29/10/2018 - 07:34

NATO “săn” tàu ngầm Nga ở Bắc Cực 

Tại một góc xa xôi của sân bay quốc tế Keflavik của Iceland, một bối cảnh như thời Chiến tranh Lạnh đang diễn ra mà theo đó Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang triển khai cuộc săn tàu ngầm của Nga.


Binh sĩ NATO tham gia cuộc tập trận Trident Juncture. Ảnh: CNN

Họ muốn cho chúng tôi biết rằng họ đang hiện diện ngoài đó. Họ đang hoạt động với số lượng lớn ở những nơi mà họ chưa từng hoạt động trước đó” - Đô đốc James G. Foggo, Tư lệnh Lực lượng Hải quân Mỹ tại châu Âu, nói với CNN về sự hiện diện ngày càng tăng của tàu ngầm Nga ở Bắc Đại Tây Dương và Bắc Cực.

“Trả lời” cho sự hiện diện trên của Nga, NATO hôm 25-10 đã bắt đầu cuộc tập trận mang tên Trident Juncture để kiểm tra khả năng sẵn sàng tác chiến của các đồng minh NATO nhằm khôi phục chủ quyền của Na Uy, một trong các thành viên liên minh giả định bị xâm lược. Đây là cuộc tập trận lớn nhất của NATO trong nhiều thập kỷ qua, với sự tham gia của 50.000 binh sĩ, 10.000 phương tiện quân sự, 250 máy bay và 65 tàu, trong đó gồm một tàu sân bay của Mỹ hoạt động ở Bắc Cực lần đầu tham gia tập trận trong gần 30 năm qua. Đô đốc Foggo, người giám sát Trident Juncture, cho biết cuộc tập trận không phải là một mối đe dọa đối với Nga, bởi quân đội Nga và NATO ở cách nhau hơn 700km, trong khi NATO cũng mời các quan sát viên Nga và Belarus theo dõi cuộc tập trận. “Tôi muốn họ có mặt ở đó vì cuộc tập trận sẽ cho thấy sức mạnh của liên minh” - ông Foggo nói. Theo CNN, Trident Juncture bao gồm các hoạt động trên bộ, trên không, trên biển và gồm cả tác chiến chống tàu ngầm.

Đô đốc Foggo cho biết, Nga có hơn 40 tàu ngầm tác chiến, trong đó có hơn 20 chiếc tập trung ở Hạm đội Phương Bắc, có khả năng hoạt động ở Bắc Đại Tây Dương và Bắc Cực. Để theo dõi tàu ngầm Nga, các máy bay của NATO phải bay 2 ngày một lần ở bên ngoài căn cứ của Mỹ tại sân bay quốc tế Keflavik. Ngoại trưởng Iceland Thór Thórdarson cho biết, các máy bay của NATO hoạt động bên ngoài nước này với tần suất ngày càng gia tăng, cất cánh từ sân bay Keflavik 153 lần trong năm 2017, tăng lên rất nhiều so với con số 21 lần vào năm 2014.

Được thành lập từ năm 1951, căn cứ Mỹ tại Iceland đã dừng hoạt động vào năm 2006 khi NATO chuyển trọng tâm từ Nam Âu sang Địa Trung Hải. Tuy nhiên, mối đe dọa từ Nga cũng như hạm đội tàu ngầm của Mát-xcơ-va khiến các chỉ huy quân sự Mỹ lo ngại và đưa quân đội Mỹ trở lại Iceland. Ông Foggo thừa nhận các tàu ngầm Nga khiến các nhà lãnh đạo NATO “đau đầu” khi mà Nga tiếp tục đầu tư vào việc nghiên cứu, phát triển và sản xuất các tàu ngầm uy lực.

Theo Đô đốc Foggo, thế hệ tàu ngầm mới của Nga có uy lực mạnh và nguy hiểm. Trong đó, tàu ngầm lớp Borei được cho là gần như không phát ra tiếng ồn, hoạt động bằng năng lượng hạt nhân và có thể phóng tên lửa đạn đạo. Tàu ngầm lớp Borei là trụ cột chính của lực lượng răn đe hạt nhân dưới biển của Nga, tương tự các tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Ohio của Mỹ. Nga hiện có 4 tàu ngầm lớp Borei đang hoạt động và 4 chiếc khác dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2020.

Nga cũng đang trong quá trình hiện đại hóa các tàu ngầm cũ, chẳng hạn như các tàu ngầm lớp Kilo, vốn có thể hoạt động dưới nước lâu hơn, có khả năng mang 4 tên lửa hành trình và từng triển khai các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria.

Trong bối cảnh trên, Mỹ đang chi 34 triệu USD để nâng cấp căn cứ ở Keflavik nhằm cho phép hải quân nước này triển khai các máy bay trinh sát và săn ngầm P-8 Poseidon thường xuyên hơn. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng ngay cả khi các máy bay P-8 Poseidon thường xuyên do thám Bắc Đại Tây Dương, việc phát hiện các tàu ngầm Nga cũng không hề dễ dàng.

HOÀNG NAM

Chia sẻ bài viết