23/07/2009 - 08:41

Mỹ tìm lại Đông Nam Á

Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva tiếp Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Ảnh:  AP 

Trong khuôn khổ chuyến thăm Thái Lan, hôm qua 22-7, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác (TAC) với 10 nước thành viên ASEAN tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 42 đang diễn ra ở Phuket, Thái Lan. Hãng tin Bloomberg cho rằng thỏa thuận không ràng buộc này sẽ dành cho Mỹ một ghế tại các diễn đàn khu vực Đông Nam Á và có vị trí ngang bằng với Trung Quốc, nước đã ký TAC hồi năm 2003.

Các quan chức chủ chốt của Mỹ cho biết Washington muốn thúc đẩy quan hệ với ASEAN sau thời gian xao lãng dưới thời cựu Tổng thống George Bush. ASEAN từng chỉ trích chính quyền Bush bỏ quên các mối quan hệ ở Đông Nam Á, sau khi Ngoại trưởng Condoleezza Rice không tham dự 2 trong số 3 diễn đàn khu vực gần đây. Viết trên tờ Bangkokpost, bà Clinton cho biết Nhà Trắng đang tái cam kết với khu vực này. “Tôi muốn gởi đi một thông điệp rất rõ ràng rằng Mỹ đã quay trở lại. Chúng tôi sẽ tham gia đầy đủ và tận tâm với các mối quan hệ của mình ở Đông Nam Á”, bà khẳng định. Washington dự kiến sẽ bổ nhiệm Đại sứ thường trực tại Ban Thư ký ASEAN ở Jakarta (Indonesia).

Theo Bloomberg, tham gia TAC cho thấy Mỹ lo ngại ảnh hưởng về chính trị, kinh tế và cả sức mạnh quân sự ngày càng lớn của Trung Quốc tại khu vực có các tuyến hàng hải quan trọng trong giao thương quốc tế. Eo biển Malacca ở Đông Nam Á là nơi lưu thông khoảng 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc. Vùng biển từ Singapore tới eo biển Đài Loan là tuyến qua lại của một nửa đội thương thuyền thế giới mỗi năm. Về kinh tế, giá trị thương mại của Trung Quốc với các nước Đông Nam Á đã tăng gần 20 lần kể từ năm 1993 tới nay và đạt 179 tỉ USD năm ngoái. Trong khi đó, kim ngạch mậu dịch của Mỹ với khu vực cùng thời gian này chỉ tăng 3 lần và đạt 201 tỉ USD năm 2008. Hiện ASEAN là khu vực phát triển năng động và đang hướng tới mục tiêu hình thành thị trường chung vào năm 2015 với 583 triệu dân và tổng GDP khoảng 1.100 tỉ USD nên cả Mỹ và Trung Quốc đều không muốn mất phần.

Báo chí phương Tây cho rằng về phần mình, một số nước ASEAN đang tìm cách hưởng lợi từ quan hệ kinh tế với Trung Quốc mà không bị “bắt chẹt” (nhiều nước ASEAN đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên biển Đông). Theo Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb, duy nhất Mỹ có tầm cỡ và sức mạnh để đối phó với sự mất cân bằng mà Trung Quốc đang tạo ra tại khu vực. Trong khi đó, Ngoại trưởng Thái Lan Kasit Piromya thì khẳng định cả Trung Quốc và Mỹ đều có vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình và phát triển ở Đông Nam Á.

N.MINH (Theo Bloomberg, WSJ, Reuters)

Chia sẻ bài viết