20/01/2018 - 19:36

Mỹ thay đổi trọng tâm chiến lược quốc phòng 

Hôm 19-1, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis (ảnh) công bố văn kiện chiến lược quốc phòng mới nhấn mạnh tầm nhìn chiến lược của Lầu Năm Góc ưu tiên đối phó thách thức từ Nga và Trung Quốc.

Ảnh: Seattle Times

Ảnh: Seattle Times

Đây là tín hiệu cho thấy Mỹ đang thay đổi mục tiêu chiến lược quốc phòng sau hơn 15 năm tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố. Dựa trên chiến lược an ninh quốc gia được Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố cuối năm ngoái, văn kiện này là nền tảng để Lầu Năm Góc thiết lập các ưu tiên trong sách lược quốc phòng nhiều năm tới bao gồm mở rộng không gian cạnh tranh của quân đội Mỹ, ưu tiên giải pháp đối phó nguy cơ xung đột, đưa ra định hướng rõ ràng cho sự thay đổi và xây dựng lực lượng mũi nhọn đáp ứng mục tiêu cạnh tranh chiến lược.

Phát biểu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp Johns Hopkins, Bộ trưởng Mattis cho biết các phần tử Hồi giáo cực đoan tại Iraq và Syria tuy đã bị đánh bại nhưng tổ chức khủng bố như al-Qaeda hay Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vẫn là mối đe dọa trên toàn cầu. Ông chủ Lầu Năm Góc khẳng định Washington vẫn duy trì chiến dịch chống khủng bố tại Trung Đông, nhưng trọng tâm chiến lược an ninh quốc gia sẽ tập trung nhiều hơn vào sự cạnh tranh dài hạn với các cường quốc như Nga và Trung Quốc.

Trong văn kiện dài 11 trang, Nga và Trung Quốc tiếp tục được nhắc đến là hai “cường quốc xét lại”, tức những quốc gia “đang tìm cách thay đổi hiện trạng toàn cầu để phù hợp mô hình phát triển của họ”. Theo Bộ trưởng Mattis, quân đội Mỹ mặc dù vẫn rất mạnh nhưng lợi thế cạnh tranh đã và đang suy giảm trên mọi lĩnh vực tác chiến từ trên bộ, trên không, trên biển cho tới không gian vũ trụ hoặc không gian mạng. Ngược lại, hai đối thủ Nga và Trung Quốc được cho vẫn không ngừng hiện đại hóa lực lượng vũ trang và có những phương thức tiếp cận nhằm “triệt tiêu” sức mạnh chủ chốt của quân đội Mỹ.

Theo Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về phát triển chiến lược và lực lượng Elbridge Colby, Nga mặc dù bị chế tài về kinh tế nhưng  đang chủ động hơn trong vận dụng sức mạnh quân sự, điển hình là động thái sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và can thiệp quân sự tại Syria. Về phần Trung Quốc, nước này được nhìn nhận là cường quốc kinh tế và quá trình hiện đại hóa quân sự của Bắc Kinh bị cho “mâu thuẫn với lợi ích Mỹ”. Theo ông Colby, Washington không còn duy trì được lợi thế quân sự trước các đối thủ như trước đây. Và hành động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông cùng động thái của Nga ở Gruzia, Crimea hay Ukraine là “bằng chứng” về thách thức an ninh mà Mỹ “cần phải giải quyết”.

Tài liệu cũng liệt kê chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và vấn đề Iran là một trong những ưu tiên hàng đầu của Lầu Năm Góc. Trái với tuyên bố của ông Trump cho rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã “lỗi thời”, Bộ trưởng Mattis lặp lại lời kêu gọi hợp tác chặt chẽ giữa Washington và các đồng minh lẫn đối tác đồng thời nhấn mạnh liên minh quốc tế là nguồn lực hết sức quan trọng với quân đội Mỹ. Trong đó, ông chủ Lầu Năm Góc khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục củng cố liên minh quân sự truyền thống, mở rộng quan hệ hợp tác và lắng nghe ý kiến từ nhiều quốc gia khác.

Phản ứng trước chiến lược quốc phòng mới của Mỹ, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại cuộc họp báo ở Liên Hiệp Quốc nói rằng “thật đáng tiếc” khi Washington thay vì vận dụng nền tảng luật pháp quốc tế và chủ trương đối thoại thì lại chọn cách tiếp cận đối đầu để chứng minh vị thế lãnh đạo của họ. Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ cũng chỉ trích chiến lược của Washington khi nhấn mạnh quan điểm của Bắc Kinh là tìm kiếm “quan hệ đối tác toàn cầu, không phải thống trị toàn cầu”.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết