27/12/2024 - 08:47

"Chị dâu" và giá trị của tình thân 

Khai thác mâu thuẫn chị dâu - em chồng, bộ phim "Chị dâu" của đạo diễn Khương Ngọc đang thu hút sự quan tâm của khán giả và hiện đứng đầu doanh thu phòng vé Việt. Câu chuyện gần gũi, quen thuộc được dẫn dắt, giải quyết hợp tình, hợp lý, cùng với dàn diễn viên thực lực đã mang lại một tác phẩm điện ảnh đáng xem và nhiều suy ngẫm.

Tại Cần Thơ, phim đang chiếu tại các cụm rạp của CGV và Lotte Cinema.

5 nữ diễn viên đảm nhận 5 nhân vật chị dâu - em chồng trong phim.

Chồng mất sớm, bà Hai Nhị (Việt Hương) thay chồng gánh vác cả "giang sơn" nhà chồng. Bốn cô em chồng gồm: Ba Kỳ (Hồng Đào), Tư Ánh (Đinh Y Nhung), Năm Thu (Lê Khánh), Út Như (Ngọc Trinh) đã có cuộc sống riêng. Khi bà Hai Nhị tổ chức đám giỗ mẹ chồng ở quê và tuyên bố sẽ sửa lại căn nhà từ đường cũ kỹ đã xuống cấp nghiêm trọng, tranh cãi quyết liệt nổ ra giữa chị dâu và các em chồng. Từ đây, những bí mật, ẩn ức của mỗi người bị phơi bày.

Nửa đầu phim, hình tượng chị dâu không được xây dựng hoàn hảo mà có nhiều nhược điểm, đặc biệt thích phô trương và luôn muốn chứng tỏ quyền lực của "chị Hai". 4 cô em chồng thì "bằng mặt mà không bằng lòng", luôn nói xấu và bất mãn chị dâu sau lưng. Giữa phim, mâu thuẫn, kịch tính dần được đẩy lên cao khi từng người một bộc bạch những thành kiến xấu xí về nhau. Ba Kỳ cho rằng Hai Nhị làm tiệc lớn vì tính khoe mẽ, phô trương; Út Như chỉ xem chị dâu như "máy ATM" để giúp cô trang trải nợ nần; Năm Thu chi li, tính toán, tị nạnh với từng thành viên; Tư Ánh ôm mối mặc cảm về giới tính, rồi "giận cá chém thớt"… Thế nhưng, đằng sau vẻ ngoài đanh đá, hằn học đó, mỗi người đều có nỗi lòng khó nói, đều mắc kẹt trong bi kịch của mình. Chỉ có điều, thay vì chia sẻ, giúp nhau giải quyết khó khăn, họ lại tìm cách trút giận lên người khác, đó là chị dâu.

Khi chị dâu nói ra tất cả những suy nghĩ, cảm xúc, chỉ rõ những sai trái của các cô em chồng, "cơn bão" gia đình tạm lắng xuống thì cơn bão thực tế ập tới, căn nhà cũ kỹ bị bão đánh tan tác. Sống sót sau cơn bão, họ mới thực sự nhận ra giá trị của tình thân. Cuối phim, hình tượng chị dâu trở nên hoàn hảo trong mắt các em chồng bởi những gì chị đã làm, âm thầm chịu đựng, gánh vác, hy sinh.

Tương tự các phim "Tiệc trăng máu", "Đêm tối rực rỡ", thời gian, bối cảnh của "Chị dâu" diễn ra ngắn gọn, trong một sự kiện có đông đủ các thành viên và tạo điều kiện cho mọi người lần lượt phơi bày những góc khuất, bản chất thật rồi đẩy kịch tính lên đỉnh điểm và kết thúc nhanh chóng. Mô-típ này đòi hỏi ở đạo diễn cách kể chuyện chắc tay, cấu trúc kịch bản vững chãi với nhiều tình tiết cao trào để níu chân người xem. So với những phim trước, lần này, đạo diễn Khương Ngọc đã thành công và "Chị dâu" đưa cảm xúc người xem qua nhiều cung bậc, cuối cùng lắng đọng với tình cảm gia đình ấm áp, khi mọi thành viên đã tháo bỏ được khúc mắc trong lòng, bỏ đi sự cố chấp của mình để đoàn kết, yêu thương nhau, tạo thành một gia đình đúng nghĩa.

Xem phim, khán giả nhận ra rằng, không chỉ mối quan hệ chị dâu - em chồng mà bất kỳ mối quan hệ nào khi có những cố chấp, định kiến về nhau thì đều có khoảng cách vô hình và chỉ cần có hiểu lầm, mâu thuẫn sẽ tạo nên hố sâu ngăn cách. Chỉ khi có sự bao dung, mở lòng thì mọi chuyện mới có cơ hội cứu vãn…

Thành công của phim còn nhờ vào diễn xuất rất tốt của 5 nữ diễn viên chính. Cả 5 người đều có đất diễn, có cơ hội để tỏa sáng với những phân đoạn riêng. Trong khi Việt Hương và Hồng Đào đảm đương các phân cảnh nặng về kịch tính, tâm lý thì Lê Khánh là "cây hài" chính, tiếp tục ghi điểm với lối diễn nhẹ nhàng, duyên dáng; Đinh Y Nhung và Ngọc Trinh đều tròn vai.

CÁT ÐẰNG

 

Chia sẻ bài viết