Mariama Sonko (ảnh), người đứng đầu Nous Sommes la Solution (tạm dịch: Chúng ta là giải pháp - NSS), phong trào nữ quyền sinh thái gồm hơn 500 hiệp hội phụ nữ vùng nông thôn ở Senegal, Ghana, Burkina Faso, Gambia, Guinea-Bissau, Guinea và Mali đang thúc đẩy các nỗ lực cách mạng hóa ngành nông nghiệp của Tây Phi bằng những giải pháp nông học bền vững với quy mô nhỏ.

Ảnh: Guardian
Sứ mệnh của NSS là nỗ lực làm thay đổi thái độ của người dân đối với nông nghiệp và thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong việc bảo vệ môi trường, đặc biệt là thúc đẩy các phương pháp canh tác bền vững, vốn thường bắt nguồn từ các phương thức canh tác truyền thống.
Thế nhưng, công việc của Sonko không phải lúc nào cũng “thuận buồm xuôi gió”. Sonko bùi ngùi nhớ lại cuộc tranh cãi xảy ra cách đây gần một thập niên. Một chủ đất khi đó đã cho vài phụ nữ trong ngôi làng mà cô đang ở tạo ra khu vườn trên mảnh đất của ông ta để trồng thực phẩm cho ông ta bán và tặng cho các gia đình trong làng sử dụng. Trong suốt 5 năm, họ đã ra sức chăm sóc nhưng đến khi cây bắt đầu kết trái, người chủ đất đã yêu cầu họ rời khỏi khu vườn. Sonko khi đó đã cố gắng thuyết phục chủ đất vốn là nhân vật có ảnh hưởng trong cộng đồng thay đổi ý định. Tuy nhiên, người đó không những không đổi ý mà còn yêu cầu gia đình Sonko gây áp lực để cô từ bỏ. Khi Sonko kiên định với công việc của mình, cô đã bị tẩy chay khỏi các cuộc họp mặt cộng đồng. Thế là tại các cuộc họp của làng, Sonko đều im lặng. “Họ nói rằng tôi đến là để làm rối loạn tâm trí của mọi người. Trong gần 2 năm, họ không cho tôi mở miệng. Nó thật sự khiến tôi đau lòng” - Sonko tâm sự.
Song, điều đó không khiến cho Sonko chùn chân. Kể từ đó, công việc và tầm ảnh hưởng của cô ngày càng lớn. Hiện Sonko đang giúp các tổ chức địa phương điều hành các dự án nông nghiệp nhằm làm tăng thu nhập cho phụ nữ. Ðặc biệt, hoạt động thành công và khiến Sonko tự hào nhất là sản xuất phân bón sinh học từ phân bò được bán với giá 5.000 CFA franc (tương đương 9 USD)/bao.
Ngoài ra, Sonko cũng tham gia phát triển một loại gia vị hoàn toàn tự nhiên gọi là Sum Pack, được làm từ các loại thảo mộc địa phương để nêm nếm bữa ăn, thay thế loại các viên bột nêm vốn có hàm lượng muối cao làm tăng huyết áp. Hiện Sonko đang vận động tài trợ từ Chính phủ Senegal nhằm giúp tăng cường sản xuất Sum Pack. Cô cũng đang cố gắng làm thay đổi luật cấm nông dân sử dụng hạt giống sản xuất trong nước nhằm mang lại lợi ích cho sản xuất địa phương.
“Chúng tôi thúc đẩy sinh thái học nông nghiệp và chủ quyền lương thực ở châu Phi. Trong đó, phụ nữ đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của khu vực nông thôn. Chúng tôi muốn nâng cao giá trị công việc không mệt mỏi này của những người phụ nữ quan tâm đến môi trường và sức khỏe của gia đình. Họ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và họ không sử dụng các sản phẩm hủy hoại hệ sinh thái cũng như sức khỏe của con người” - Sonko nhấn mạnh.
Chủ nghĩa nữ quyền sinh thái xem vấn đề môi trường là vấn đề phụ nữ, cần phải kết hợp phong trào phụ nữ với phong trào sinh thái. Họ đề cao quyền lợi, cải thiện địa vị và hoàn cảnh kinh tế của phụ nữ, phát huy tối đa vai trò của phụ nữ trong việc khắc phục nguy cơ môi trường và tìm giải pháp cho sự phát triển bền vững.
TRÍ VĂN (Theo The Guardian)