15/09/2021 - 15:09

Nga muốn sắp lại “bàn cờ” châu Phi 

Tận dụng tình hình bất ổn và căng thẳng ngoại giao giữa các nước châu Phi với phương Tây, Nga đang tìm cách vẽ lại “bàn cờ” tại khu vực này.

Từ Libya đến Nigeria, Ethiopia đến Mali, Nga đang xây dựng các liên minh quân sự chiến lược quan trọng, từng bước giành được sự ủng hộ công khai trên khắp khu vực châu Phi trong những năm gần đây. Trọng tâm của nỗ lực này là tìm giải pháp thay thế cho những quốc gia đang thất vọng trước quan hệ ngoại giao với phương Tây.

Phái đoàn Nigeria tham dự Triển lãm Hàng không và Vũ trụ Quốc tế MAKS-2021 tại Nga hồi tháng 7 vừa rồi. Ảnh: AFP

Phái đoàn Nigeria tham dự Triển lãm Hàng không và Vũ trụ Quốc tế MAKS-2021 tại Nga hồi tháng 7 vừa rồi.
Ảnh: AFP

 

Tại Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi lần thứ nhất năm 2019, Tổng thống Vladimir Putin từng tuyên bố Nga “sẵn sàng cạnh tranh để hợp tác với châu Phi”. Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi lần thứ 2 dự kiến sẽ được tổ chức vào năm tới. Thông qua Liên Hiệp Quốc (LHQ), Mát-xcơ-va đã cung cấp lương thực, hỗ trợ y tế, thương mại, kinh tế và quân sự trên khắp khu vực. Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm ước tính, châu Phi chiếm 18% lượng vũ khí xuất khẩu của Nga giai đoạn 2016-2020.

Nigeria, Ethiopia quay sang Nga

Chỉ trong 2 tháng qua, Nga đã ký các thỏa thuận hợp tác quân sự với Nigeria và Ethiopia, hai quốc gia đông dân nhất châu Phi. Sau khi các nhà lập pháp Mỹ đình chỉ kế hoạch bán vũ khí trị giá 1 tỉ USD cho Nigeria hồi tháng 7-2021, Nga lập tức đạt thỏa thuận với chính quyền Tổng thống Muhammadu Buhari về việc cung cấp thiết bị quân sự, công nghệ và hỗ trợ huấn luyện cho các lực lượng của quốc gia Tây Phi này.

Tại Ethiopia, Nga cũng đóng vai trò tích cực. Mát-xcơ-va đã hỗ trợ chính quyền Thủ tướng Abiy Ahmed sau khi các quốc gia phương Tây lưỡng lự trong việc giúp Ethiopia đối phó với cuộc nổi dậy ở vùng Tigray, phía Bắc nước này. Ðộng thái của Nga diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Ethiopia ngày càng gia tăng. Trong vụ tranh chấp kéo dài nhiều năm giữa Ethiopia, Ai Cập và Sudan xoay quanh đập thủy điện Ðại Phục Hưng (GERD), nỗ lực của Mỹ nhằm làm trung gian hòa giải đã thất bại vào năm 2020 do Addis Ababa cáo buộc Washington đứng về phía Cairo. Ðến tháng 3 năm nay, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tiếp tục chọc giận Ethiopia khi tố các lực lượng chính phủ ở Tigray “thanh trừng sắc tộc”.

Tháng 6 vừa qua, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã có cuộc gặp với người đồng cấp Ethiopia Demeke Mekonnen. Trong cuộc phỏng vấn với Hãng thông tấn TASS gần đây, Ðại sứ Ethiopia tại Nga Alemayehu Tegenu Aargau cho rằng Addis Ababa hài lòng về quan điểm của Mát-xcơ-va đối với tình hình liên quan GERD. Nga cũng đã tích cực triển khai các quan sát viên bầu cử tới Ethiopia trong khi Liên minh châu Âu rút hết quan sát viên của khối này với lý do “tình trạng bạo lực đang diễn ra trên khắp đất nước, căng thẳng chính trị gia tăng, đi kèm với đó là các vụ quấy rối nhân viên truyền thông và giam giữ những thành viên đối lập”.

Mát-xcơ-va còn cung cấp vũ khí chiến lược cho Ethiopia, vừa giúp đất nước Ðông Phi này phòng thủ trước bất cứ cuộc tấn công tiềm ẩn nào từ phía Ai Cập, vừa hỗ trợ lực lượng chính phủ ở Tigray chống lại phiến quân. Cách đây 2 tháng, Ethiopia và Nga đã ký một thỏa thuận hợp tác quân sự, tập trung đặc biệt vào chuyển giao kiến thức và công nghệ.

HẠNH NGUYÊN (Theo CNBC)

Chia sẻ bài viết