11/01/2023 - 08:17

Người già châu Á “nói không” với nghỉ hưu 

TRÍ VĂN 

Trên khắp Đông Á, dân số đang già đi nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Và trong khi thế hệ trẻ ngày càng thu hẹp thì những lao động lớn tuổi thường phải làm việc ở độ tuổi lẽ ra được nghỉ hưu, bởi các công ty rất cần họ và họ cũng rất cần việc làm.

Tỷ lệ người già làm việc rất cao

Cụ Yoshihito Oonami trong giờ làm việc. Ảnh: NYT

Cụ Yoshihito Oonami trong giờ làm việc. Ảnh: NYT

Yoshihito Oonami là một trường hợp như vậy. Dù rất muốn được nghỉ hưu và an hưởng tuổi già nhưng cụ ông 73 tuổi này vào lúc 1 giờ 30 phút sáng mỗi ngày phải thức dậy lái xe tới một chợ nông sản trên một hòn đảo nhỏ ở Vịnh Tokyo để lấy hàng, sau đó lái xe khắp thủ đô Tokyo, giao hàng cho các nhà hàng.

Theo tờ Thời báo New York, do thường xuyên phải khuân vác những bao hàng nặng gần 7kg, cụ Oonami nhiều lúc bị đau lưng. Song, với mức lương hưu cơ bản khoảng 60.000 yen (tương đương 477USD)/tháng, không đủ để chi trả chi phí hàng ngày, cụ Oonami buộc phải tiếp tục làm việc. “Làm việc ở độ tuổi này không vui chút nào nhưng tôi phải làm để có thể tồn tại. Miễn là cơ thể tôi còn cho phép, tôi sẽ tiếp tục cố gắng” - cụ Oonami bày tỏ.

Thật ra, Nhật Bản không phải là quốc gia duy nhất ở Đông Á nơi người già cảm thấy không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục làm việc. Thống kê cho thấy, gần 40% những người từ 65 tuổi trở lên tại Hàn Quốc vẫn đang miệt mài làm việc, trong khi đó tại Hong Kong, cứ 8 người cao tuổi thì có một người đi làm. Tỷ lệ này ở Nhật Bản là 25%. 

Nhiều giải pháp đặt ra

Trong nhiều năm qua, các nhà nhân khẩu học đã đưa ra cảnh báo về “quả bom hẹn giờ” sắp xảy ra ở các quốc gia giàu có. Song, Nhật Bản và các nước láng giềng gần đây mới bắt đầu cảm nhận được tác động khi mà các chính phủ, công ty và hơn hết là những cư dân lớn tuổi đang phải vật lộn với hậu quả mà xã hội già hóa mang lại. Giờ đây, câu hỏi mà các quốc gia già hóa này đang phải đối mặt là làm thế nào để có thể thích nghi với thực tế mới và tận dụng những lợi ích tiềm năng của lực lượng lao động lớn tuổi, đồng thời đảm bảo rằng mọi người có thể nghỉ hưu sau cả đời làm việc mà không rơi vào cảnh nghèo đói. Để thích nghi với sự thay đổi dân số, các quốc gia ở Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đều đã buộc phải đưa ra những thay đổi về chính sách, chẳng hạn như trợ cấp doanh nghiệp và điều chỉnh chế độ hưu trí, bởi tuổi nghỉ hưu sớm đã làm tăng quỹ lương hưu, gây khó cho các chính phủ.

Để đối phó với tình trạng mà các nhà nhân khẩu học gọi là “xã hội siêu già hóa”, giới hoạch định chính sách ở Đông Á ban đầu tập trung vào việc cố gắng thúc đẩy tỷ lệ sinh và sửa đổi luật nhập cư để củng cố lực lượng lao động. Song, các biện pháp này mang lại hiệu quả rất ít. Đơn cử như tại Nhật Bản, các cuộc khảo sát cho thấy có tới một nửa số công ty báo cáo tình trạng thiếu nhân công toàn thời gian, buộc những lao động lớn tuổi “nhảy vào” lấp đầy khoảng trống đó. Tại Tokyu Community, công ty chuyên quản lý tài sản cho các khu chung cư ở thủ đô Tokyo, gần một nửa số nhân viên từ 65 tuổi trở lên. Với mức lương 2,3 triệu yen (tương đương 17.146USD)/năm, công việc tại đây không hấp dẫn đối với những lao động trẻ tuổi nhưng những người lớn tuổi sẵn sàng chấp nhập mức lương đó để có thêm thu nhập.

Hiện chính phủ xứ hoa anh đào đang cung cấp các khoản trợ cấp cho các công ty vừa và nhỏ thiết lập chỗ ở cho người lao động lớn tuổi. Riêng các công ty cũng có những cách thức hỗ trợ họ. Đơn cử, công ty giao hàng Aikawa Unsou đã cho lắp đặt các tay nắm trong xe tải để giúp các tài xế cao tuổi dễ dàng lên và xuống xe.

Chia sẻ bài viết