19/01/2008 - 23:22

Nghĩa địa "linh thiêng" ở Kandahar

Tại tỉnh Kandahar, miền Nam Afghanistan có một nghĩa địa chôn cất hơn 70 tay súng A-rập, bao gồm cả người nước ngoài, và thân nhân của họ thiệt mạng trong các vụ oanh kích của máy bay Mỹ cuối năm 2001. Mỗi ngày, có hàng trăm người, phần lớn mắc bệnh, đến viếng nghĩa trang này. Sangeena, một phụ nữ trạc tuổi 50 sống gần và trông nom khu mộ này, cho biết “du khách” đến đây một phần là để cầu mong bản thân sớm khỏi bệnh và một phần hy vọng những trắc trở về tài chính, quan hệ gia đình và xã hội sẽ được “xuôi chèo mát mái”. Nhiều người địa phương tin rằng những người ngoại quốc nằm dưới mộ không có tội bởi họ đã “tử vì đạo Hồi” khi Mỹ và các nước đồng minh đưa quân đến Afghanistan sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001. Với họ, những nấm mộ ở đây rất linh thiêng và việc sờ vào chúng có thể giúp họ chữa lành bệnh tật. Suốt nhiều năm qua, ngày nào bà Sangeena cũng đến nghĩa địa bởi “họ đã tử vì đạo và tôi có trách nhiệm phục vụ họ”.

Đã 7 năm trôi qua, khách thập phương vẫn đến viếng nghĩa địa Kandahar.
Ảnh: BBC 

Những năm đầu, mỗi ngày có đến hàng ngàn người đặt chân đến nghĩa trang. Bất ngờ trước sự mê tín của người dân, chính quyền địa phương đã cử cảnh sát vũ trang đến ngăn cản việc thăm viếng nghĩa địa. Thế nhưng, “tiếng lành đồn xa”, người dân ở các khu vực hẻo lánh, thậm chí giáp biên giới Pakistan kéo tới ngày một đông. Một số đồn đại rằng nhiều người bệnh vô phương cứu chữa đã đột nhiên khỏe lại khi họ đến đây lần đầu. Thậm chí có lời đồn rằng người bị bại liệt khi rời khỏi nghĩa địa có thể đi lại bình thường.

Phần lớn các tay súng A-rập an nghỉ ở khu mộ này từng giúp Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan vào những năm 1990 nên mộ của họ được xây gần như toàn bộ bằng đá trắng và phía trên treo cờ xanh. Đáng chú ý có ngôi mộ tập thể rất lớn của khoảng 20 người. Một cư dân Kandahar giải thích do tình hình an ninh hồi đó nguy cấp nên không thể chôn riêng lẻ.

Thật sự mà nói việc viếng đền thờ và nghĩa trang để cầu an là nét văn hóa đặc trưng của nhiều quốc gia Hồi giáo, trong đó có Afghanistan. Gul Khan, một người đã tốt nghiệp đại học, cho biết việc nghĩa trang Kandahar trở nên linh thiêng trong mắt công chúng một phần do đa số người dân nước này còn nghèo khó, lại ít được hoặc không thể tiếp cận với hệ thống chăm sóc y tế. Chiến tranh triền miên trong những thập niên qua tàn phá gần như hoàn toàn kết cấu hạ tầng của Afghanistan trong khi tiến trình tái thiết đất nước thời hậu Taliban chưa mang lại kết quả rõ rệt. Một quốc gia mà tỷ lệ thất nghiệp cao ngất ngưỡng và số người biết chữ ở mức thấp thì chẳng có gì lạ khi nghĩa trang, đền thờ vẫn là niềm hy vọng duy nhất cho nhiều người bệnh và tầng lớp cư dân khốn khổ.

Tuy vậy, chính quyền Kandahar có lẽ cũng lo ngại sự tôn sùng quá mức của người dân về nơi chôn cất các tay súng thánh chiến A-rập vô hình trung làm giảm uy tín của chính quyền trung ương và lực lượng chiếm đóng nước ngoài trong bối cảnh tàn quân Taliban đang phục hồi sức mạnh.

PHÚC NGUYÊN (Theo BBC)

Chia sẻ bài viết