10/04/2021 - 06:27

Căng thẳng Nga - Ukraine

Mỹ xem xét đưa tàu chiến đến Biển Đen 

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang đứng trước khả năng tăng cường can dự vào tình hình căng thẳng ở biên giới Nga và Ukraine, làm dấy lên lo ngại xảy ra khiêu khích quân sự khó lường.

Lầu Năm Góc lên phương án chuẩn bị

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy (giữa) đến thăm binh sĩ Ukraine tại khu vực miền Đông đang tranh chấp với lực lượng ly khai. Ảnh: BBC

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy (giữa) đến thăm binh sĩ Ukraine tại khu vực miền Đông đang tranh chấp với lực lượng ly khai. Ảnh: BBC

Hãng CNN hôm 8-4 dẫn lời các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết nước này đang xem xét đưa tàu chiến đến Biển Đen trong vài tuần tới nhằm thể hiện sự ủng hộ của Washington đối với Kiev trong bối cảnh Nga đang gia tăng hiện diện quân sự tại khu vực biên giới phía Đông của Ukraine. Thông thường, Mỹ phải thông báo trước 14 ngày trước khi đưa tàu chiến đến Biển Đen dựa theo một hiệp ước năm 1936 vốn cho phép Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát các eo biển vào Biển Đen. Hiện chưa rõ Lầu Năm Góc đã thông báo điều này cho Ankara hay chưa.

Hải quân Mỹ cũng thường xuyên hoạt động tại Biển Đen, nhưng việc triển khai tàu chiến lần này nếu diễn ra được cho là một thông điệp đặc biệt mà Mỹ muốn dành cho Nga. Thông điệp này nhấn mạnh Mỹ đang theo dõi sát sao động tĩnh quân sự của Nga tại khu vực. Giới chức Lầu Năm Góc cho hay Mỹ vẫn đang tiếp tục các chuyến bay do thám trên không phận quốc tế ở Biển Đen để theo dõi các hoạt động hải quân và bất kỳ chuyển động binh sĩ nào của Nga tại bán đảo Crimea. Hôm 7-4, hai oanh tặc cơ hạng nặng US B-1 của Mỹ cũng hoạt động trên Biển Aegea. Lầu Năm Góc nhận định các hoạt động huấn luyện và tập trận của quân đội Nga tại khu vực không có dấu hiệu chuẩn bị cho một cuộc phiêu lưu quân sự nhưng hải quân Mỹ cần cảnh giác cao độ, sẵn sàng cho bất kỳ sự thay đổi nào trong mọi thời điểm.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ công du đến châu Âu ngay từ ngày 10-4 để gặp các quan chức chính phủ và quân sự của các nước đồng minh nhằm bàn về động thái gia tăng hiện diện quân sự của Nga tại các vùng biên giới giáp Ukraine. Ông Austin dự kiến gặp các đối tác tại Đức, Anh và trụ sở Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussels (Bỉ) trước khi thăm Israel.

Mỹ “ủng hộ vững chắc” cho Ukraine

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki hôm 8-4 cho biết “Mỹ đang gia tăng quan ngại về những hành động leo thang xâm lược của Nga tại Đông Ukraine, bao gồm việc huy động số lượng binh sĩ nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ năm 2014 và đã có 5 binh sĩ Ukraine thiệt mạng chỉ trong tuần này”. Dù không đưa ra con số cụ thể, nhưng đây là lần đầu tiên chính quyền Biden mô tả về quy mô hiện diện quân sự của Nga tại biên giới Ukraine. Bà Psaki nhấn mạnh tất cả những dấu hiệu trên gây “quan ngại sâu sắc” cho Mỹ.

Hãng tin Reuters cho biết vào cao điểm xung đột tại miền Đông Ukraine hồi tháng 3-2014, phương Tây ước tính số lượng binh sĩ, dân quân và đặc nhiệm Nga tại biên giới là khoảng 25.000 đến hơn 30.000 người. Lần này, Hãng Fox News cho biết có đến 28.000 binh sĩ Nga được đưa tới biên giới Ukraine. Đáng chú ý, công ty phân tích tình báo nguồn mở Janes cho biết ngoài số lượng lớn xe tăng bất thường, Nga còn triển khai tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander đến biên giới Ukraine.

Để trấn an binh sĩ Ukraine tại miền Đông, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy hôm 8-4 đã đến thăm một khu vực tranh chấp với lực lượng ly khai. Ông Zelenskiy cho biết đã có 26 binh sĩ Ukraine thiệt mạng do các cuộc đụng độ tại đây từ đầu năm đến nay, so với 50 người của cả năm 2020. Tính từ năm 2014,  cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine đã làm hơn 14.000 người thiệt mạng.

Tổng thống Mỹ Biden đã có cuộc điện đàm đầu tiên với Tổng thống Zelenskiy hôm 2-4. Theo tuyên bố của Nhà trắng, ông Biden khẳng định “sự ủng hộ vững chắc của Mỹ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trước sự xâm lược liên tục của Nga ở vùng Donbass và Crimea, đồng thời cam kết phục hồi quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước”. Ông  Zelenskiy thì tuyên bố Tổng thống Biden đảm bảo rằng “Ukraine sẽ không bao giờ bị bỏ lại một mình trước sự xâm lược của Nga”. Viết trên tài khoản Twitter, ông Zelenskiy nhấn mạnh Ukraine và Mỹ “đang vai kề vai để bảo vệ nền dân chủ” và thiết lập đối tác với Mỹ có ý nghĩa sống còn với Ukraine.  Ông Zelenskiy hôm 6-4 tiếp tục gây sự chú ý khi kêu gọi NATO thúc đẩy kết nạp Ukraine làm thành viên, cho rằng đây là con đường duy nhất giúp kết thúc cuộc xung đột kéo dài tại Đông Ukraine cũng như ngăn chặn các cuộc xâm lấn tiềm năng của Nga vào Ukraine trong tương lai.

Khởi đầu cho sự kết thúc của Ukraine?

Thông tin Nga tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực giáp biên giới phía Đông Ukraine có từ cuối tháng 3, nhất là sau khi Kiev cáo buộc một cuộc tấn công bằng súng cối của quân đội Nga hôm 26-3 tại Đông Ukraine làm 4 binh sĩ nước này thiệt mạng. Điện Kremlin bác bỏ sự hiện diện quân sự của Nga tại Đông Ukraine và nhấn mạnh việc động binh tại khu vực biên giới Ukraine không đe dọa nước nào, mà đơn thuần chỉ nhằm mục đích phòng thủ.

Tuy nhiên, ông Dmitry Kozak - người được Điện Kremlin giao phụ trách quan hệ với Ukraine và phe ly khai tại Đông Ukraine - tuyên bố rằng Nga có thể buộc phải bảo vệ công dân của mình tại Đông Ukraine trong những hoàn cảnh nhất định.  Ông  Kozak cảnh báo một cuộc leo thang xung đột có thể là “sự khởi đầu cho sự kết thúc của Ukraine”. Ông mô tả diễn cảnh tồi tệ cho quốc gia từng thuộc Liên Xô này là “không phải tự bắn vào chân mà vào mặt mình”. Được biết, tại vùng  Donbass thuộc Đông Ukraine, hai tỉnh Donetsk và Luhansk giáp Nga đã tự tuyên bố thành lập hai nước cộng hòa nhân dân từ năm 2014. Từ khi Nga đơn giản hóa thủ tục nhập tịch cho người dân Đông Ukraine tháng 4-2019 vì lý do nhân đạo, chỉ tính riêng Donetsk đã có hơn 240.000-400.000 người được cấp quốc tịch Nga. Những người này có thể được tham gia bỏ phiếu bầu cử sắp tới tại Nga.

Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 8-4 bày tỏ lo ngại về sự hậu thuẫn tài chính và hậu cần của các nước NATO dành cho quân đội Ukraine. Bà cáo buộc NATO cung cấp vũ khí sát thương và huấn luyện cho binh sĩ Ukraine. Bà Zakharova cho rằng sự hỗ trợ này “không đóng góp cho an ninh và giải quyết xung đột tại Đông Ukraine”.  Có điều Nga không quá lo lắng về khả năng NATO kết nạp Ukraine bởi thực tế bất ổn tại nước này. Nhiều nước NATO yêu cầu Ukraine phải đáp ứng  cải cách quân sự và quốc phòng.

Khi được hỏi về triển vọng Ukraine gia nhập NATO,  người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price đưa ra một tiêu chuẩn có vẻ quá mơ hồ đối với đất nước Ukraine hiện tại: “Nhằm đạt mục tiêu đó, chúng tôi tiếp tục thúc giục Chính phủ Ukraine thực hiện những cải cách sâu rộng, toàn diện và kịp thời cần thiết để xây dựng một đất nước ổn định, dân chủ, thịnh vượng và tự do hơn”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục ủng hộ xây dựng quan hệ tốt đẹp với Mỹ bất chấp những “chính sách thù địch, khó lường và không thân thiện” của Washington. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã đưa ra tuyên bố trên trong cuộc họp báo ngày 8-4.

Ông Peskov nhấn mạnh: “Nhìn chung, bất chấp những bình luận gay gắt và mang tính thù địch của Washington, Tổng thống Putin vẫn là người ủng hộ mạnh mẽ chính sách xây dựng quan hệ tốt đẹp với Mỹ, ít nhất là trong những lĩnh vực có lợi cho chúng tôi”. Người phát ngôn Điện Kremlin khẳng định: “Chúng tôi chưa bao giờ gây ra mối đe dọa cho bất kỳ ai. Tuy vậy, chúng tôi đương nhiên sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ quốc gia nào, kể cả Mỹ, đe dọa chúng tôi, áp đặt các điều kiện và xâm phạm những lợi ích của chúng tôi”.

Tuần trước, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhận định mối quan hệ giữa Nga và Mỹ đã chạm mức thấp nhất.  Giới phân tích nhận định Nga bắt đầu gia tăng “gây hấn” với Mỹ sau khi Tổng thống Biden gọi nhà lãnh đạo Nga Putin là “kẻ giết người” trong cuộc trả lời phỏng vấn phát trên Đài ABC News ngày 17-3.

KIẾN HÒA (Theo CNN, Reuters, AFP)

Chia sẻ bài viết