16/05/2022 - 20:35

Nhà giàu Trung Quốc đổ xô ra nước ngoài vì lệnh phong tỏa 

TRÍ VĂN

Bất bình với chiến lược chống đại dịch COVID-19 khác biệt hẳn so với phần còn lại của thế giới, nhiều công dân Trung Quốc, nhất là giới trung, thượng lưu, muốn di cư ra nước ngoài sinh sống. Tuy nhiên, nhiều người trong số họ gặp không ít trở ngại trong việc xin hộ chiếu và làm nhiều thủ tục giấy tờ khác.

Cư dân Phố Đông (Thượng Hải) xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19. Ảnh: WSJ

Dù có được giấy phép cư trú ở Thượng Hải mà nhiều người thèm muốn nhưng những đợt phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus Corona đã khiến một cư dân tại đây tìm kiếm lối thoát. Hiện cô này đang có kế hoạch di cư đến Mỹ, nơi đặt trụ sở của công ty cô đang làm việc.

Tương tự, Chester Yu có kế hoạch rời Trung Quốc hồi đầu năm 2020 nhưng vào thời điểm đó, chính quyền địa phương đã cho phong tỏa khu dân cư nơi cha mẹ anh sinh sống ở tỉnh An Huy ngay lúc anh đến thăm, khiến gia đình anh không thể rời khỏi nhà trong vòng 3 tháng. Sau khi lệnh phong tỏa được gỡ bỏ, Yu nộp đơn xin cấp hộ chiếu. Năm ngoái, người đang theo học thạc sĩ tại một trường đại học ở Thượng Hải này trả cho một cơ quan nhập cư số tiền tương đương 440USD để giúp anh nộp đơn vào một trường ngôn ngữ ở Nhật Bản. Ðến tháng 10-2021, Yu nhận được giấy phép cư trú của xứ hoa anh đào. Yu cho hay đang chờ các lệnh phong tỏa ở Thượng Hải được gỡ bỏ để có thể nộp đơn xin thị thực tại lãnh sự quán Nhật Bản và rời khỏi thành phố sau khi tốt nghiệp vào mùa hè này.

Thật ra, không riêng gì 2 trường hợp nói trên muốn rời khỏi Thượng Hải. Trong những tuần gần đây, tờ Nhật báo Phố Wall (WSJ) đã có cuộc trò chuyện với hơn một chục công dân Trung Quốc đang cân nhắc hoặc đẩy nhanh kế hoạch rời khỏi thành phố này. Trong khi đó, các luật sư và nhân viên nhập cư cho biết nhiều nhóm trò chuyện về di cư xuất hiện trên ứng dụng nhắn tin WeChat cũng như trên các nền tảng được mã hóa như Telegram. Ying Cao, luật sư nhập cư tại thành phố New York (Mỹ), cho hay trong vòng 2 tháng qua, yêu cầu nhập cư từ các cá nhân có giá trị tài sản ròng cực cao (những người có tài sản ít nhất 30 triệu USD) và các chuyên gia tầng lớp trung lưu Trung Quốc tăng gấp 10 lần so với một năm trước đó. Ðáng chú ý, lượng tìm kiếm từ khóa yimin, từ tiếng Hoa để chỉ người di cư, trên WeChat bắt đầu gia tăng vào tháng 3, thời điểm Thượng Hải thắt chặt các biện pháp kiểm soát COVID-19. Theo dữ liệu công khai của WeChat, có 16 triệu lượt tìm kiếm hoặc chia sẻ nội dung liên quan đến yimin hôm 15-3. Một tháng sau, tức ngày 15-4, có tới 72 triệu lượt tìm kiếm và chia sẻ nội dung liên quan tới từ khóa này.

Thế nhưng, việc rời khỏi Trung Quốc không phải là dễ, bởi Bắc Kinh thắt chặt kiểm soát biên giới và tăng cường các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng thất thoát nguồn lực tài chính. Theo một luật sư nhập cư tại Mỹ và một nhân viên nhập cư ở Úc, Trung Quốc bắt đầu cấm việc công chứng cho các mục đích liên quan đến nhập cư, đặc biệt là công chứng tài sản cho những người cố gắng di cư thông qua các chương trình nhập cư đầu tư.

Không những vậy, việc có được hộ chiếu để đi nước ngoài cũng không kém phần gian nan. Cục Quản lý Nhập cư Quốc gia Trung Quốc hồi tháng 8 năm ngoái đã hạn chế việc cấp và gia hạn hộ chiếu cho những công dân có giấy tờ chứng minh rằng họ đang đi học, đi làm hoặc kinh doanh với lý do giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh. Trong 6 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc chỉ cấp 335.000 hộ chiếu, chỉ bằng 2% so với cùng kỳ năm 2019. Mới đây, cơ quan này cho biết sẽ quản lý chặt chẽ hơn việc phê duyệt giấy phép xuất nhập cảnh nhằm hạn chế việc “đi nước ngoài không cần thiết”.

Các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 của Trung Quốc đã buộc các nhà máy và doanh nghiệp phải đóng cửa, kể cả ở một số trung tâm kinh tế quan trọng nhất, khiến lao động nhập cư cũng như những người mới tốt nghiệp đại học bị ảnh hưởng nặng nề. Tờ Thời báo New York ước tính, khoảng 280 triệu lao động Trung Quốc từ nông thôn đến thành phố làm việc trong các lĩnh vực sản xuất và xây dựng, trong khi gần 11 triệu sinh viên đại học dự kiến tốt nghiệp trong năm nay.

Chia sẻ bài viết