30/04/2011 - 21:05

Ngậm bồ hòn làm ngọt

Một ngày sau khi Boeing và Lockheed Martin bị loại khỏi cuộc đua giành quyền cung cấp 126 chiến đấu cơ đa năng trị giá 11 tỉ USD cho Không lực Ấn Độ, Đại sứ Mỹ tại New Delhi, Timothy Roemer hôm 29-4 lên tiếng bác bỏ khả năng quan hệ song phương vì thế mà rạn nứt. Ông thừa nhận “Washington cực kỳ thất vọng”, nhưng khẳng định “không một yếu tố đơn lẻ nào có thể quyết định quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ” mà như lời ông là “đang tiến vào thời hoàng kim”. Ông cũng bày tỏ tin tưởng Boeing sẽ thành công trong cuộc đàm phán bán các máy bay vận tải C17 trị giá 4 tỉ USD cho Ấn Độ. Theo ông, thương vụ này sẽ mang lại lợi ích cho 30.000 lao động và 650 nhà cung cấp phụ tùng ở 44 bang của nước Mỹ. Giám đốc Boeing tại Ấn Độ Dinesh Keskar cũng phụ họa rằng quan hệ đối tác với Ấn Độ vượt ra khỏi khuôn khổ của một thương vụ, và hy vọng hai bên sẽ có những hợp đồng khác trong tương lai.

Cùng quan điểm đó, cựu Đại sứ Ấn Độ tại Washington, Naresh Chandra cho rằng sở dĩ New Delhi hành xử như vậy vì họ tin rằng quan hệ giữa hai nước hiện nay đủ mạnh để vượt qua nỗi thất vọng của Mỹ khi vuột mất hợp đồng béo bở này.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích lại nghĩ khác. Lisa Curtis ở Quỹ Heritage phê phán quyết định trên là thiển cận về mặt chiến lược và sẽ tác động tiêu cực tới bang giao song phương. Thực tế là nhiều quan chức cấp cao của Mỹ, trong đó có cả Tổng thống Barack Obama, từng tốn không ít công sức vận động cho hai tập đoàn xứ cờ hoa. Còn theo Ashely Tellis ở Viện Carnegie Endowment thì người Mỹ sẽ đặt câu hỏi tại sao họ phải nhân nhượng New Delhi. Có thể ông này muốn đề cập việc Mỹ ký hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự gây tranh cãi với Ấn Độ- quốc gia sở hữu vũ khí nguyên tử- hồi năm 2008. Chưa hết, trong chuyến thăm New Delhi cuối năm ngoái, ông Obama còn ủng hộ nước này có chân thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Nói gì thì nói, Mỹ bực mình trước việc Boeing và Lockheed Martin bị loại là điều không tránh khỏi. Người ta thậm chí còn nghi ngờ quyết định từ chức của Đại sứ Roemer hôm 29-4 có liên quan tới vụ này.

Nhưng tại sao Washington phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”, sử dụng những lời lẽ hết sức ngoại giao với New Delhi? Theo kế hoạch, từ nay tới năm 2016, Ấn Độ sẽ chi hơn 100 tỉ USD để nâng cấp tiềm lực quân sự của mình, nên ngoài thương vụ trị giá 4 tỉ USD đang đàm phán, biết đâu Mỹ sẽ trúng thầu các hợp đồng khác còn “ngon ăn” hơn vụ cung cấp chiến đấu cơ mà họ vừa vuột mất.

LÊ DÂN

Chia sẻ bài viết