Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm của Việt Nam là điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, thời gian tới, nhiều dự báo nhận định tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, tạo áp lực lên chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ 16 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho cán bộ, ngành địa phương, cơ quan, đơn vị phải tập trung thực hiện.
Thách thức nhiều hơn cơ hội
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đạt 7,52% và là mức tăng cao nhất của 6 tháng trong giai đoạn 2011-2025. Có 17/34 địa phương sau hợp nhất tăng trưởng trên 8%. Điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,11% và là động lực dẫn dắt tăng trưởng chung; xuất khẩu tăng 14,4%; thu ngân sách đạt 67,7% dự toán, tăng 28,3%; vốn FDI đăng ký trên 21,5 tỉ USD, tăng 32,6%; số doanh nghiệp đăng ký gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt 152.700 doanh nghiệp, cao hơn 20% so với rút lui khỏi thị trường, tổng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế đạt gần 2,8 triệu tỉ đồng, tăng 89,03%... Trong 6 tháng, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế. Trong ảnh: Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty TNHH South Vina, Khu công nghiệp Trà Nóc - TP Cần Thơ.
Các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong tốp đầu khu vực ASEAN và là điểm sáng của tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, các động lực tăng trưởng truyền thống (xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư công) đã phát huy hiệu quả nhưng chưa đạt kỳ vọng; áp lực giải ngân vốn đầu tư công các tháng cuối năm rất lớn, trong khi sức mua thị trường trong nước phục hồi chậm; xuất khẩu chịu ảnh hưởng bất lợi từ chính sách thuế quan của Mỹ.
Các dự báo cũng chỉ ra rằng, trong 6 tháng cuối năm, khó khăn và thách thức nhiều hơn cơ hội, nhiều vấn đề không thể dự báo được. Trong đó, chính sách thuế đối ứng của Mỹ dự báo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta như điện tử, dệt may, đồ gỗ và thủy sản… tạo áp lực lên tăng trưởng GDP, ổn định kinh tế vĩ mô, việc làm và an sinh xã hội. Theo ước tính của Bộ Tài chính, nếu xuất khẩu sang Mỹ giảm 1% sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng khoảng 0,08%; giá xăng dầu trong nước tăng 10% sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng khoảng 0,5%. Bên cạnh đó, sức ép cạnh tranh ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu, các hàng rào bảo hộ thương mại, rào cản phi thuế… cũng sẽ tác động trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm, bình quân mỗi tháng cả nước xuất khẩu chỉ đạt 36,6 tỉ USD, thấp hơn 1,3 tỉ USD so với mức bình quân theo kế hoạch đầu năm. Trong khi bối cảnh 6 tháng cuối năm còn nhiều khó khăn, thách thức đối với xuất khẩu của cả nước. Hiện tại mức thuế đối ứng 20% cho hàng xuất khẩu từ Việt Nam và 40% cho hàng chuyển tải qua Việt Nam như công bố của Tống thống Mỹ dù thấp hơn so với các quốc gia trong khu vực, nhưng vẫn là mức thuế cao. Để đạt mục tiêu xuất khẩu cả nước đạt khoảng 454-455 tỉ USD, tăng 12% so với năm 2024 thì đòi hỏi xuất khẩu các tháng cuối năm bình quân phải đạt khoảng 39 tỉ USD/tháng, nên giải pháp phải đồng bộ và đồng thuận cao.
Cần sự quyết tâm
Trước diễn biến thực tế, Bộ Tài chính đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng cho 2 quý cuối năm và cho cả năm 2025. Theo đó, Kịch bản 1 (tăng trưởng cả năm 2025 đạt 8%): tăng trưởng quý III đạt 8,3% so cùng kỳ và quý IV đạt 8,5%. Quy mô GDP cả năm đạt trên 508 tỉ USD, GDP bình quân đầu người trên 5.000 USD. Các động lực tăng trưởng theo kịch bản 1 là tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 6 tháng cuối năm khoảng 108 tỉ USD, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (theo giá hiện hành) tăng khoảng 12% trở lên; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2025 tăng 16% trở lên; CPI bình quân khoảng 4,5-5%.
Với Kịch bản 2 (tăng trưởng cả năm 2025 đạt 8,3-8,5%): tăng trưởng quý III đạt 8,9-9,2% so cùng kỳ và quý IV đạt 9,1-9,5%. Quy mô GDP cả năm đạt trên 510 tỉ USD, GDP bình quân đầu người trên 5.020 USD. Các động lực tăng trưởng theo kịch bản 2 là tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 6 tháng cuối năm khoảng 111 tỉ USD, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (theo giá hiện hành) tăng khoảng 13% trở lên; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2025 tăng 17% trở lên; CPI bình quân khoảng 4,5-5%. Các động lực tăng trưởng truyền thống (xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư) tiếp tục là động lực chính, nhưng còn nhiều dư địa, tiềm năng để đẩy mạnh hơn nữa.
Trong 2 kịch bản tăng trưởng, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chọn Kịch bản 2 để tạo đà cho tăng trưởng năm 2026 đạt 10% trở lên. Với kịch bản này, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, các địa phương cần đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 cao hơn so với Nghị quyết số 25/NQ-CP, nhất là các địa phương đầu tàu, động lực tăng trưởng của cả nước: Hà Nội tăng 8,5% (cao hơn 0,5%), TP Hồ Chí Minh 8,5% (cao hơn 0,4%), Quảng Ninh 12,5% (cao hơn 1%), Thái Nguyên 8% (cao hơn 0,5%)… các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước cần tăng trưởng cao hơn 0,5% so với chi tiêu đầu năm.
Với đề xuất của Bộ Tài chính về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 từ 8,3-8,5%, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là mục tiêu rất khó và nhiều thách thức nhưng không phải mục tiêu bất khả thi. Thủ tướng chỉ rõ 16 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần thực hiện ngay trong 6 tháng cuối năm với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, phân công “6 rõ”: rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, rõ thẩm quyền. Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, kiểm soát tín dụng đi vào các động lực tăng trưởng kinh tế. Phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, nhờ điều hành đồng bộ các giải pháp, chính sách tiền tệ, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục xu hướng giảm. Riêng tháng 6-2025, lãi suất cho vay bình quân đối với các khoản vay mới của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 6,3%/năm, giảm 0,6% so với cuối năm 2024.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế quốc tế và trong nước để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả. Đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí, giữ ổn định mặt bằng lãi suất huy động, phấn đấu giảm thêm lãi suất cho vay để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bài, ảnh: GIA BẢO