14/01/2022 - 13:42

Ngành Công Thương nỗ lực duy trì đà tăng trưởng cao 

Năm qua, ngành Công Thương tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao và đã đạt kết quả tích cực, toàn diện, tạo dấu ấn nổi bật. Phát huy các kết quả đạt được, năm 2022, ngành Công Thương xác định tiếp tục nỗ lực phấn đấu tăng trưởng cao trên các lĩnh vực sản xuất công nghiệp (CN) và thương mại, dịch vụ.

Mua bán hàng hóa tại siêu thị Co.opmart Cần Thơ.

Kết quả ấn tượng

Sản xuất CN gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19 nhưng vẫn duy trì và giữ vững được nhịp độ tăng trưởng tích cực. Quy mô sản xuất CN tiếp tục mở rộng, với chỉ số sản xuất CN (IIP) tăng 4,8%. Giá trị tăng thêm ngành CN tăng 4,82%, cao hơn 3,36% so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu nội ngành CN tiếp tục chuyển biến tích cực, tăng tỷ trọng ngành CN chế biến và chế tạo, giảm dần ngành CN khai khoáng và từ ngành thâm dụng lao động sang CN công nghệ cao. CN chế biến, chế tạo tiếp tục duy trì động lực của toàn ngành, đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 6,37%, đóng góp 1,61 điểm phần trăm vào mức tăng GDP cả nước và đóng góp tới 86,7% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Ngành điện đã đảm bảo tốt cân đối điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của người dân.

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm, xuất khẩu hàng hóa của nước ta vẫn bứt phá, đạt mức tăng trưởng cao, trở thành điểm sáng của nền kinh tế. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2021 đạt mức kỷ lục là 668,5 tỉ USD, tăng 22,6% so với năm 2020, trong đó xuất khẩu đạt 336,25 tỉ USD, tăng 19%, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao. Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 6 liên tiếp với thặng dư khoảng 4 tỉ USD, góp phần làm tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 3.950.900 tỉ đồng, chiếm 82,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Công tác quản lý, đảm bảo trật tự thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên thị trường nội địa được củng cố. Công tác xúc tiến thương mại được cải thiện. Thương mại điện tử đã trở thành phương thức phân phối chủ yếu, an toàn qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, góp phần duy trì chuỗi cung ứng và chuỗi lưu thông trong và ngoài nước, hỗ trợ tiêu thụ hiệu quả hàng chục triệu tấn nông sản cho người nông dân và doanh nghiệp, đặc biệt là trong những giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp. Doanh thu thương mại điện tử đạt 13,7 tỉ USD, tăng 16% so với cùng kỳ và thuộc nhóm 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng về thị phần bán lẻ trực tuyến cao nhất khu vực Ðông Nam Á.

Để bứt phá

Tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 ngành Công Thương do Bộ Công Thương vừa tổ chức, lãnh đạo nhiều bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng cam kết tiếp tục "đồng hành" cùng Bộ Công Thương trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2022. Ðồng thời, đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp và cách làm cụ thể nhằm tăng cường sự phối hợp để thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững cho ngành Công Thương.

Ông Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, kiến nghị: "Cần kịp thời phối hợp, xây dựng định hướng chiến lược mới về hội nhập, liên kết quốc tế và trong nước trong hình hình mới. Ðiều này rất cần thiết để thiết lập khuôn khổ kinh tế, thương mại ổn định với các đối tác và có sự chủ động, thích ứng có hệ thống với các xu thế mới, các nội hàm mới và cách thức triển khai thương mại mới. Ðồng thời, giúp huy động nguồn lực từ các bộ, ngành, địa phương, thực hiện các mục tiêu chung".

Theo ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ NN&PTNT rất mong phối hợp chặt cùng Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao và các bộ ngành liên quan xây dựng các chương trình, đề án xuất khẩu nông sản sang từng thị trường có tiềm năng và khai thác tốt cả thị trường nội địa. Phối hợp tham mưu Chính phủ ban hành cơ chế thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, phát triển chế biến và đa dạng hóa sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Xúc tiến, triển khai kế hoạch thực hiện bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam. Thời gian qua, các chương trình, hoạt động phối hợp giữa Bộ NN&PTNT cùng với Bộ Công Thương trong kết nối cung cầu, phát triển chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa nền nông nghiệp, ổn định thương hiệu nông sản Việt Nam và giúp nông dân tiêu thụ nông sản.

Năm 2022 ngành Công Thương đề ra mục tiêu phấn đấu chỉ số IIP đạt mức tăng khoảng 7-8% trong năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu tăng từ 6-8% và cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 7-8%... Ðể thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra và tiếp tục phát triển bứt phá, ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương, đề nghị: "Các đơn vị trong toàn ngành cần chú trọng quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước, nhất là Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng và các chủ trương, chính sách có liên quan về phát triển CN, thương mại. Bám sát diễn biến tình hình, thường xuyên kiểm tra, đánh giá để xử lý linh hoạt, kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh, đảm bảo hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra. Chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng tham mưu cho các cấp thẩm quyền nhằm thể chế hóa kịp thời các quan điểm, chủ trương, chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Ðảng. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để bảo đảm đồng bộ, khả thi và đề xuất cấp thẩm quyền cho thực hiện thí điểm những nhiệm vụ theo tinh thần đổi mới, sáng tạo khơi thông và giải phóng các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa trong đầu tư, phát triển ngành".

Người đứng đầu Bộ Công Thương cũng yêu cầu toàn ngành tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ðẩy mạnh thực hiện các giải pháp cơ cấu lại ngành Công Thương dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tiếp tục khắc phục những hạn chế yếu kém, vượt qua thách thức, tận dụng, khai thác và phát huy hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA). Ða dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất khẩu, đồng thời chú trọng khai thác, phát triển thị trường nội địa 100 triệu dân. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Ðổi mới lề lối, phương thức làm việc. Chủ động phối hợp xử lý công việc gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tạo chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết