Sau 30 năm liên tục bị mất cân bằng giới tính khi sinh, hàng trăm ngàn nam giới Hàn Quốc đang đối mặt với tình trạng khó cưới được vợ. “Quả bom hẹn giờ” về đàn ông ế vợ ở xứ kim chi thực sự sắp nổ - một bài phân tích vừa đăng trên báo The Conversation dự báo.

Một lớp học mầm non ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Korea Times
Là một nhà nhân khẩu học có 40 năm nghiên cứu sâu rộng về dân số Đông Á, Giáo sư Xã hội học Dubley L.Poston Jr. ở Đại học Texas A&M (Mỹ) cho rằng việc số lượng nam giới ngày càng tăng sẽ có tác động to lớn đến mọi mặt xã hội Hàn Quốc. Thật trùng hợp, xu hướng tương tự cũng đang diễn ra ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Ông nhận xét ở hầu hết các quốc gia, số bé trai được sinh ra luôn nhiều hơn bé gái - với tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) vào khoảng 105-107 bé trai trên 100 bé gái và tỷ số đó gần như không đổi. Sự mất cân bằng giới tính này có thể là một sự thích nghi về mặt tiến hóa của con người trước thực tế sinh học là phụ nữ thường sống thọ hơn nam giới, trong khi nam giới có tỷ lệ tử vong cao hơn nữ giới ở mỗi năm của cuộc đời. Và TSGTKS trong khoảng từ 105-107 bé trai/100 bé gái sẽ cho phép số lượng nam và nữ gần bằng nhau khi hai nhóm này đạt đến tuổi sinh sản.
Ở Hàn Quốc, TSGTKS ở phạm vi bình thường trong giai đoạn 1950-1980, nhưng tăng lên 110 bé trai/100 bé gái vào năm 1985 và lên 115 bé trai/100 bé gái vào năm 1990. Sau khi duy trì ở mức cao trong suốt những năm 1990 và đầu những năm 2000, TSGTKS của nước này đã trở lại mức bình thường về mặt sinh học vào năm 2010. Năm 2022, TSGTKS của Hàn Quốc là 105 bé trai/100 bé gái - tức ở mức bình thường. Tuy nhiên, mầm mống của sự mất cân bằng giới tính trong độ tuổi kết hôn đã hình thành.
Tư tưởng chuộng sinh con trai
Có nhiều lý do khiến TSGTKS của Hàn Quốc mất cân bằng suốt 30 năm qua. Nước này từng trải qua sự suy giảm mức sinh nhanh chóng trong khoảng thời gian 20-30 năm, bắt đầu từ những năm 1960. Tỷ suất sinh (số con trung bình mà một phụ nữ sẽ sinh trong đời) của Hàn Quốc đã giảm từ 6 con vào năm 1960 xuống còn 4 con vào năm 1972, rồi xuống còn 2 con vào năm 1984. Đến năm 2022, tỷ lệ sinh của Hàn Quốc đã giảm xuống còn 0,82 - mức thấp nhất thế giới và thấp hơn nhiều so với mức 2,1 cần thiết để thay thế dân số.
Mặc dù tỷ lệ sinh giảm, song tư tưởng trọng nam khinh nữ cố hữu ở Hàn Quốc vẫn không thay đổi. Có ít nhất 1 con trai là mong muốn mãnh liệt của hầu hết các gia đình ở quốc gia Đông Bắc Á này, đặc biệt là trong những năm đầu thế kỷ 21. Để đảm bảo sinh được con trai, nhiều người thậm chí sử dụng các kỹ thuật y tế để xác định giới tính thai nhi, như sàng lọc giới tính trong giai đoạn đầu của thai kỳ. Phá thai, thủ thuật y tế được pháp luật và xã hội chấp nhận ở Hàn Quốc, cũng thường được các gia đình sử dụng để lựa chọn giới tính của con.
Đáng lo là bắt đầu từ năm 1980 cho đến năm 2010, số bé trai được sinh ra nhiều hơn hẳn số bé gái. Khi những chàng trai “dôi dư” trong giai đoạn này trưởng thành và tìm kiếm đối tượng kết hôn, nhiều người sẽ không thành công. Còn những bé trai sinh ra vào những năm 1980 và 1990 hiện đã đến tuổi kết hôn và muốn lập gia đình. Thêm nhiều người nữa cũng sẽ đến tuổi kết hôn trong hai thập kỷ tới. Và theo tính toán của Giáo sư Dubley, sự mất cân bằng về TSGTKS của Hàn Quốc trong giai đoạn 1980-2010 sẽ khiến khoảng 700.000 đến 800.000 nam giới “dôi dư” có thể không tìm được cô gái nào để kết hôn trong tương lai.
Theo các chuyên gia dân số, phụ nữ nước ngoài nhập cư Hàn Quốc có thể góp phần giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính trong độ tuổi kết hôn tại nước này. Bởi nếu không cưới cô dâu nước ngoài, nam giới độc thân sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tự lo cuộc sống một mình. Một số người có thể tìm đến định cư tại các “cộng đồng người độc thân” ở Seoul và các thành phố lớn khác như Busan và Daegu, những nơi hoạt động mại dâm phổ biến hơn. Các “cộng đồng người độc thân” kiểu như vậy cũng thường thấy ở các thành phố châu Á có số lượng nam giới đông hơn nữ giới, như Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu (Trung Quốc).
NGUYỆT CÁT (Theo The Conversation)