17/02/2020 - 14:58

Nga gầy dựng ảnh hưởng khắp thế giới 

Nga lâu nay tương đối lặng lẽ trên vũ đài thế giới trong bối cảnh Mát-xcơ-va tập trung vào cải cách chính trị và hồi sinh nền kinh tế. Song, ảnh hưởng của xứ bạch dương trên toàn cầu là rất lớn, cả về chính trị lẫn kinh tế.

Tổng thống Nga Putin (phải) và người đồng cấp Venezuela Maduro trong cuộc gặp hồi tháng 9-2019 tại  Mát-xcơ-va. Ảnh: CNBC

Với Mỹ Latinh 

Nga có quan hệ lâu dài với các quốc gia như Venezuela, Nicaragua và Cuba. Gần đây, Nga tăng cường quan hệ kinh tế và chính trị với các nước lớn trong khu vực như Argentina, Mexico và Brazil. Tuy nhiên, quan hệ giữa Nga với Venezuela được xem là nổi bật nhất. Từ lâu, Nga ủng hộ Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và được xem là thế lực giúp nước này tránh khỏi cuộc đảo chính được Mỹ ủng hộ do lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido  phát động hồi năm 2019. Mát-xcơ-va cũng hỗ trợ Caracas về quân sự và kinh tế. Theo đó, Venezuela được cho đã mua lượng vũ khí trị giá hàng tỉ USD từ Nga, trong khi Tập đoàn dầu mỏ quốc gia Rosneft của Nga mạnh tay đầu tư vào công ty dầu mỏ Petróleos de Venezuela. Kể từ năm 2006, Chính phủ Nga và Rosneft cho Venezuela vay ít nhất 17 tỉ USD. 

Trong chuyến thăm Venezuela mới đây, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Mát-xcơ-va sẽ tiếp tục hỗ trợ Caracas giữa lúc Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào Venezuela. 

Với châu Phi

Nga dường như muốn tăng cường quan hệ thương mại với lục địa đen, tiếp cận nguồn khoáng sản khổng lồ của khu vực. Hồi tháng 10-2019, Nga đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi với sự tham gia của hơn 40 nguyên thủ quốc gia châu Phi. Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố rằng chỉ có Nga mới tôn trọng chủ quyền của các nước châu Phi và đóng vai trò quan trọng trong việc giải phóng lục địa đen, góp phần vào cuộc đấu tranh của các dân tộc châu Phi chống lại chủ nghĩa thực dân, phân biệt chủng tộc. Được biết kim ngạch thương mại Nga-châu Phi năm 2018 đạt hơn 20 tỉ USD, gấp đôi so với 5 năm trước đó. 

Với Trung Đông

Nga trong thập kỷ qua đã nhanh chóng mở rộng quan hệ địa chính trị và quân sự ở khu vực, không chỉ với Syria mà còn với Saudi Arabia và kẻ thù truyền kiếp của nước này là Iran. Đặc biệt, Nga thiết lập liên minh với Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước khác nhằm ổn định giá dầu thế giới. Nga đã nhiều lần chỉ trích việc Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran sau khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Đáng chủ ý nhất trong những năm qua là quan hệ giữa Mát-xcơ-va và Damascus tại khu vực. Sự hiện diện quân sự của Nga ở Syria và sự ủng hộ của Mát-xcơ-va dành cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã trở nên vững chắc, đặc biệt là trong chiến dịch chống lại tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS). Đây  được coi là cách để Nga mở rộng và duy trì ảnh hưởng ở Trung Đông.

Agathe Demarais thuộc Đơn vị tình báo kinh tế (EIU) cho rằng tại nhiều nước châu Phi và Trung Đông, Nga tìm cách tận dụng khoảng trống do Mỹ để lại để thúc đẩy mục tiêu tăng sự hiện diện toàn cầu. Không những vậy, Mát-xcơ-va cũng tìm cách tận dụng sự bất mãn đối với các chính sách gây tranh cãi của Washington, gồm việc di dời đại sứ quán Mỹ ở Israel từ Tel Aviv đến Jerusalem.

Với châu Âu

Quan hệ giữa Nga với các nước láng giềng lục địa già rất phức tạp. Nga đã triển khai các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn với các nước và công ty châu Âu như đường ống dẫn khí Nord Stream 2 với Đức mà Mỹ mới đây áp đặt lệnh trừng phạt. Trong khi đó, thời gian qua, Tổng thống Putin lại có các cuộc gặp với một số nhân vật được coi là mối đe dọa tiềm tàng đối với Liên minh châu Âu (EU), gồm thủ lĩnh đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia Pháp Marine Le Pen, Thủ tướng Hungary Viktor Orban... Đáng chú ý là Nga đang bị điều tra về khả năng can thiệp vào cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 về việc Anh rời EU.

TRÍ VĂN (Theo CNBC)

 

Chia sẻ bài viết