17/12/2022 - 21:46

Mỹ xây bức tường tên lửa ở Thái Bình Dương 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Nhiều phương tiện truyền thông cho biết Lục quân Mỹ vừa nhận được hệ thống đầu tiên trong số 4 bệ phóng tên lửa mặt đất Typhon, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong nỗ lực tạo ra bức tường tên lửa ở Thái Bình Dương để đối phó Trung Quốc. Song, hiện không rõ liệu các đồng minh tại khu vực của Washington có sẵn sàng bố trí các khẩu đội tên lửa trên lãnh thổ của họ hay không.

Bệ phóng tên lửa mặt đất Typhon mà Lục quân Mỹ vừa nhận được. Ảnh: National Interest

Bệ phóng tên lửa mặt đất Typhon mà Lục quân Mỹ vừa nhận được. Ảnh: National Interest

Số bệ phóng Typhon nói trên là một phần của chương trình phòng thủ tầm trung (MRC) đáp ứng yêu cầu của Lục quân Mỹ về hỏa lực chính xác tầm xa tại Thái Bình Dương. Theo tờ Asia Times, Typhon được thiết kế để phóng tên lửa phòng không dẫn đường SM-6 hoặc tên lửa hành trình Tomahawk trong khoảng cách từ 500-1.800km. Mỗi bệ phóng Typhon gồm một trung tâm điều hành, 4 hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng MK-41 được gắn trên giá đỡ xe đầu kéo M983A4 cùng với nhiều thiết bị mặt đất và nạp đạn liên quan. 4 bệ phóng Typhon sẽ tạo thành một khẩu đội gồm 16 tên lửa.

Dự kiến, Typhon được dùng để phóng các biến thể mới nhất của tên lửa SM-6 và Tomahawk là SM-6 Block IB và Tomahawk Block V. SM-6 Block IB có thân được thiết kế lại và động cơ tên lửa lớn hơn, sở hữu khả năng giúp loại tên lửa này cải thiện khả năng phòng không, chống tên lửa và tấn công trên lục địa. Trong khi đó, tên lửa Tomahawk Block V được trang bị tính năng liên lạc mới, có khả năng chống hạm và sở hữu đầu đạn đa tác dụng.

Thủy quân Lục chiến Mỹ (USMC) cũng đang theo đuổi các dự án tương tự. Theo đó, đơn vị này đã mua tên lửa tấn công mặt đất chiến thuật (TLAM) để bố trí trên tàu, bờ biển, giúp USMC có khả năng đánh chìm các tàu chiến lớn của đối phương. Ngoài TLAM, Lục đội Mỹ và USMC còn theo đuổi dự án phát triển hệ thống vũ khí siêu vượt âm trên đất liền OpFires. Mục tiêu của chương trình là tạo ra một hệ thống tên lửa siêu thanh tầm trung bố trí trên mặt đất có thể xuyên thủng hệ thống phòng không hiện đại của đối phương. OpFires sử dụng động cơ tên lửa độc đáo có thể điều tiết giúp thay đổi lực đẩy làm cho nó trở thành một nền tảng linh hoạt để mang đầu đạn đi các khoảng cách khác nhau.

Giới phân tích cho rằng bệ phóng Typhon và các dự án tương tự khác được xem là biểu hiện của sự thay đổi trong chiến lược của Mỹ, trong đó có việc cho phép các đồng minh hỗ trợ nỗ lực của Washington thông qua việc triển khai chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) riêng. Ngoài ra, Typhon có thể là một phần trong nỗ lực nhằm củng cố khả năng răn đe thông thường vốn đang suy giảm của Mỹ. Trong một bài viết đăng tải trên tờ 19fortyfive hồi tháng 11, chuyên gia phân tích quốc phòng Mackenzie Eaglen lưu ý rằng khả năng răn đe thông thường của Mỹ đang suy giảm do bộ máy quan liêu, sự tự mãn và thiếu đầu tư vào các ngành công nghiệp quân sự.

Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây của tổ chức phi lợi nhuận RAND lưu ý việc Mỹ tìm kiếm đối tác sẵn sàng tiếp nhận các hệ thống tên lửa như Typhon khó hơn nhiều so với việc Washington tìm kiếm các đối tác để đặt căn cứ không quân và hải quân. Theo nghiên cứu, Philippines, Thái Lan hoặc Hàn Quốc sẽ khó sẵn sàng tiếp nhận các hệ thống tên lửa tầm xa trên mặt đất của Mỹ. Chính sự khó đoán của Philippines, những nỗ lực của Thái Lan nhằm xây dựng mối quan hệ tốt hơn với Trung Quốc và sự nhạy cảm của Hàn Quốc trước áp lực của Bắc Kinh khiến 3 nước này trở thành những đối tác không sẵn lòng hoặc không phải là lựa chọn tối ưu để Mỹ triển khai Typhon. Úc và Nhật Bản cũng có lý do riêng để không tiếp nhận Typhon.

Theo giới chuyên gia, các bệ phóng tên lửa mặt đất có thể tồn tại lâu hơn các bệ phóng trên tàu, mang lại hiệu quả cao nhưng lại có chi phí thấp hơn. Ngoài ra, chúng cũng có thể hỗ trợ cho lực lượng không quân và hải quân bằng cách cung cấp sự hiện diện liên tục tại hoặc gần các khu vực tranh chấp, hỗ trợ về mặt chiến thuật cũng như hỗ trợ hoạt động cho các lực lượng Mỹ và đồng minh. 
Chia sẻ bài viết