Theo hãng tin CNN, Tổng thống Nga Vladimir Putin thừa biết ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ “đứng trên núi nợ”, vì thế nhà lãnh đạo xứ bạch dương đã quyết định hành động.

Các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ đứng trước nguy cơ phá sản hàng loạt. Ảnh: AFP
Tại cuộc họp khẩn của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác hồi tuần rồi, nhiều quốc gia đồng ý tiếp tục cắt giảm sản lượng nhằm đối phó với nguy cơ giá dầu giảm do tác động của dịch COVID-19, song Nga từ chối. Động thái của Mát-xcơ-va một phần là để “nhấn chìm” các công ty dầu đá phiến của Mỹ vốn phụ thuộc vào giá dầu cao để tồn tại. Mục đích của ông Putin là giành lại thị phần từ các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ bởi chính sự tăng trưởng của họ đã khiến Nga mất đi vị thế nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới năm 2018.
Giá dầu thô rơi tự do hôm 9-3 sau khi Saudi Arabia tuyên bố sẽ hạ giá dầu từ 6-8 USD/thùng giao tháng 4, đồng thời nâng sản lượng khai thác thêm 27%, tức lên 12,3 triệu thùng/ngày. Đây được coi là đòn đáp trả cứng rắn của Saudi Arabia đối với hành động của Nga. Sau thông báo của Riyadh, giá dầu thô Mỹ đã giảm 26% xuống còn 31,13 USD/thùng, mức giảm mạnh nhất trong ngày kể từ chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991.
Cuộc chiến dầu mỏ nói trên có nguy cơ lặp lại kịch bản năm 2014-2016 từng đẩy hàng chục công ty khí đốt/dầu mỏ Mỹ vào cảnh phá sản. Cụ thể năm 2014, Nga và Saudi Arabia bắt tay thúc đẩy OPEC và các đối tác tăng sản lượng dầu khai thác nhằm triệt hạ các công ty dầu đá phiến của Mỹ. Cuối năm đó, giá dầu rơi xuống dưới ngưỡng 30 USD/thùng, mức giá đã làm nhiều công ty dầu đá phiến Mỹ lao đao do chi phí sản xuất cao hơn dầu mỏ thông thường.
Thế nhưng, giá dầu thế giới ở mức thấp kéo dài cũng ảnh hưởng đáng kể đến nguồn thu của các nước xuất khẩu dầu mỏ, trong đó có Nga và Saudi Arabia. Do vậy năm 2016, hai quốc gia này lại liên kết tác động OPEC và các đối tác ký thỏa thuận cắt giảm hạn mức khai thác, để rồi sau đó giá dầu tăng trở lại. Mặc dù ngành dầu mỏ sống sót, song trải nghiệm trong cuộc chiến đó là rất đau đớn. Giờ đây, theo chiến lược gia về năng lượng Ryan Fitzmaurice tại Rabobank, Nga nhận thấy ngành dầu đá phiến Mỹ đang rất mong manh. Giá dầu thô hiện nay rẻ đến mức nhiều công ty dầu đá phiến Mỹ sẽ buộc phải cắt giảm sản lượng.
Không bất ngờ khi Nga và các công ty dầu mỏ nước này đang ngày càng mất kiên nhẫn đối với những nỗ lực của OPEC trong việc tái cân bằng thị trường dầu mỏ. Trong nhiều năm, Nga đã hợp tác với OPEC cắt giảm sản lượng, nhưng mỗi lần cắt giảm lại buộc nước này nhường lại thị phần cho ngành công nghiệp năng lượng đang bùng nổ của Mỹ. Tập đoàn dầu mỏ quốc gia Rosneft của Nga cũng lên tiếng chỉ trích OPEC vì cho phép dầu đá phiến Mỹ phát triển mạnh.
Bên cạnh cuộc chiến giành thị phần, giới phân tích nhận định Nga có thể muốn “trừng phạt” Mỹ liên quan chiến dịch cấm vận năng lượng gần đây. Cách đây chỉ 3 tuần, chính quyền Tổng thống Donald Trump công bố các lệnh trừng phạt đối với công ty con của Rosneft như để đáp trả việc Mát-xcơ-va ủng hộ chính quyền Venezuela. Theo Helima Croft, người đứng đầu chiến lược hàng hóa toàn cầu tại ngân hàng đầu tư RBC Capital Markets, Giám đốc điều hành Rosneft là Igor Sechin dường như đã thuyết phục Điện Kremlin đối đầu ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ.
Về phần mình, Bộ Năng lượng Mỹ hồi đầu tuần cho rằng có “những tác nhân quốc gia” đang tìm cách “thao túng và gây sốc” thị trường dầu mỏ. Dù vậy, Nhà Trắng cũng tin rằng Mỹ “có thể và sẽ chống chọi được biến động này”. Được biết, giá cổ phiếu của các công ty thăm dò và khai thác dầu của Mỹ là PXD và OXY lần lượt “bốc hơi” 37% và 52% trong ngày “thứ hai đen tối” 9-3.
HẠNH NGUYÊN