở các tỉnh, thành phố. Tại các tỉnh miền núi, hầu hết các cơ sở y tế đều chấp nhận thanh toán cho trẻ dưới 6 tuổi đến khám chữa bệnh mặc dù trẻ có thẻ BHYT hay không; qui định nơi khám chữa bệnh ban đầu cho trẻ cũng gây một số khó khăn cho việc sử dụng thẻ.

Sự phối hợp chưa đồng bộ giữa các bộ, ngành

Theo bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế cho biết: Tình trạng trẻ em dưới 6 tuổi đi khám chữa bệnh không có thẻ BHYT, phải sử dụng giấy khai sinh, giấy chứng sinh còn khá phổ biến gây khó khăn trong việc quản lý thẻ, thanh quyết toán và quản lý quỹ của đối tượng. Một trong những nguyên nhân chủ yếu của việc cấp thẻ chưa đầy đủ cho đối tượng này là công tác bàn giao danh sách trẻ dưới 6 tuổi giữa Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và cơ quan bảo hiểm xã hội còn chậm, chưa thống nhất quy trình cấp thẻ bảo hiểm y tế tại địa phương.

Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết: Nguyên nhân khách quan là do có nhiều cháu vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa được sinh tại nhà, không làm khai sinh, hộ khẩu nên rất khó có căn cứ để cơ quan đoàn thể biết để cấp thẻ. Hơn nữa đến nay vẫn duy trì chế độ các cháu đi khám trong trường hợp không có thẻ vẫn được dùng giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh để thanh toán nên nhiều gia đình ngại đi đăng ký thẻ BHYT cho con. Còn nguyên nhân chủ quan là do sự phối hợp các bộ ngành chưa thực sự nhịp nhàng. Vì thực tế hiện nay, quản lý các cháu là Vụ trẻ em thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chứ không phải ngành y tế. Chính vì vậy nếu chuyển chức năng lập danh sách các cháu để cấp thẻ BHYT cho bên y tế đảm nhiệm sẽ thuận lợi hơn. Bởi việc quản lý bắt đầu từ khi người mẹ mang thai, đi khám, rồi tiêm chủng... thì kể cả những cháu không có hộ khẩu vẫn được quản lý, việc cấp thẻ sẽ đầy đủ hơn.

Bên cạnh đó, hoạt động truyền thông chưa thực sự hướng tới các nhóm đối tượng chủ đích. Công tác truyền thông về BHYT và nhất là BHYT trẻ em còn nhiều hạn chế ở tất cả các tỉnh. Thông tin mọi người nhận được chủ yếu là quyền lợi khi đi khám chữa bệnh cho trẻ bằng BHYT còn những thông tin có liên quan khác là rất hạn chế. Đặc biệt, hạn chế về trình độ văn hóa của các nhóm dân tộc là cản trở lớn trong việc tiếp thu các thông tin về sức khỏe và về BHYT; người dân chưa được tư vấn cẩn thận về lợi ích và cách dùng thẻ BHYT.

Hệ thống cấp phát thẻ và chi trả BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH): Thông qua BHYT, BHXH Việt Nam cùng ngành y tế, ngành giáo dục tổ chức y tế học đường cho các cháu. Như vậy, trẻ được chăm sóc sức khỏe ngay từ khi bước vào tuổi lên 3 bắt đầu đi mẫu giáo. Còn với việc cấp thẻ BHYT khi mới sinh, gia đình các cháu sẽ chủ động đăng ký cấp thẻ khi đi khai sinh cho con. Trong trường hợp trẻ không có thẻ, các cháu vẫn được khám bệnh bằng cách trình giấy chứng sinh, giấy khai sinh. Nhưng thực tế những trường hợp đi khám không thẻ vẫn có khó khăn, đó là do không biết nơi cần khám ban đầu nên không chủ động, nhiều người không biết nên tự đi vượt tuyến và vẫn phải nộp tiền khám chữa bệnh cho trẻ. Nơi đăng ký khám ban đầu của trẻ cũng rất được quan tâm, các cháu được ưu tiên đăng ký khám tại tuyến tỉnh, những nơi có khoa nhi. Đa số các cháu được đăng ký khám ở viện gần nơi cư trú, nhưng khi tình trạng có vấn đề được chuyển tuyến theo quy định chung rất thuận tiện. Thực tế trong năm vừa rồi có nhiều cháu bệnh nặng, chi phí lớn như liên quan tới các bệnh về thận, tim, ung thư, được thanh toán chu đáo. Theo quy định của luật, nếu khám đúng tuyến, các cháu không phải cùng chi trả, nơi nào thu thêm là chưa thực hiện đúng quy định.

Bà Tống Thị Song Hương, cho biết: Nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, Bộ Y tế tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh đáp ứng sự hài lòng của người bệnh bảo hiểm y tế; tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý BHYT... Riêng cơ quan BHXH đẩy nhanh tiến độ cấp, đổi thẻ BHYT; nghiên cứu đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giám định BHYT bảo đảm kiểm soát chất lượng khám chữa bệnh và sử dụng quỹ BHYT có hiệu quả. Đặc biệt, nghiên cứu áp dụng phương pháp thanh toán chi trả phù hợp nhằm bảo đảm nguồn ngân sách Nhà nước mua thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi...

Được biết, thủ tục cấp thẻ BHYT cho trẻ rất dễ dàng. Khi cha mẹ đi khai sinh cho con, chỉ cần mang giấy khai sinh đến Phòng Lao động - Thương binh Xã hội của huyện hoặc cán bộ phụ trách nữ công (thuộc Hội phụ nữ) của tổ dân phố, thôn bản. Cán bộ này sẽ là người lập danh sách, gửi lên Phòng Lao động - Thương binh Xã hội để tổng hợp, ghi danh sách trẻ chờ cấp thẻ. Riêng với những trẻ theo bố mẹ đi khỏi nơi cư trú, để được cấp thẻ, thủ tục tương tự nhưng ngoài giấy khai sinh cần thêm giấy đăng ký tạm trú do công an cấp. Khi đó, danh sách trẻ sẽ được lập tại nơi trẻ cư trú và được cấp thẻ BHYT. Còn với những trường hợp không khai báo tạm trú dài hạn thì các cháu vẫn phải về nơi đăng ký hộ khẩu của bố mẹ để lấy thẻ BHYT. Khi có bệnh, đưa đến nơi đăng ký khám bệnh ban đầu được ghi trên thẻ để được khám đúng tuyến để được thanh toán toàn bộ chi phí. Còn nếu khám cấp cứu, được xác định trong tình trạng cấp cứu, thì dù vào bất cứ bệnh viện nào các cháu cũng được BHYT chi trả 100%. Tuy nhiên, đối với những trẻ chưa được cấp thẻ BHYT, khi đi khám chữa bệnh, các cháu vẫn được BHYT chi trả theo quy định. Nhưng điều kiện quan trọng là ít nhất trình được giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh của trẻ khi đi khám bệnh để bệnh viện có sơ sở làm các thủ tục thanh toán BHYT cho các cháu.

THU PHƯƠNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết