Một số người Mỹ gần đây không còn hứng thú với tin tức trên chính trường, thậm chí khảo sát của Trung tâm nghiên cứu các vấn đề công cộng của Associated Press-NORC cho biết khoảng 2/3 người trưởng thành nhận thấy họ cần hạn chế tiếp nhận thông tin về chính trị và liên quan chính phủ vì bị “quá tải”.
Khán giả xem ông Trump phát biểu trên truyền hình. Ảnh: AP
Cuộc thăm dò ý kiến được tiến hành trên 1.251 người lớn và dựa theo các biểu mẫu đại diện cho dân số Mỹ. Nhìn chung, tỷ lệ phần trăm người Mỹ muốn hạn chế tiếp xúc với các kênh báo đài đưa tin về chính trị cao hơn (65%) so với các chủ đề khác như xung đột ở nước ngoài (51%), kinh tế (45%) và biến đổi khí hậu (42%).
Cụ thể, khoảng 72% người theo đảng Dân chủ cho biết họ đang tránh xa tin tức chính trị. Tỷ lệ từ chối không cao như vậy ở đảng Cộng hòa, vốn đang ăn mừng chiến thắng của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Tuy nhiên, khoảng 59% người được hỏi nói rằng họ đang cân nhắc nghỉ ngơi một thời gian. Ở nhóm cử tri độc lập, 63% nói rằng tin tức chính trị là “điều cuối cùng” họ muốn xem. “Mọi người đều kiệt sức về mặt tinh thần. Chúng tôi đều biết điều gì sắp xảy ra và chúng tôi cần tạm nghỉ một thời gian” - Ziad Aunallah đến từ San Diego cho biết.
Theo hãng tin AP, số liệu về tỷ suất người xem trên bảng xếp hạng truyền hình, nhất là các mạng lưới chuyên theo dõi tin tức chính trị, đang thể hiện rõ hiện tượng này. Kể từ đêm bầu cử 5-11 cho đến ngày 13-12, lượng người xem giờ vàng của kênh tin tức MSNBC trung bình khoảng 620.000 người, giảm 54% so với lượng khán giả trước bầu cử. Trong cùng thời điểm, lượng người xem trung bình của đài CNN cũng giảm 45% còn 405.000.
Chia sẻ thêm về lý do quay lưng với chính trị, một khán giả ở bang California nói rằng các kênh truyền thông đang dành toàn bộ thời gian để nói về cuộc bầu cử, nhưng người dân không có lý do gì phải tiếp tục xem khi sự kiện chính đã kết thúc. Cuộc thăm dò cũng phát hiện sau mùa bầu cử, một bộ phận người dân Mỹ đang phản đối xu hướng những người nổi tiếng, nhóm công ty lớn và các vận động viên chuyên nghiệp lên tiếng về chính trị. Ðiều này xảy ra sau khi rất nhiều tổ chức và người nổi tiếng tên tuổi như ca sĩ Taylor Swift và Beyoncé bày tỏ cảm nghĩ trong suốt kỳ bầu cử.
MAI QUYÊN (Theo News Week, Straight Arrow News)