Thông tin Nga chuẩn bị giảm đáng kể hoặc rút quân hoàn toàn khỏi Syria đang làm dấy lên câu hỏi về tương lai các dự án của nước này ở châu Phi, vốn được triển khai như một phần trong chiến lược toàn cầu để đối phó Mỹ và đồng minh.
Tàu tuần dương tên lửa Moskva của Nga trên vùng biển gần Tartus.
Hơn 2 tuần sau khi chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad sụp đổ, Nga vẫn duy trì hiện diện tại căn cứ không quân Khmeimim và cảng Tartus. Nhưng trước đó, Mát-xcơ-va đã rút phần lớn lực lượng khỏi quốc gia Tây Á, bao gồm căn cứ quan trọng Qamishli ở miền Bắc Syria; đồng thời cho chuyển khí tài quân sự đến Libya, Mali và Sudan.
Những năm gần đây, ảnh hưởng của phương Tây ngày càng suy giảm ở các thuộc địa cũ tại Tây Phi, cụ thể là Mali, Burkina Faso, Niger và Cộng hòa Trung Phi. Tận dụng thời cơ này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mở rộng ảnh hưởng tại lục địa đen thông qua các cam kết hỗ trợ lương thực, phân bón và các nguồn năng lượng giá rẻ. Năm 2022, Nga xuất khẩu 11,5 triệu tấn ngũ cốc sang các nước châu Phi. Ðến đầu năm 2024, nước này hoàn thành lời hứa cung cấp miễn phí 200.000 tấn ngũ cốc cho 6 quốc gia ở khu vực. Nga còn hỗ trợ khu vực xây dựng trạm vũ trụ, đào tạo phi hành gia, phát triển các chương trình vệ tinh do thám và an ninh.
Kể từ sau các cuộc đảo chính diễn ra ở Mali, Niger và Burkina Faso từ năm 2021, Nga từng bước lấp vào khoảng trống an ninh - chính trị ở Sahel khi Pháp và Mỹ lần lượt bị buộc rút khỏi các căn cứ quân sự trong khu vực. “Mục tiêu bao trùm của Nga là giành nhiều sự ủng hộ hơn cho tầm nhìn về một trật tự thế giới đa cực, dựa trên sự suy yếu của ảnh hưởng phương Tây” - tổ chức tư vấn quốc tế Hội đồng Quan hệ Ðối ngoại đánh giá các dự án châu Phi của Ðiện Kremlin.
Thế khó của Nga
Trong cuộc chơi quyền lực ở châu Phi, trở ngại lớn với Nga là tuyến tiếp tế tới Tây Phi quá dài cho máy bay thân rộng. Lúc này, căn cứ không quân Khmeimim và căn cứ hải quân Tartus ở Syria trở thành mắt xích quan trọng giúp Nga vận chuyển hàng viện trợ, thiết bị quân sự và đưa binh sĩ Quân đoàn châu Phi (trước đây là Tập đoàn quân sự tư nhân Wagner) đến châu Phi. Theo đó, máy bay chở hàng của Nga có thể hạ cánh tại Khmeimim để tiếp nhiên liệu trên đường bay nửa chặng đến Libya; trong khi Tartus trở thành căn cứ tiếp tế và sửa chữa chính ở Ðịa Trung Hải, giúp hải quân Nga mở rộng sức mạnh và ảnh hưởng tới Bắc Phi.
Vấn đề hiện nay là Ðiện Kremlin chưa đạt thỏa thuận với chính phủ mới của Syria, cho phép họ tiếp tục kiểm soát 2 căn cứ nói trên. Theo cựu sĩ quan Hải quân Hoàng gia Anh John Foreman, Nga không có nhiều lựa chọn phù hợp để làm điểm tiếp tế thay thế. Trước tiên, các căn cứ không quân ở Libya không đảm bảo về mặt cơ sở vật chất, đường băng, vị trí và an ninh. Ngoài ra, Mát-xcơ-va vẫn cần có sự đồng ý của các đồng minh đang kiểm soát vùng lãnh thổ miền Ðông Libya để sử dụng bến cảng và căn cứ không quân. Chưa kể Thủ tướng Libya Abdul Hamid Dbeibeh cũng tuyên bố sẽ phản đối mọi nỗ lực của Nga nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự tại nước này.
Trong đối sách khác, Nga tiếp tục nỗ lực đàm phán với Sudan, quốc gia đang trải qua hơn 1 năm nội chiến, về quyền tiếp cận Cảng Sudan trên Biển Ðỏ. Trước đó, Mát-xcơ-va được cho đã đề nghị cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho chính quyền Sudan nhằm thuyết phục họ chấp thuận, nhưng lo ngại về phản ứng dữ dội của phương Tây đã khiến Khartoum từ chối yêu cầu trên.
Nhìn chung, cả 2 lựa chọn đó đều phức tạp, tốn kém và không đảm bảo so với việc chuyển thiết bị và binh sĩ qua các căn cứ ở Syria. Trong một đánh giá, chuyên gia Samuel Ramani tại tổ chức tư vấn quốc phòng và an ninh RUSI cho biết sự sụp đổ của chế độ Assad là “thất bại về địa chính trị và vị thế đối với Nga”, bởi nó không chỉ gây ra các vấn đề về hậu cần mà còn làm suy yếu lòng tin của các nhà lãnh đạo thân Mát-xcơ-va ở châu Phi. Ngay cả ở Ðiện Kremlin, một số người thừa nhận sự sụp đổ của chế độ Assad cho thấy Nga trước mắt cần củng cố vai trò cường quốc trong khu vực, thận trọng hơn trong các tham vọng toàn cầu.
Tấn công khiến nhiều quan chức chính phủ lâm thời Syria thiệt mạng
Ngày 25-12, ít nhất 14 quan chức thuộc Bộ Nội vụ trong chính phủ lâm thời Syria đã thiệt mạng trong một vụ phục kích tại tỉnh Tartus, Tây Bắc Syria. Vụ việc được cho là do lực lượng ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Bashar al-Assad tiến hành.
Truyền thông sở tại dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ lâm thời Syria Mohammed Abdul Rahman cho biết các quan chức trên thiệt mạng khi đang thực thi các nhiệm vụ nhằm duy trì an ninh và bảo vệ dân thường trong khu vực. Các đối tượng thực hiện vụ tấn công được cho là có liên quan đến chính quyền cũ. Ðây là vụ việc mới nhất liên quan tới những bất ổn về an ninh tại Syria trong thời gian qua và có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa các phe phái tại quốc gia Trung Ðông này.
|
MAI QUYÊN (Theo Telegraph, Le Monde)