12/12/2013 - 14:18

Nga tăng cường hiện diện quân sự tại Bắc Cực

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) bắt tay Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu trong cuộc họp hôm 10-12. Ảnh: AP

Bầu không khí ở Bắc Cực trở nên "nóng" hơn bao giờ hết khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự của Nga trong khu vực, đồng thời cho rằng đây là một trong những ưu tiên hàng đầu đối với lực lượng vũ trang nước này sau khi Canada rụch rịch đệ trình lên Liên Hiệp Quốc (LHQ) tuyên bố chủ quyền mở rộng đối với Bắc Cực.

Phát biểu tại cuộc họp với các tướng lĩnh đứng đầu quân đội Nga ngày 10-12, ông Putin nhấn mạnh việc tiếp tục sửa chữa, nâng cấp các cơ sở hạ tầng quân sự đã được thiết lập từ thời Liên Xô cũ tại quần đảo New Siberian là "tối quan trọng". Trong năm 2014, Nga sẽ tập trung mọi nỗ lực để hiện đại hóa kho vũ khí và khu vực này sẽ có thêm 40 tên lửa đạn đạo, hơn 200 máy bay quân sự và hai tàu ngầm hạt nhân.

Cũng trong cuộc họp trên, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đã khẳng định rằng những chỉ thị của ông Putin sẽ được thực hiện một cách nghiêm túc và đúng thời hạn. Ông Shoigu cho biết Bộ Quốc phòng Nga dự kiến sẽ thành lập thêm các lực lượng mới nhằm đảm bảo an ninh quân sự và bảo vệ lợi ích quốc gia của Nga ở Bắc Cực trong năm 2014.

Phát biểu của ông Putin được xem là đòn phản công nhanh chóng và trực tiếp đến Canada, một đối thủ của Nga tại Bắc Cực. Trước đó, Ngoại trưởng Canada John Baird hôm 9-12 cho biết chính quyền Ottawa đã yêu cầu các chuyên gia thu thập thêm thông tin để xây dựng một bản đồ dưới nước chi tiết hơn trước khi trình đơn khiếu nại tới Ủy ban LHQ về Ranh giới Thềm lục địa. Để hỗ trợ cho tuyên bố mở rộng chủ quyền ở Bắc Cực, Canada sẽ phải chứng minh rằng dãy núi dưới nước bao gồm cả Đỉnh Lomonosov có liên quan đến thềm lục địa của Canada. Theo Công ước về Luật Biển của LHQ, các quốc gia ven biển có quyền kiểm soát kinh tế trong phạm vi 360 km tính từ đường bờ biển. Một quốc gia có thể giành được quyền kiểm sát khu vực đáy biển ngoài giới hạn được quốc tế công nhận nếu họ có thể đưa ra bằng chứng chứng minh được rằng khu vực đáy biển đó là phần mở rộng thềm lục địa của họ. Theo các chuyên gia khảo sát địa chất Mỹ, Bắc Cực chứa 30% lượng khí đốt tự nhiên cũng như 15% lượng dầu mỏ chưa được phát hiện của thế giới. Nơi đây ngoài ra cũng có các tuyến đường vận chuyển quan trọng một khi băng tan.

Trước động thái này của Mát-xcơ-va, Ottawa hôm 10-12 "bóng gió" rằng Nga nên cân nhắc những hành động của mình tại Bắc Cực. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Rick Roth, cho biết Canada đang tiến hành các thủ tục để khẳng định chủ quyền của mình dựa trên luật pháp quốc tế và sẽ hợp tác với các quốc gia khác gần Bắc Cực. "Chúng tôi không đưa ra bất kỳ lời khuyên nào cho Nga, chúng tôi chỉ đơn thuần chỉ ra rằng Nga cần phải hiểu rõ thông điệp mà họ đang gửi đến các quốc gia láng giềng" – ông Roth phản ứng. Không dừng lại ở đó, chính quyền Canada cũng tuyên bố sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự ở Bắc Cực và hiện đang đóng nhiều tàu phá băng cũng như tàu tuần tra.

Từ lâu, Nga, Mỹ, Canada, Đan Mạch và Na Uy đều nỗ lực khẳng định chủ quyền của mình trên các vùng biển Bắc Cực. Hồi năm 2007, một tàu ngầm Nga đã lặn xuống đáy biển Bắc Cực và cắm quốc kỳ Nga tại đây. Tổng thống Putin mới đây nói rằng Nga cần tăng cường sự hiện diện quân sự ở Bắc Cực một phần vì ngại các tên lửa tàu ngầm Mỹ ở đây. Hiện Đan Mạch cũng có kế hoạch trình lên LHQ tuyên bố chủ quyền Bắc Cực của mình.

TRÍ VĂN (Theo AP, Guardian, Toronto Sun)

 

Chia sẻ bài viết