02/10/2008 - 22:34

Nghề báo - nghề chết chóc ở Iraq

Các phóng viên Iraq tác nghiệp tại một nhà thờ bị đánh bom ở Baghdad. Ảnh: Reuters

Theo Tổ chức Bảo vệ Truyền thông Iraq, tình trạng tấn công nhằm vào giới truyền thông leo thang ở nước này trong thời gian gần đây. Điển hình là vụ 3 nhà báo và một người lái xe làm việc cho đài truyền hình al Sharqiya TV bị bắt cóc và bắn chết ở Mosul, vụ đánh bom 3 văn phòng báo chí ở Baghdad làm 1 nhà báo thiệt mạng, vụ đánh bom bên ngoài trụ sở Nghiệp đoàn ký giả quốc gia làm Chủ tịch Nghiệp đoàn Muaid al Laimi bị thương nghiêm trọng. Được biết, hồi tháng 2 năm nay, người tiền nhiệm của ông Laimi là Shihab al Tamimi cũng bị bắn trọng thương và qua đời 4 ngày sau đó. Theo giới chuyên trách, Iraq hiện là nơi tác nghiệp nguy hiểm nhất trên thế giới đối với các nhà báo.

Kể từ khi Mỹ bắt đầu xâm lược Iraq năm 2003 đến nay đã có gần 300 người làm việc trong lĩnh vực truyền thông tại nước này bị thiệt mạng, trong đó phần lớn là người Iraq. Theo chủ bút Falah al Mashal của nhật báo al Sabaah (Buổi sáng) ở Baghdad, trên thế giới người ta biết nghề báo là nghề nghiệt ngã, còn ở Iraq thì đó là nghề chết chóc. Al Mashal cho biết chỉ riêng tòa soạn của ông đã có 22 người bị giết. Mặc dù tòa soạn và nhà in đều được xây dựng bằng những bức tường bê tông chống đạn, còn lối vào cổng chính có trạm kiểm soát, nhưng vẫn thường xuyên xảy ra các vụ đánh bom gây chết người ở đây. Ít nhất hai phóng viên của al Sabaah đã thiệt mạng khi đang làm việc tại văn phòng.

Theo al Mashal, nhà báo dùng ngòi bút của mình để nói lên sự thật, nhưng đây lại là mối nguy hiểm đối với những kẻ khủng bố vì nó có thể đưa bọn chúng trở thành tội phạm trong mắt mọi người. Đó là lý do tại sao nhà báo trở thành mục tiêu của các vụ tấn công. Al Mashal cho biết dù tờ al Sabaah thuộc sở hữu của chính phủ, nhưng lại hoạt động độc lập và chưa bao giờ ủng hộ một đảng phái nào. Được biết, nhiều báo đài ở Iraq là sản phẩm của các tổ chức chính trị và các nhóm tôn giáo, do đó đưa tin không khách quan. Để có cái nhìn toàn cảnh về Iraq, người ta phải đọc 6-7 tờ báo.

Viện báo chí IWPR có trụ sở ở Luân Đôn (Anh) dự kiến sẽ mở một chi nhánh tại Baghdad vào cuối năm nay để cung cấp các khóa học về tác nghiệp trong môi trường thù địch. Giám đốc chi nhánh IWPR tại Iraq, Hiwa Osman, cho rằng nhiều vụ giết chóc ở nước này xuất phát từ các tin bài tuyên truyền, kích động trên các phương tiện truyền thông.

L.G (Theo BBC)

Chia sẻ bài viết