25/07/2011 - 14:22

Nạn đói hoành hành khắp Đông Phi

Một người mẹ bồng con rời bỏ Somalie đi tị nạn. Ảnh: AFP

Từ đầu năm đến nay, hơn 100.000 người Somalie đã rời bỏ nhà cửa đi tị nạn do hạn hán, trong khi lực lượng nổi dậy Hồi giáo al-Shabaab, vốn kiểm soát hầu hết các khu vực bên ngoài Thủ đô Mogadishu, ngăn cản các nhân viên cứu trợ quốc tế thực hiện công tác nhân đạo.

Tuần rồi, Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố nạn đói ở một số khu vực của Somalie và cảnh báo 800.000 trẻ em có thể chết vì thiếu lương thực. Với nhiều người Somalie đang tuyệt vọng, giải pháp duy nhất đối với họ là liều lĩnh vượt hành trình dài qua sa mạc, hy vọng tới được các trại tị nạn ở Kenya và Ethiopie. Được thành lập hồi đầu thập niên 1990 cho các nạn nhân của cuộc nội chiến ở Somalie với sức chứa 90.000 người, trại Dadaab nằm trên lãnh thổ Kenya cách biên giới Somalie hơn 96 km hiện quá tải với hơn 380.000 người tá túc. Theo tổ chức Bác sĩ không biên giới, con số này có thể lên tới 450.000 người vào cuối năm nay. Tại trại Dadaab, có tới 1.500 người Somalie đến đăng ký mỗi ngày.

Còn ở trại tị nạn Dollo Ado của Ethiopie, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn cho biết khoảng 13.000 lều trại cần được chuyển gấp tới đây nhằm cung cấp nơi ở cho 65.000 người, sau khi dòng người tị nạn rồng rắn kéo nhau đến. Trại này hiện có gần 114.500 người Somalie.

Đầu tháng 7, nhóm al-Shabaab tỏ dấu hiệu sẽ dỡ bỏ lệnh cấm được áp đặt hồi năm ngoái để các tổ chức cứu trợ hoạt động, nhưng lại thay đổi quan điểm hôm 21-7 khi nói rằng các nhóm như Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) không được chào đón. Việc al-Shabaab từ chối viện trợ từ phương Tây và các tổ chức từ thiện khiến 2,2 triệu người Somalie không tiếp cận được bất kỳ sự trợ giúp nào.

WFP không thể hoạt động mà không có sự cho phép của quân nổi dậy. 14 nhân viên WFP đã chết ở Somalie kể từ năm 2008. Các nhóm cứu trợ còn đối mặt với nhiều bãi mìn ở khu vực biên giới Somalie, nơi al-Shabaab giao tranh với các lực lượng Kenya và Ethiopie hồi đầu năm nay. Giám đốc điều hành WFP Josette Sheeran xem Somalie là môi trường hoạt động nguy hiểm nhất thế giới của WFP hiện nay.

Trong khi đó, hạn hán tồi tệ nhất trong 20 năm qua đã tạo ra khu vực “tam giác đói” nằm ở biên giới 3 nước Ethiopie, Kenya và Somalie. WFP ước tính có hơn 11,3 triệu người cần viện trợ ở khắp các khu vực bị hạn hán ở Đông Phi, trong đó chỉ riêng miền Nam Somalie là 3,7 triệu người; hơn 1/4 trẻ em ở khu vực bị suy dinh dưỡng và 1/3 người trưởng thành cần lương thực cứu trợ. Thảm họa nhân đạo đang khiến 250 người chết mỗi ngày và đây là nạn đói tồi tệ nhất ở Đông Phi trong hơn 60 năm qua.

N. KIỆT
(Theo Reuters, Guardian, AP)

Chia sẻ bài viết