Hôm qua, Tổng thống Barack Obama và phái đoàn cấp cao của Mỹ đã đến Thủ đô Canberra bắt đầu chuyến thăm Úc hai ngày. Hãng tin Pháp AFP cho biết chuyến công du Úc vốn hai lần bị hoãn này của ông chủ Nhà Trắng là nhằm nâng cấp liên minh quân sự 60 năm tuổi giữa hai đồng minh trước sự trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc.
|
Nữ Thủ tướng Úc Julia Gillard (trái) đón tiếp Tổng thống Obama ngày 16-11. Ảnh: AFP |
Nhà lãnh đạo Mỹ và Thủ tướng nước chủ nhà Julia Gillard đã bắt đầu ngay cuộc gặp và thảo luận các biện pháp làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác kinh tế, an ninh và chiến lược giữa hai nước. Điểm nhấn quan trọng nhất của ông Obama trong chuyến đi này sẽ là bài phát biểu trước quốc hội Úc để công bố chiến lược an ninh can dự của Mỹ tại Úc và châu Á-Thái Bình Dương. Bài phát biểu này của Tổng thống Obama cũng diễn ra trong bối cảnh ông sắp tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) tại đảo du lịch Bali của Indonesia từ ngày 17-11.
Điều đáng chú ý hơn cả trong chính sách an ninh của Mỹ tại Úc là việc Lầu Năm Góc sẽ triển khai hơn 2.000 lính thủy đánh bộ tại một căn cứ quân sự ở gần khu vực phía Bắc thành phố duyên hải Darwin, nơi ông Obama là nhà lãnh đạo Mỹ đầu tiên tới thăm và tham dự buổi lễ tưởng nhớ binh sĩ của hai nước hy sinh trong Thế chiến thứ hai. Lực lượng quân đội Mỹ-Úc đã từng kề vai sát cánh trong Đệ nhị thế chiến, chiến tranh Nam-Bắc Triều Tiên và sau này là ở Afghanistan và Iraq. Các cơ quan tình báo Mỹ hiện nay vẫn đang duy trì một căn cứ do thám bí mật mang tên Pine Gap trên đất Úc. Với Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), đây là địa điểm tình báo hải ngoại lớn nhất nằm ngoài nước Mỹ.
Sự tăng cường hiện diện quân sự mới sẽ cho phép Mỹ đưa nhiều trang thiết bị chiến đấu, tiến hành nhiều cuộc tập trận hơn với quân đội nước chủ nhà. Đặc biệt, theo hãng tin Anh Reuters, lính Mỹ tại Darwin, nơi chỉ cách Indonesia 820 km, có thể được triển khai nhanh chóng đến bất kỳ điểm nóng về nhân đạo hoặc an ninh nào (như thảm họa thiên tai, khủng bố hay cướp biển) ở Đông Nam Á, thay vì phải huy động lực lượng từ các căn quân sự của Mỹ ở Đông Bắc Á hay Thái Bình Dương.
Giới lãnh đạo Úc phủ nhận rằng sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Darwin, nơi được ví như “Trân châu cảng của Úc”, là nhằm làm đối trọng và ngăn chặn chính sách gây hấn, đe dọa của Trung Quốc trong khu vực. Tuy nhiên, phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes không ngần ngại tuyên bố sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Úc một phần là nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
KIẾN HÒA (Tổng hợp)