MAI QUYÊN (Theo Nikkei, Reuters)
Trên cương vị Chủ tịch luân phiên Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) năm 2023, Nhật Bản đang tranh thủ tăng cường quan hệ với các quốc gia ở Nam bán cầu nhằm xây dựng mặt trận thống nhất đối phó Nga - Trung Quốc.

Tuy không có định nghĩa chính thức, nhưng thuật ngữ “Nam bán cầu” thường được dùng chỉ chung các nước đang phát triển ở Nam và Trung Mỹ, châu Phi cùng châu Á. Những năm gần đây, cụm từ này được sử dụng thay cho khái niệm “thế giới thứ 3”, vốn để chỉ tất cả quốc gia không đứng về phía nào trong Chiến tranh Lạnh.
Về kinh tế, trang Nikkei cho biết tỷ trọng của G7 hiện đã giảm từ 66% vào những năm 1990 xuống còn khoảng 45% trong quy mô toàn cầu. Nguyên nhân là do Ấn Ðộ và nhiều quốc gia Nam bán cầu khác đạt được mức tăng trưởng kinh tế đáng kể. Về chính trị, đa phần những nước khu vực này ưu tiên lập trường của họ và có xu hướng trung lập, tránh hỗ trợ trực tiếp trong các tranh chấp quốc tế. Ðơn cử như cuộc chiến ở Ukraine hiện nay, hầu hết các quốc gia nói trên tuy không ủng hộ nhưng đều hạn chế chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga. Nhiều nước cũng không chạy theo lệnh trừng phạt của G7 nhắm vào Mát-xcơ-va.
Nỗ lực của Nhật Bản
Trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine tiếp tục kéo dài, giới quan sát cho rằng Nam bán cầu ngày càng đóng vai trò quan trọng trong bức tranh an ninh quốc tế. Bên cạnh đó, với việc Trung Quốc không ngừng mở rộng tham vọng trên biển cùng gia tăng nguy cơ xung đột ở eo biển Ðài Loan, các nhà phân tích đánh giá Nhật Bản có thể nhận ra họ cần mở rộng mạng lưới an ninh giữa thời điểm tình hình quốc tế đang có những chuyển biến lớn.
Ðầu tuần rồi, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (ảnh) có bài phát biểu quan trọng về chính sách trước các nhà lập pháp. Trong đó, ông nhấn mạnh G7 sẽ làm việc cùng nhau để tăng cường cam kết với Nam bán cầu, từ đó thúc đẩy sự thống nhất của cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết nhiều vấn đề mà thế giới phải đối mặt. Việc ông cố tình lặp lại thuật ngữ “Nam bán cầu” phần lớn là do những thay đổi trong môi trường an ninh toàn cầu. Vốn trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ hồi giữa tháng 1, Thủ tướng Kishida từng đề cập vấn đề này khi nói rằng Nam bán cầu đang nắm giữ những vị trí không thể thiếu trên trường quốc tế. Nếu quay lưng lại với họ, Tokyo và các đồng minh có thể trở thành “nhóm thiểu số” và không thể giải quyết nhiều vấn đề. Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi từ đầu tháng 1 cũng đã đến thăm 4 nước Mỹ Latinh, trong đó có Brazil và Argentina. Năm ngoái, ông Hayashi còn thăm các quốc gia Trung Á, Ðông Nam Á, châu Phi và khu vực Thái Bình Dương. Trong Chính phủ Nhật Bản, hiện có đề xuất mời các nước Nam bán cầu liên quan tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 5 này tại Hiroshima để thảo luận hợp tác về vấn đề lương thực và năng lượng
Trong bối cảnh các nước thu nhập trung bình không có thỏa thuận quốc tế nào để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ, Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản Masato Kanda cho biết vấn đề nợ toàn cầu sẽ được đưa vào trong chương trình nghị sự của G7 những tháng tới. Trong đó, Tokyo tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quốc tế như Câu lạc bộ Paris gồm các nước chủ nợ, cũng như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để đảm bảo sự tham gia của những quốc gia không phải thành viên câu lạc bộ như Trung Quốc, Ấn Độ. Nếu có thể xây dựng khuôn khổ chung theo cơ chế của Nhóm những nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20), ông Kanda kỳ vọng giải pháp này mở đường cho các quốc gia thu nhập trung bình đang oằn mình dưới gánh nặng nợ nần sau đại dịch COVID-19 thực hiện tái cơ cấu nợ nhanh chóng và toàn diện.