03/07/2022 - 08:28

Mỹ và đồng minh “quyết đấu” với “Vành đai, Con đường” 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Trong khoảng một thập niên qua, Trung Quốc ký hơn 170 thỏa thuận hợp tác trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai, Con đường (BRI)”  với 125 quốc gia và 29 tổ chức quốc tế trên khắp châu Á, châu Âu, châu Phi, Mỹ Latinh và Nam Thái Bình Dương. Với tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 1.000 tỉ USD, BRI được cho giúp Trung Quốc vươn lên vị trí thống trị trong lĩnh vực tài chính phát triển toàn cầu và khiến nhiều nước “lâm nợ” khi cung cấp các khoản vay khổng lồ mà không có khả năng chi trả. Trong bối cảnh đó, Mỹ và các đồng minh đã tung ra nhiều sáng kiến nhằm đối đầu với BRI.

Các nhà lãnh đạo G7 trong cuộc gặp hôm 26-6. Ảnh: Reuters

Từ sự hợp lực của G7

Tại hội nghị thượng đỉnh thường niên được tổ chức tại Ðức mới đây, các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7)  đã tái khởi động kế hoạch “Quan hệ Ðối tác về Cơ sở hạ tầng và Ðầu tư Toàn cầu (PGII)” mà tiền thân là sáng kiến “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn (B3W)” để tài trợ cho cơ sở hạ tầng cần thiết, đặc biệt là ở châu Phi và chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc thông qua sáng kiến BRI trị giá hàng tỉ USD.

Theo kế hoạch mới, G7 sẽ huy động 600 tỉ USD trong vòng 5 năm tới để hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng tại các nước thu nhập thấp và trung bình. Trong đó, riêng Mỹ dự kiến huy động 200 tỉ USD vốn đầu tư công, đầu tư tư nhân và nguồn viện trợ không hoàn lại để hỗ trợ dự án ở các quốc gia nói trên, góp phần giải quyết biến đổi khí hậu và cải thiện sức khỏe toàn cầu, bình đẳng giới và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. “Tôi muốn nói rõ rằng đây không phải viện trợ hay từ thiện mà đó là khoản đầu tư sẽ mang lại lợi nhuận cho tất cả mọi người. Kế hoạch này sẽ cho phép các nước nhìn thấy những lợi ích cụ thể từ việc hợp tác với các nền dân chủ” - Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại hội nghị.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết Liên minh châu Âu sẽ đầu tư hơn 300 tỉ euro (tương đương 315 tỉ USD) cho sáng kiến ​​này. Theo bà Leyen, PGII được hình thành nhằm tạo “xung lực đầu tư tích cực mạnh mẽ để cho đối tác ở các nước đang phát triển thấy rằng họ có quyền lựa chọn”. Về phần mình, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho hay sẽ đóng góp 65 tỉ USD cho kế hoạch. Nhà lãnh đạo xứ hoa anh đào cũng nhấn mạnh rằng G7 cần đưa ra cho các nước đang phát triển một phương án khác, thay vì dựa vào dòng tiền từ Trung Quốc để đối phó với hậu quả của đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột tại Ukraine. Ngoài ra, Mỹ và đối tác trong G7 sẽ tiếp tục nỗ lực kêu gọi thêm hàng trăm tỉ USD vốn bổ sung từ các đối tác cùng chí hướng khác, hệ thống ngân hàng phát triển đa phương và tổ chức tài chính phát triển, các quỹ đầu tư quốc gia và hơn thế nữa.

Giới phân tích cho rằng thông qua PGII, phương Tây còn muốn tạo ra các giá trị, tiêu chuẩn và cách thức kinh doanh tương phản với sáng kiến BRI đầy tham vọng và cạm bẫy của Trung Quốc. Choi Shing Kwok, Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak (Singapore) cho rằng PGII “tốt hơn so với cách tiếp cận ban đầu của BRI” bởi BRI “không đảm bảo được rằng tất cả các dự án đều hợp lý về mặt kinh tế và thân thiện với môi trường”. Ngược lại, kế hoạch mà G7 triển khai có vẻ thân thiện với khí hậu và được thiết kế để đảm bảo các nước tiếp nhận đều được hưởng lợi từ các khoản đầu tư.

Ðến thúc đẩy IPEF

Trước đó, Tổng thống Biden đã công bố Khuôn khổ Kinh tế Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF) nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại giữa Mỹ và các quốc gia khác trong khu vực. “IPEF sẽ củng cố quan hệ của chúng tôi trong khu vực quan trọng này để xác định rằng những thập niên tới sẽ là “thời” của đổi mới công nghệ và nền kinh tế toàn cầu” - Nhà Trắng trong một tuyên bố cho biết.

Nhà lãnh đạo xứ cờ hoa cho rằng sự hợp nhất trong khu vực theo IPEF sẽ tạo ra môi trường mà ở đó những quốc gia này có thể tự do quyết định các quy tắc để cho phép xây dựng sân chơi bình đẳng về thương mại và hợp tác kinh tế. IPEF cũng nhằm mục đích làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại giữa Mỹ và các thành viên còn lại trong khuôn khổ. IPEF được công bố trong bối cảnh Mỹ  đã đầu tư trực tiếp hơn 969 tỉ USD vào Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương năm 2020, tăng gấp đôi trong thập niên qua. Giới chuyên gia cho rằng số tiền này cùng với IPEF được cho đóng vai trò quan trọng tại khu vực mà Trung Quốc trong vài thập niên qua đã tăng cường quan hệ kinh tế, cấu trúc chiến lược và đã phát triển quan hệ đối tác cho BRI. Theo Jagannath P. Panda, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nam Á và Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương Stockholm (Thụy Ðiển), chính quyền Tổng thống Biden thông qua IPEF muốn tập trung vào bối cảnh địa chính trị tại châu Á và thúc đẩy sự tách khỏi Trung Quốc trên toàn khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương.

Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương là khu vực đóng vai trò sống còn khi có tới 38 quốc gia, chiếm 65% dân số  (4,3 tỉ người), 63% GDP và hơn 50% thương mại hàng hải toàn cầu qua đây. Trong số này có 25 nước tại Ðông Á và Thái Bình Dương, cùng 6 nước Ðông Nam Á, đã ký thỏa thuận tham gia BRI. Thế nên, hai nhà nghiên cứu cấp cao Grant Newsham và William Alan Reinsch  của Trung tâm Chính sách An ninh (Mỹ) từng nhận định Mỹ muốn thông qua IPEF nhằm thực hiện chương trình B3W tại Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương. B3W là sáng kiến có thể giúp thay thế BRI và giờ đây nó đã được các nước thành viên G7 cam kết chung tay thực hiện thông qua PGII. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á, khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương ước tính phải cần số vốn lên đến 26.000 tỉ USD giai đoạn 2016-2030 để đầu tư cơ sở hạ tầng, nên việc chính quyền Biden thúc đẩy IPEF là một sự lựa chọn đúng đắn nhằm ngăn chặn sự “bành trướng” của BRI.

Bên cạnh thúc đẩy IPEF, Tổng thống Biden và lãnh đạo các nước Nhật Bản, Ấn Ðộ, Úc thuộc nhóm “Bộ tứ” đã công bố kế hoạch đầu tư hơn 50 tỉ USD phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương trong 5 năm tới nhằm cạnh tranh với BRI của Trung Quốc.

Chia sẻ bài viết