01/01/2023 - 10:21

Năng lực tên lửa của Đài Loan 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Trước sức mạnh quân sự vượt trội của Trung Quốc, Đài Loan được cho đã tăng cường năng lực phòng thủ bằng tên lửa nhằm có thể tự bảo vệ chính mình trong một cuộc tấn công bất ngờ từ Bắc Kinh.

Đài Loan phóng thử tên lửa Hùng Phong-3 hồi tháng 5-2022. Ảnh: Taiwan News

Đài Loan phóng thử tên lửa Hùng Phong-3 hồi tháng 5-2022. Ảnh: Taiwan News

Cung Gia Chính, cựu Đô đốc quân đội Đài Loan đồng thời là cựu Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Trung Sơn (NCSIST) mới đây cho biết, Đài Loan sở hữu vũ khí siêu thanh có khả năng tấn công các thành phố của Trung Quốc. Số vũ khí này được cho có thể làm thay đổi cán cân quân sự ở eo biển Đài Loan và có khả năng ngăn chặn một cuộc tấn công của Bắc Kinh trong tương lai. Ông Cung tiết lộ rằng Đài Loan sở hữu tên lửa hành trình siêu thanh Vân Phong, tên lửa hành trình tấn công mặt đất Hùng Phong 2E và tên lửa đạn đạo Ba Dan. Theo ông Cung, Vân Phong là tên lửa hành trình siêu thanh vận hành bằng động cơ phản lực, bay với tốc độ Mach 3 (tương đương 3.704km/h), có “khả năng thâm nhập tuyệt vời khi lao xuống theo phương thức thẳng đứng và đánh trúng mục tiêu”, khiến nó khó bị các hệ thống phòng thủ tên lửa của Trung Quốc đánh chặn.

Song, theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hong Kong, Đài Loan đã phủ nhận sự tồn tại của Vân Phong, bởi nó được thiết kế nhằm tấn công các mục tiêu ở miền Bắc và miền Trung Trung Quốc. SCMP cho hay, Vân Phong bắt đầu được phát triển sau cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan hồi năm 1996. Dù Đài Bắc chưa chính thức tuyên bố đưa tên lửa này đi vào hoạt động nhưng 20 chiếc đầu tiên được cho đã được vận hành vào năm 2014. Đến tháng 8-2019, 10 bệ phóng di động đã được Đài Loan triển khai.

  Đài Loan đã tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng, tập trung mạnh vào phát triển vũ khí bản địa trong bối cảnh các mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc. Theo đó, Đài Bắc năm 2022 đã thông qua ngân sách đặc biệt trị giá 8,6 tỉ USD để mua sắm vũ khí trong vòng 5 năm tới. Hòn đảo này còn phân bổ ngân sách quốc phòng hàng năm kỷ lục hơn 18,3 tỉ USD cho năm 2023.  

Trong khi đó, Đài Loan cũng đã phát triển tên lửa hành trình tấn công mặt đất Hùng Phong 2E. Theo ông Cung, quá trình phát triển Hùng Phong 2E gặp nhiều khó khăn đến nỗi Đài Loan suýt hủy bỏ hồi năm 2004 sau 5 lần thử nghiệm thất bại. Hùng Phong 2E có 2 biến thể, với tầm bắn tương ứng là 500km và 1.000km, lần lượt có thể tấn công thành phố Thượng Hải và Thủ đô Bắc Kinh. Tờ Taiwan News năm 2018 tiết lộ, NCSIST còn có kế hoạch sản xuất hàng loạt tên lửa Hùng Phong 2E cải tiến, có tầm bắn 1.200km, có thể được sử dụng để tấn công các mục tiêu lớn, cố định ở Trung Quốc.

Ngoài Vân Phong và Hùng Phong 2E, Đài Loan còn có một dự án bí mật nhằm phát triển tên lửa đạn đạo Ba Dan mà theo ông Cung đã được thử nghiệm thành công nhưng Mỹ ra sức ngăn cản. Cụ thể, Washington ngăn Đài Bắc mua thành phần tên lửa quan trọng của những nước khác, buộc vùng lãnh thổ này phải mua các bộ phận tên lửa của xứ cờ hoa cho các dự án phát triển tên lửa bản địa. Mỹ có thời điểm còn từ chối bán nhiên liệu tên lửa cho Đài Loan, buộc NCSIST tự sản xuất nhiên liệu cho tên lửa JP-10. Theo Taiwan News, ngoài nhiên liệu tên lửa, Đài Loan cũng đang tìm cách mua 600 bộ con quay hồi chuyển lazer vòng cũng như các thành phần lắp đặt bảng điều khiển cho tên lửa Hùng Phong 2E cải tiến từ Mỹ.

Trước đó, tờ The Defense Post hồi tháng 1-2022 cho hay, Đài Loan đã bắt đầu phát triển biến thể của tên lửa chống hạm siêu thanh Hùng Phong-3 với chi phí ước tính hơn 314 triệu USD. Sau khi được phát triển, Hùng Phong-3 sẽ là tên lửa chống hạm đầu tiên được bắn từ đất liền, trên biển và trên không.

Giới chuyên gia cho rằng dự án phát triển tên lửa bí mật của Đài Loan đi ngược lại bản chất của “chiến lược con nhím”, được đưa ra nhằm đẩy lùi một cuộc tấn công đổ bộ hơn là răn đe ở cấp độ chiến lược của Đài Bắc.

Đẩy mạnh phát triển UAV

Tờ Focus Taiwan đưa tin, quân đội Đài Loan đã ký hợp đồng với NCSIST để sản xuất 104 UAV tự sát vào năm 2025. Trước đó, Bộ chỉ huy tên lửa và phòng không thuộc lực lượng không quân Đài Loan hồi năm 2019 xác nhận kế hoạch đầu tư 80 tỉ Tân Đài tệ (tương đương 2,57 tỉ USD) vào việc sản xuất UAV trong vòng 5 năm. Số UAV này được thiết kế để phát hiện các hệ thống radar trên không, trên mặt nước, trên mặt đất cũng như các hệ thống điện từ thông qua phát xạ; có thể hoạt động trong 5 tiếng và có phạm vi bay 1.000km, cho phép chúng nhắm mục tiêu vào các hệ thống radar của Trung Quốc trên biển, trên bờ hoặc trong đất liền.

Mỗi chiếc UAV do Đài Loan sản xuất nặng 6kg, dài 1,2m và rộng 2m. Chúng tìm kiếm các mục tiêu thông qua “hệ thống phát hiện đối tượng thông minh” và được thiết kế có thể bay lơ lửng trên mục tiêu trong nhiều giờ cho đến khi chúng được kích hoạt, lao vào mục tiêu với tốc độ 600km/h.

Hiện NCSIST đang phát triển 2 phiên bản của UAV nói trên, một để tấn công và phiên bản còn lại được dùng làm mồi nhử để bảo vệ các hệ thống cũng như cơ sở có giá trị khỏi tên lửa chống bức xạ và UAV của kẻ thù.

 

Đài Loan trông cậy vào vũ khí từ Mỹ

ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)

Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây đã ký ban hành luật chi tiêu quốc phòng năm 2023, bao gồm Luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) cung cấp khoản hỗ trợ quân sự và cho vay 10 tỉ USD để Đài Loan mua sắm vũ khí từ Washington.

Cụ thể, NDAA sẽ cho phép chính quyền ông Biden cung cấp các khoản hỗ trợ quân sự trị giá 2 tỉ USD mỗi năm, từ 2023 đến 2027, để viện trợ cũng như cho Đài Loan vay nhằm mua khí tài, dịch vụ quân sự Mỹ.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã duyệt bán loạt phụ tùng trị giá 428 triệu USD để giúp lực lượng phòng vệ Đài Loan bảo dưỡng phi đội máy bay quân sự như tiêm kích F-16, chiến đấu cơ nội địa F-CK-1 và các loại máy bay nội địa sử dụng hệ thống do Mỹ sản xuất. 

Hồi tháng 9-2022, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê chuẩn kế hoạch bán vũ khí trị giá hơn 1,2 tỉ USD cho Đài Loan, bao gồm 665 triệu USD cho gói bảo trì và nâng cấp hệ thống radar cảnh báo sớm Raytheon hoạt động từ năm 2013, 355 triệu USD cho 60 tên lửa chống hạm Harpoon Block II và 85,6 triệu USD cho 100 tên lửa không đối không Sidewinder. Đây là gói hỗ trợ quân sự lớn nhất của chính quyền Biden dành cho Đài Loan.

Trong khi đó, hồi đầu tháng 12 vừa qua, Đài Loan đã nhận được 50 tên lửa tốc độ cao chống bức xạ AGM-88 HARM vốn đặt mua từ Mỹ năm 2017. Với tầm bắn 150km, AGM-88 HARM là loại tên lửa không đối đất chiến thuật được thiết kế để dẫn đến mục tiêu dựa vào phát xạ điện tử kết hợp với hệ thống dẫn radar của tên lửa không đối đất. AGM-88 HARM có thể phát hiện, tấn công và phá hủy một ăng ten radar hoặc một trạm phát của đối phương. Giới quân sự Đài Loan cho biết số tên lửa này dự kiến được Mỹ giao trong năm 2023 nhưng vì cuộc chiến của Nga ở Ukraine khiến Đài Bắc thúc đẩy quá trình chuyển giao vũ khí.

Cũng theo giới quân sự Đài Loan, vùng lãnh thổ này có thể sớm tiếp nhận 250 tên lửa vác vai Stinger và sẽ nhận tiếp 250 tên lửa nữa vào năm 2025. Dự kiến trong 2023 và 2024, Mỹ cũng sẽ chuyển giao 460 tên lửa chống tăng TOW 2B cho Đài Loan. Hôm 28-12, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông qua kế hoạch bán cho Đài Loan hệ thống rải mìn Volcano và các thiết bị có liên quan trị giá 180 triệu USD giúp chống tăng, xe bọc thép và trực thăng, qua đó răn đe khả năng một cuộc tấn công đổ bộ từ Trung Quốc.  

Hiện tại, cơ quan quốc phòng Đài Loan cho biết đơn vị này đang có kế hoạch mua thêm 1 khẩu đội tên lửa Patriot III MSE từ Mỹ giai đoạn 2025-2026 nhằm tăng cường khả năng phòng thủ. Hồi tháng 8, Đài Loan và Mỹ cũng đã ký hợp đồng nâng cấp hệ thống tên lửa Patriot nhằm chống lại mối đe dọa tên lửa và tiêm kích từ Trung Quốc.

Năm 2010, Mỹ đã bán cho Đài Loan 100 hệ thống tên lửa đất đối không Patriot II có tầm bắn 60km. Tuy nhiên, Patriot II được cho khó đánh chặn tên lửa đạn đạo siêu thanh Đông Phong của Trung Quốc. Khi được nâng cấp, hệ thống Patriot mới của Đài Loan có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo ở khoảng cách 600km. Dự kiến, kế hoạch nâng cấp này sẽ được hoàn tất vào năm 2025 và 2026.

 

Chia sẻ bài viết