TP Cần Thơ mới sau hợp nhất được kỳ vọng mở ra không gian phát triển cho ngành công nghệ số tại ÐBSCL. Nhiều doanh nghiệp công nghệ tại TP Cần Thơ đào tạo nhân sự theo cách “cầm tay chỉ việc”, giúp học viên nhanh chóng đáp ứng yêu cầu về kỹ năng, kiến thức chuyên môn. Ðây cũng là nguồn lực quan trọng vừa đáp ứng, vừa thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ số trong tương lai.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long (người đứng thứ 2 hàng đầu từ trái qua) cùng lãnh đạo TP Cần Thơ trong một đợt tham quan Khu Công nghệ số.
Cơ hội việc làm cho lao động ngành công nghệ
Thông qua kết nối với các trường đại học, cao đẳng, Trung tâm Ươm tạo công nghệ và Hỗ trợ đổi mới sáng tạo (ISC) tổ chức chương trình huấn luyện 12 tuần, giúp sinh viên ngành công nghệ thông tin vận dụng lý thuyết vào các dự án thực tế của doanh nghiệp ngay tại Khu Công nghệ số tỉnh Hậu Giang (cũ). Nguyễn Thị Yến Nhi, sinh viên Trường Cao đẳng FPT Polytechnic Cần Thơ chia sẻ: “Tham gia khóa huấn luyện lập trình tại ISC, em tiếp cận nhiều kiến thức thực tế mới mẻ. Nhờ đó, em tự tin ứng tuyển vào Công ty ALTA Software ngay sau khi kết thúc khóa học”.
Không chỉ đào tạo lại người đã có bằng cấp, nhiều doanh nghiệp còn trực tiếp tuyển chọn, đào tạo lao động khi mới tốt nghiệp THPT. Công ty DIGI-TEXX là doanh nghiệp công nghệ thông tin đầu tiên hoạt động chính thức tại Khu Công nghệ số, đã tạo việc làm ổn định cho hơn 300 lao động trong và ngoài tỉnh.
Hoạt động trong lĩnh vực BPO và dịch vụ số, DIGI-TEXX tuyển dụng hằng tháng với yêu cầu ứng viên chỉ cần đủ 18 tuổi, tốt nghiệp THCS trở lên và có kỹ năng đánh máy cơ bản. Sau khi tuyển, Công ty đào tạo từ đầu về chuyên môn, quy trình làm việc. Anh Trần Văn Hậu, nhân viên xử lý dữ liệu tại Công ty, cho biết: “Lúc mới tốt nghiệp THPT, tôi từng rất lo lắng khi chọn công việc liên quan công nghệ. Sau khi được Công ty đào tạo bài bản, giờ tôi đã có việc làm ổn định gần nhà”.
Kỳ vọng sớm có Khu Công nghệ thông tin tập trung
Ông Lê Thanh Tâm, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, cho rằng: Việc sáp nhập địa giới hành chính không làm thay đổi định hướng phát triển của Khu Công nghệ số tỉnh Hậu Giang (cũ). Khu này vẫn giữ vai trò là hạt nhân trong chiến lược phát triển công nghệ số của khu vực. Trong tương lai, Khu Công nghệ số có thể tiếp tục mở rộng, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực công nghệ và thu hút đầu tư.
Khu Công nghệ số đã được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trở thành Khu Công nghệ thông tin tập trung theo Nghị định 154 của Chính phủ. Khi được công nhận, khu có nhiều chức năng và các chính sách ưu đãi vượt trội. Nơi đây tập trung doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phần mềm, phần cứng, nội dung số, kết nối với các trường đại học, viện nghiên cứu để hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số vùng.
Về chính sách, doanh nghiệp tại khu dự kiến được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp hấp dẫn: 10% trong 15 năm, miễn thuế 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo. Ngoài ra, còn có ưu đãi miễn thuế nhập khẩu một số thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất công nghệ thông tin, ưu đãi về thuê đất, giao đất không qua đấu giá cho các dự án hạ tầng, R&D…
Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội Tin học TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch điều hành ISC Hậu Giang nhận định: “Việc hợp nhất 3 địa phương thành TP Cần Thơ mới là bước đi chiến lược, mở rộng quy mô dân số, tạo ra không gian phát triển lớn hơn cho doanh nghiệp công nghệ số. Thách thức rất lớn nhưng định hướng đầu tư rõ ràng, chính sách ưu đãi hấp dẫn, hạ tầng hoàn thiện và lực lượng lao động dồi dào là những yếu tố then chốt giúp thành phố mới vươn lên trở thành trung tâm công nghệ số hàng đầu khu vực”.
Khu Công nghệ số hiện đặt tại phường Vị Tân, TP Cần Thơ, tổng diện tích 28,5ha, đã thu hút 9 doanh nghiệp công nghệ đến đăng ký hoạt động. Giai đoạn 1 xây dựng trên diện tích 4,8ha, giai đoạn 2 mở rộng thêm 23,7ha.
Bài, ảnh: MỸ XUYÊN