04/03/2010 - 08:34

Nan giải cuộc tranh chấp chủ quyền giữa Anh và Argentina

Tổng thống Fernandez de Kirchner (trái) tiếp Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại Buenos Aires hôm 2-3. Ảnh: AFP

Báo The Times (Anh) ngày 3-3, cho biết Argentina đang tiến hành nhiều hoạt động ngoại giao trong nỗ lực buộc Anh chấp nhận đàm phán về tương lai quần đảo Malvinas, mà Anh gọi là Falklands. Tại cuộc gặp Tổng thống Argentina Fernandez de Kirchner ngày 2-3, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khẳng định Washington “sẵn sàng” giúp Anh và Argentina giải quyết căng thẳng xung quanh vấn đề chủ quyền và khai thác dầu khí tại quần đảo Malvinas. Tuy nhiên, ngay trong ngày 2-3, Văn phòng Thủ tướng Anh đã lên tiếng bác bỏ đề nghị này của Mỹ.

Argentina xem tuyên bố trên của bà Clinton là “thắng lợi lớn về mặt ngoại giao”, có thể buộc Anh đánh giá lại mức độ ủng hộ quốc tế về kế hoạch thăm dò và khai thác dầu khí ở thềm lục địa Malvinas. Vài hôm trước, các nhà lãnh đạo Nam Mỹ cũng tuyên bố ủng hộ Argentina đàm phán với Anh. Tuy nhiên, phát ngôn viên Văn phòng Thủ tướng Anh tuyên bố: “Chúng tôi không nghĩ việc đó là cần thiết”. Người phát ngôn này khẳng định Anh vẫn “duy trì mọi kênh ngoại giao mở với Argentina, đặc biệt là trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và đang nổi G-20”. Theo các nhà phân tích, Luân Đôn coi sự can thiệp của Mỹ là thách thức đối với quan điểm lâu nay của Anh, vốn chủ trương không thương lượng nếu 3.000 dân ở Falklands không yêu cầu điều đó. Luân Đôn cho rằng không cần thiết phải đàm phán với Argentina nếu người trên đảo vẫn muốn làm công dân Anh. Đây được xem là “lá bài chủ” để Anh bác bỏ đề nghị đàm phán của Argentina.

Có thể nói, tranh cãi về chủ quyền quần đảo Malvinas bắt đầu nóng lên khi Anh tiến hành khoan dầu ở ngoài khơi khu vực này hôm 22-2. Argentina chính thức phản đối hành động đó và thắt chặt các nguyên tắc hàng hải trong khu vực, đồng thời khẳng định quần đảo bị Anh chiếm giữ là bất hợp pháp. Ngoại trưởng Argentina Jorge Taiana cho rằng việc khoan thăm dò ở vùng biển tranh chấp là hành động đơn phương đi ngược lại luật quốc tế và yêu cầu Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đưa Anh vào đàm phán về chủ quyền Malvinas.

Argentina cho rằng họ có chủ quyền quần đảo này vì sở hữu từ Tây Ban Nha hồi đầu thế kỷ 19. Argentina từng tấn công Malvinas năm 1982, nhưng bị Anh đánh bại trong cuộc chiến không tuyên bố kéo dài hai tháng làm 649 quân Argentina và 255 binh sĩ Anh thiệt mạng. Sau chiến tranh, Anh tăng cường hiện diện quân sự tại quần đảo này và xây dựng căn cứ RAF Mount Pleasant. Tuy Anh và Argentina nối lại quan hệ ngoại giao năm 1992, nhưng chưa có cuộc đàm phán nào về chủ quyền Malvinas. Chính quyền Argentina hiện nay loại bỏ hành động quân sự, nhưng đang đẩy mạnh công kích ngoại giao để gây sức ép buộc Luân Đôn đàm phán.

N. MINH (Theo The Times, AFP, AP)

Nằm cách bờ biển Argentina 650 km và cách Anh 8.000 km, quần đảo Malvinas được bao bọc bởi 4 bể trầm tích lớn, với tổng diện tích khả thi cho khai thác dầu khí lên tới 400.000 km2. Trữ lượng dầu khí của Malvinas ước khoảng 12-18 tỉ thùng (có thể lên tới 60 tỉ thùng, theo một số nghiên cứu độc lập). Tổng diện tích đất của quần đảo này là 12.173 km2, với 2 đảo chính và 776 đảo nhỏ.


Tổng thống Fernandez de Kirchner (trái) tiếp Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại Buenos Aires hôm 2-3. Ảnh: AFP

Chia sẻ bài viết