Toàn thân bị băng chặt vào xe lăn nhưng Lee Sang Mook vẫn say sưa giảng bài về môn địa vật lý biển ở Đại học Quốc gia Seoul. Trên màn hình máy chiếu sau lưng anh là những biểu đồ sinh động tái hiện quá trình hình thành các đại dương trên Trái đất. Để hiển thị các biểu đồ, Lee - bị liệt từ cổ trở xuống - dùng miệng điều khiển chuột máy tính, trông giống cái chai, được kết nối với laptop: anh mấp máy môi để nhắp chuột trái, phồng má để nhắp chuột phải, mấp máy môi kết hợp với gật đầu để cuộn chuột lên xuống.
“Cuộn chuột là động tác khó nhất”, Lee tâm sự. Anh có thể nghe nói bình thường nhưng chức năng phổi suy giảm chỉ còn 40% của người bình thường.
|
Tiến sĩ Lee Sang Mook đang lên lớp ở Đại học Quốc gia Seoul. Ảnh: NYTimes |
Tuy toàn thân bất toại, hệ quả của vụ tai nạn ô tô cách đây 2 năm, nhưng Lee, 46 tuổi, vẫn miệt mài với công tác giảng dạy. Nỗ lực chiến thắng số phận đã đưa anh trở thành tấm gương cho người tàn tật ở Hàn Quốc. Báo chí xứ sâm cao ly ví anh như nhà vật lý ngồi xe lăn Stephen Hawking nổi tiếng của Anh.
Lee gặp nạn vào mùa thu năm 2006 trong chuyến đi thực địa ở vùng sa mạc California. Chiếc xe anh cầm lái chẳng may bị lật. Tỉnh lại sau 3 ngày hôn mê, Lee được biết đốt sống cổ thứ 4 của mình đã gãy, tổn thương này khiến anh mất khả năng điều khiển tay chân của mình. Trong thời gian điều trị ở Mỹ, các chuyên gia vật lý trị liệu giới thiệu với Lee thiết bị có thể sử dụng như chuột máy tính, và anh học cách sử dụng nó nhanh đến nỗi chỉ 3 tuần sau đó, anh được xuất viện về nước.
Ở Hàn Quốc, những người như Lee một phần do mặc cảm với hình thể không trọn vẹn, một phần do xã hội ít nhiều vẫn còn thành kiến với người tàn tật nên thường sống thu mình với thế giới bên ngoài. Gia đình cũng không muốn họ tiếp xúc với xã hội vì sợ bị phân biệt đối xử. Quyết tâm tiếp tục theo đuổi sự nghiệp “trăm năm trồng người” tại trường đại học danh tiếng nhất nước của Lee khiến gia đình “trở mặt” với anh. Cha mẹ và vợ Lee chỉ muốn anh ở lại Mỹ chuyên tâm tập vật lý trị liệu với hy vọng sẽ phục hồi được phần nào cử động ở tay chân.
Bất chấp áp lực từ phía gia đình, đầu năm 2007, với sự hỗ trợ của “chuột máy tính” mà anh mang theo về từ Mỹ, Lee tự tin quay lại Đại học Seoul. Quyết tâm và lòng yêu nghề của anh đã thuyết phục nhà trường tạo điều kiện để anh tiếp tục “đứng lớp”.
Hiện nay, ngoài thời gian trên lớp, Lee thường tìm đến những người có cùng hoàn cảnh như mình, hướng dẫn họ cách thức sử dụng các thiết bị hỗ trợ dành cho người tàn tật. Mỗi lần thử nghiệm thiết bị mới, Lee đều suy nghĩ chỉnh sửa sao cho bản thân dễ sử dụng. Gần đây, lúc dùng cơm trưa với các đồng nghiệp, anh khiến họ ngạc nhiên khi dùng má phải chạm vào microphone gắn trên xe lăn để lùi xe lại, và sau đó lại dùng má phải để chuyển xe lăn sang chế độ điều khiển giảm xóc. Song hành cùng anh trên chiếc xe lăn, ngoài laptop, “chuột máy tính”, còn có EZcaller - thiết bị cho phép anh gọi và trả lời điện thoại chỉ với một cái tặc lưỡi và chương trình bàn phím ảo cho phép anh chọn từng ký tự một bằng động tác tặc lưỡi hoặc phồng má.
Tuy giờ là một phế nhân nhưng Lee quan niệm rằng không có gì là không thể. Bằng chứng là mới đây anh vừa một mình thực hiện chuyến công tác ngắn bằng xe lửa. Không chỉ đi công tác trong nước, Lee định mùa thu tới sẽ sang San Francisco dự hội nghị của Hiệp hội Địa Vật lý Mỹ. “Tôi không muốn mình lạc hậu ở lĩnh vực mà mình theo đuổi”, Lee bộc bạch.
QUỐC CHÂU (Theo New York Times)