19/07/2025 - 08:17

Anh, Pháp, Ðức chính thức hóa “liên minh tam giác” 

Trong hiệp ước song phương đầu tiên giữa Anh và Đức kể từ Thế chiến thứ hai, hai nước đã cam kết tăng cường hợp tác quốc phòng trong bối cảnh châu Âu đối mặt với những mối đe dọa ngày càng tăng.

Thủ tướng Ðức Merz (trái) bắt tay người đồng cấp Anh Starmer tại lễ ký Hiệp ước Hữu nghị ngày 17-7. Ảnh: AFP

Trong chuyến công du Luân Đôn vào ngày 17-7, Thủ tướng Đức Friedrich Merz đã ký Hiệp ước Kensington với người đồng cấp Anh Keir Starmer. Những điểm nổi bật trong văn kiện này bao gồm các điều khoản về “hỗ trợ lẫn nhau” trong trường hợp bị tấn công vũ trang, “các chiến dịch xuất khẩu chung” và hợp tác phát triển một hệ thống tên lửa tầm xa mới.

Mặc dù Đức không sở hữu vũ khí hạt nhân, hiệp ước nêu rõ hai nước sẽ “duy trì đối thoại chặt chẽ về chính sách quốc phòng, bao gồm cả vấn đề hạt nhân”. Các rào cản thương mại quốc phòng giữa Anh và Đức cũng sẽ được nới lỏng theo hiệp ước, đặt nền móng cho việc giải quyết các mối đe dọa hỗn hợp như tấn công cơ sở hạ tầng và hoạt động mạng độc hại.

Trước Hiệp ước Kensington, Thủ tướng Starmer đã ký các hiệp ước quốc phòng với Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 5 và với Pháp hồi tuần rồi. Khi đó, Anh và Pháp cam kết phối hợp răn đe hạt nhân, phát tín hiệu về “cái bắt tay” chặt hơn giữa 3 cường quốc hàng đầu châu Âu. Vì thế, Hiệp ước Kensington báo hiệu tương lai quốc phòng châu Âu sẽ bị chi phối bởi bộ ba Luân Đôn, Paris và Berlin thời hậu Brexit (Anh rời khỏi EU).

Hiệp ước mới tuyên bố “Anh và Đức sẽ hợp tác sâu rộng với Pháp để cùng nhau giải quyết những thách thức quốc tế”, qua đó lần đầu tiên chính thức hóa “liên minh tam giác”. Hiệp ước Kensington nêu rõ “cuộc xung đột trên đất châu Âu là mối đe dọa trực tiếp và nghiêm trọng nhất đối với an ninh của cựu lục địa”. Trong khi Anh và Pháp là hai cường quốc hạt nhân của châu Âu, Đức - quốc gia giàu nhất châu lục - đang có kế hoạch xây dựng quân đội hùng mạnh nhất.

Lực lượng răn đe hạt nhân của Anh gồm 4 tàu ngầm lớp Vanguard, với mỗi chiếc có thể mang tối đa 16 tên lửa Trident. Trong khi đó, Pháp sở hữu 300 đầu đạn hạt nhân, thuộc chương trình răn đe hạt nhân với khả năng triển khai từ máy bay và tàu ngầm. Hiện nay, lực lượng răn đe hạt nhân của Pháp hoạt động độc lập với NATO, còn Trident của Anh được tích hợp vào chiến lược phòng thủ của liên minh.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng hiệp ước quốc phòng lịch sử mà Anh và Đức vừa ký hướng đến tương lai nhiều hơn hiện tại. Các hiệp ước của Anh với Đức, Pháp và EU sẽ mở ra cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực nhạy cảm như sản xuất và nghiên cứu quốc phòng. Ngoài ra còn có các biện pháp nhằm làm cân đối luật xuất khẩu để tạo thuận lợi hơn cho hoạt động buôn bán vũ khí. Đây có thể là lý do tại sao Tổng thống Donald Trump đồng ý gửi vũ khí Mỹ, do châu Âu chi trả, cho Ukraine. Với sự cạnh tranh sắp tới, chủ nhân Nhà Trắng muốn đạt được một số thỏa thuận bán vũ khí Mỹ ngay bây giờ.

HẠNH NGUYÊN (Theo Al Jazeera, Telegraph)

Chia sẻ bài viết