06/05/2023 - 08:27

Người đại diện nước Mỹ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu 

NGUYỆT CÁT (Theo Climatewire)

Khởi đầu sự nghiệp bằng công việc giải quyết các thảm họa liên quan đến khí hậu, bà Christina Chan - người Mỹ gốc Hoa - giờ đang gánh vác một trọng trách to lớn, đó là giúp nước Mỹ thực thi các cam kết và viện trợ khí hậu, giúp đỡ các quốc gia bị mất đi đất đai, nhân mạng và di sản quốc gia vì tình trạng Trái đất nóng lên.

Bà Christina Chan.

Bà Chan, 47 tuổi, là đại diện của Mỹ trong một ủy ban thuộc Liên Hiệp Quốc (LHQ) phụ trách giám sát việc thành lập Quỹ “Tổn thất và Thiệt hại” - được thành lập tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP27) ở Ai Cập hồi năm ngoái - để bù đắp cho các nước chịu ảnh hưởng nặng nề vì tình trạng nóng lên toàn cầu.

Ủy ban mà bà Chan tham gia có 24 thành viên, bao gồm 10 người đến từ các quốc gia giàu có vốn chịu trách nhiệm lớn nhất trong việc gây ra biến đổi khí hậu và 14 người đến từ các quốc gia nghèo hơn, nhưng chịu tổn thất lớn nhất vì nhiệt độ Trái đất gia tăng. Công việc của ủy ban này là xác định cơ cấu và cách thức quản lý Quỹ “Tổn thất và Thiệt hại”, cũng như nguồn tiền tài trợ và đối tượng nhận tài trợ. Ủy ban cũng sẽ đưa ra các khuyến nghị cần thiết để quỹ vận hành vào thời điểm các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu bắt đầu vào cuối tháng 11 tới tại Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Mặc dù đã có nhiều ý tưởng thích ứng với biến đổi khí hậu được đưa ra - từ đánh thuế sản xuất nhiên liệu hóa thạch cho đến đánh thuế ngành du lịch hàng không, song đến nay, quỹ này vẫn chưa có nguồn tài trợ. Trong vai trò đại diện nước Mỹ, bà Chan sẽ nỗ lực để xóa bỏ sự hoài nghi toàn cầu về những cam kết viện trợ khí hậu của Washington, cũng như những tranh cãi trong nội bộ chính phủ dẫn đến việc cắt giảm nguồn tài trợ cho các nước đang đương đầu với những thay đổi nghiêm trọng của môi trường. Chan cho biết nhiệm vụ của bà là xác định vấn đề nào sẽ được Quỹ “Tổn thất và Thiệt hại” ưu tiên giải quyết, bao gồm di cư và tái định cư theo kế hoạch, cũng như tác động của các sự kiện tự nhiên diễn ra chậm như nước biển dâng và mất  di sản văn hóa.

Mục tiêu của bà Chan là tạo ra một thứ gì đó mà Mỹ có thể “hy vọng đóng góp vào” “Chúng ta cần tìm ra nguồn tài chính cho quỹ, cũng như việc quỹ sẽ nằm ở đâu và tài trợ cho việc gì. Và chúng tôi cam đoan viện trợ” - bà nói về lời hứa hỗ trợ của Mỹ. Cam kết này dường như đánh dấu một sự thay đổi lớn của Mỹ so với những năm trước, khi họ thường xuyên khước từ những cuộc thảo luận về các khoản bù đắp tổn thất và thiệt hại, do lo ngại trách nhiệm pháp lý đối với việc phát thải khí carbon. Washington cho rằng thỏa thuận đạt được tại COP27 không liên quan đến trách nhiệm pháp lý hay bồi thường.

Ðược biết, bà Chan từng lấy bằng cử nhân về sinh học con người tại Ðại học Stanford và bằng thạc sĩ về quy hoạch vùng và đô thị với chuyên ngành phát triển quốc tế tại Ðại học Cornell. Bà từng nhận học bổng Fulbright và học bổng nghiên cứu sau đại học của Quỹ khoa học quốc gia Mỹ. Trước khi làm việc tại Bộ Ngoại giao, bà làm việc tại cơ quan nhân đạo toàn cầu CARE International trên nhiều cương vị khác nhau, bao gồm quản lý dự án cho chương trình quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng ở Nepal, cũng như làm nhà phân tích chính sách cấp cao về biến đổi khí hậu cho nhóm vận động chính sách của CARE tại Mỹ.

Khi đến Bộ Ngoại giao làm việc, bà ủng hộ các chính sách khí hậu của nước Mỹ nhằm giúp đỡ người nghèo ở các quốc gia khác. Chan rời bộ này vào năm 2017 để lãnh đạo một chương trình phục hồi khí hậu tại Viện Tài nguyên Thế giới, tập trung vào việc mang lại cho cộng đồng nhiều tiếng nói hơn về tài trợ thích ứng biến đổi khí hậu. Chan trở lại Bộ Ngoại giao sau khi ông Joe Biden trở thành tổng thống và có tư tưởng chống biến khí hậu mạnh mẽ. Mới đây, Tổng thống Biden tuyên bố góp thêm 1 tỉ USD vào Quỹ Khí hậu Xanh của LHQ, giúp nước Mỹ hoàn thành 2/3 khoản cam kết đóng góp (3 tỉ USD) đã đưa ra vào năm 2013.

Chia sẻ bài viết