18/04/2020 - 07:18

Nghiên cứu của Mỹ về COVID-19 bị tin tặc tấn công 

Giữa lúc toàn cầu đang chạy đua tìm kiếm vaccine phòng chống COVID-19, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cảnh báo các tổ chức nghiên cứu trong nước đang trở thành mục tiêu của tội phạm mạng do chính phủ nước ngoài hậu thuẫn.

Nghiên cứu của các tổ chức Mỹ về COVID-19 đang bị tin tặc dòm ngó.

Zoom công bố một loạt biện pháp đảm bảo an toàn thông tin

Nổi lên nhờ xu hướng làm việc từ xa khi hàng triệu người trên khắp thế giới từ học sinh cho đến người đi làm buộc phải học và làm việc tại nhà sau khi các nước quyết định áp dụng biện pháp phong tỏa để hạn chế sự lây lan của COVID-19, song đi kèm với lượng người sử dụng tăng vọt là những quan ngại ngày một tăng về lỗ hổng bảo mật của ứng dụng họp trực tuyến Zoom. Để xoa dịu các chỉ trích về tính bảo mật, ngày 15-4, Eric Yuan, Giám đốc điều hành Zoom, đã công bố một loạt biện pháp nhằm đảm bảo an toàn thông tin.

Theo ông Yuan, hiện Zoom đang nỗ lực giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo mật trong đó có nguy cơ đánh cắp dữ liệu người dùng hay hiện tượng xâm nhập vào cuộc họp, lớp học trực tuyến để truyền bá các nội dung phản cảm, còn được biết đến với tên gọi “Zoombombing”.

Trước đó, do lo ngại vấn đề an ninh, nhiều nước, các cơ quan và tổ chức trên thế giới đã ban hành lệnh cấm sử dụng ứng dụng Zoom để hội họp, làm việc trực tuyến.  

Thống kê cho thấy, số lượng người sử dụng ứng dụng Zoom vào tháng 3 vừa qua đạt gần 200 triệu, tăng đột biến so với chỉ khoảng 10 triệu người vào cuối năm ngoái.

Tuyên bố được Phó Giám đốc phụ trách an ninh mạng FBI Tonya Ugoretz đưa ra tại cuộc họp trực tuyến do Viện Aspen tổ chức. Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và nghiên cứu y sinh lâu nay vẫn là mục tiêu của gián điệp nước ngoài, nhưng bà Ugoretz cho biết các vụ tấn công nhắm vào ngành công nghiệp dược phẩm và sinh học Mỹ thời gian gần đây có dấu hiệu tăng bất thường.

Trong đó, nhiều bệnh viện, phòng thí nghiệm, các tổ chức cùng doanh nghiệp Mỹ có dự án nghiên cứu dịch COVID -19 là mục tiêu chính trong hoạt động do thám, xâm nhập của tin tặc do nước ngoài hậu thuẫn. Tuy bà Ugoretz không nêu cụ thể tên quốc gia hỗ trợ hay đối tượng nào bị tấn công, nhưng Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia cùng các “gã khổng lồ” ngành dược như tập đoàn công nghệ sinh học Gilead Science, Johnson&Johnson là những tổ chức ở Mỹ đi đầu trong nỗ lực nghiên cứu vaccine và thuốc điều trị COVID-19.

Theo quan chức FBI, việc nhiều đơn vị chủ động công khai những phát hiện hữu ích hoặc chia sẻ phương pháp điều trị hiệu quả COVID-19 là đáng hoan nghênh trong bối cảnh dịch bệnh đang lan nhanh trên toàn cầu. Nhưng điều này lại khiến họ trở thành mục tiêu của các hoạt động bất hợp pháp hoặc bị đánh cắp thông tin độc quyền. FBI cũng nói rõ tình trạng này không phải mới; mà ngay từ khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc hồi cuối năm ngoái, các quan chức an ninh mạng đã cảnh giác trước nguy cơ tin tặc tấn công các cơ quan nghiên cứu, chăm sóc sức khỏe Mỹ. Hồi tháng rồi, Reuters còn xác định hai nhóm tin tặc khác nhau cố xâm nhập hệ thống của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Cảnh báo mới của FBI củng cố thêm bằng chứng đối với cáo buộc tin tặc được chính phủ nước ngoài tài trợ đang lợi dụng dịch bệnh để tăng cường thu thập thông tin tình báo, thúc đẩy chiến dịch gián điệp dài hạn. Cơ quan này còn dẫn dữ liệu từ Trung tâm tiếp nhận khiếu nại về tội phạm Internet cho thấy số lượng tội phạm mạng đang tăng vọt. Trước đây, họ thường nhận khoảng 1.000 đơn tố cáo mỗi ngày và con số này hiện đã tăng lên gấp 3-4 lần.

Trong diễn biến khác, cơ quan an ninh quốc phòng và phản gián Mỹ đã gởi cảnh báo đến gần 40 nhà thầu về rủi ro trở thành mục tiêu của nhóm tin tặc “Electric Panda” bị nghi có mối liên hệ với Chính phủ Trung Quốc. Các cơ sở này hoạt động trong lĩnh vực trọng yếu như công nghệ chăm sóc sức khỏe, an ninh mạng, hàng không vũ trụ, hải quân, y tế, năng lượng, công nghệ thông tin, viễn thông, phân tích rủi ro và không gian. Đáng lưu ý là hầu hết họ đều có quyền truy cập thông tin mật.

Trước đó, Bộ An ninh Nội địa Mỹ và Trung tâm an ninh mạng quốc gia Anh trong tuyên bố chung cũng phát cảnh báo về nguy cơ những nhóm tin tặc tấn công có chủ đích (APT) được nước ngoài tài trợ đang khai thác đại dịch để trục lợi. Hình thức phổ biến vẫn là giả danh thông tin chính thống để nhắn tin lừa đảo, gởi phần mềm độc hại nhằm do thám, xâm nhập và đánh cắp dữ liệu.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, Cyber Scoop)

Chia sẻ bài viết